Niềm tin cần 'của tin'
Có vẻ như chưa bao giờ chúng ta nói về niềm tin nhiều như bây giờ. Có vẻ như chưa bao giờ xã hội cảm thấy thiếu vắng, thậm chí có lúc cạn kiệt niềm tin, và cần đến niềm tin như bây giờ. Điều đó cũng dễ hiểu như đói cần ăn, đau cần uống thuốc: lúc ta cảm thấy thiếu vắng niềm tin nhất là lúc ta nhắc đến nó, cầu mong nó nhiều nhất.
Nhưng niềm tin một khi bị đánh mất thì việc khôi phục, lấy lại niềm tin là cả một quá trình. Nó đòi hỏi thời gian, đòi hỏi vượt qua nhiều thử thách, đòi hỏi phải liên tục củng cố từ cả hai phía.
Nếu đức tin tôn giáo đòi hỏi tín đồ “không thấy mà tin” như Chúa Jesus nói với Thomas - một trong 12 môn đồ “cứng lòng tin”, không chịu tin Jesus đã sống lại cho đến khi nào được thọc ngón tay vào lỗ đinh đóng trên bàn tay Chúa và thọc bàn tay vào cạnh sườn bị mũi giáo đâm của Chúa - rằng: “Phúc cho ai không thấy mà tin”, thì trong thế giới loài người, trong quan hệ giữa các cá nhân, các nhóm người, các cộng đồng, các quốc gia, giữa nhà nước và người dân, niềm tin bao giờ cũng dựa trên những điều kiện nhất định, dựa trên sự thực chứng, có thể kiểm nghiệm và có đi có lại.
“Rằng trăm năm cũng từ đây/Của tin gọi một chút này làm ghi”. Đến như Kiều với Kim Trọng của Nguyễn Du, sau tiếng sét ái tình, khi hò hẹn chuyện trăm năm cũng phải cậy đến một vật quý làm “của tin”, làm bảo chứng cho niềm tin vào tình yêu là vậy.
Niềm tin chỉ có thể đến trước hết từ sự chân thành, sự thực tâm vì lợi ích của người dân.
Vậy nên một nhà nước muốn được dân tin, tin thực lòng, thì phải có bảo chứng, có “của tin” trao cho dân để dân có cơ sở mà tin. Dân không thể “không thấy mà tin” như tín đồ.
Niềm tin chỉ có thể đến trước hết từ sự chân thành, sự thực tâm vì lợi ích của người dân. Kế đến, muốn chứng tỏ sự chân thành thì cần hoàn toàn minh bạch về mọi ý định, chủ trương, dự án, không quanh co che đậy vì lợi ích riêng của ai đó, nhóm người nào đó. Cuối cùng là sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, không nói một đàng (để lấy lòng dân hoặc vì áp lực dư luận) nhưng lại làm một nẻo.
Thực tế cho thấy, lấy sự chân thành, thực tâm đối đãi với người dân; minh bạch, làm cho người dân hiểu rõ mọi ý định, chủ trương, chính sách và nói đi đôi với làm thì người dân tin và khả năng nhà nước gặt hái thành công là cao. Ngược lại, dù chủ trương, dự án vẽ ra có đẹp đến đâu mà thiếu những điều kiện trên thì khả năng thất bại là khó tránh khỏi. Sự thất bại của đại dự án Thủ Thiêm là một ví dụ khi một quy hoạch đẹp đẽ được thực hiện với quá nhiều khuất tất, thiếu minh bạch, làm nhiều người dân oán thán.
Cũng vậy, sự thống nhất giữa nói và làm là điều kiện cốt yếu để người dân tin và giúp một chủ trương, chính sách thành công. Chẳng hạn, không thể một mặt tuyên bố đóng cửa rừng, vận động trồng tỉ cây xanh nhưng mặt khác lại cấp phép cho những dự án ăn vào đất rừng, dù không phải rừng phòng hộ đi nữa, khi những dự án ấy làm suy kiệt tài nguyên nước ở những vùng mà tài nguyên nước bị đe dọa, trong khi giữ cây, giữ rừng cũng chính là giữ nguồn nước.
Cũng vậy là những gì xảy ra trong giáo dục khi nói không đi đôi với làm, khiến ngay cả những người trẻ vô tư nhất là các em học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường cũng mất niềm tin. Lá thư tuyệt mệnh mà em H.T.C., học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TP.HCM) để lại vào sáng 10.4.2018, trước khi nhảy lầu tự tử cho thấy nguyên nhân sự mất niềm tin đó, mà dư chấn nhân tâm còn đến bây giờ.
Trong thư tuyệt mệnh em viết: “Đã nhiều năm nay, hầu như cuộc đời của học sinh chúng con chỉ là thức dậy, đi học trên trường, đi học thêm, về nhà và lặp lại. Qua nhiều năm, niềm đam mê học tập của con dần mất đi. Con bắt đầu kiệt sức, chán nản và tuyệt vọng khi nghe đến chữ HỌC (…)
Là một học sinh, con đã vô cùng xúc động khi nghe chủ trương không dạy thêm. Cái cảm giác vui mừng chợt chạy qua người con khi nghĩ đến cảnh chúng con không còn phải còng lưng ra học bài lúc 11g đêm nữa. Nhưng hiện thực tàn khốc của việc học đã không cho con được vui mừng lâu.
Trước cảnh mỗi năm đề thi Đại học lại đổi mới một kiểu, trước cảnh cô giáo viên dạy Toán của chúng con quảng cáo về lớp dạy thêm của cô một cách bí mật, con nhận ra mọi chuyện sẽ không hề tốt lên được, sẽ không bao giờ tốt lên được (…)
Con cầu xin các bác, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo: Xin hãy cho chúng con được SỐNG.
Xin hãy hiểu rằng mỗi người chỉ có những khả năng nhất định và bọn con không phải là thiên tài.
Cuối cùng, con xin mọi người hãy hiểu: “HỌC SINH CŨNG CHỈ LÀ CON NGƯỜI, KHÔNG PHẢI MÁY MÓC”.
Sự mất niềm tin ấy khiến cái giá mà xã hội phải trả là rất cao, không chỉ bởi xã hội đã mất đi một con người có thể là một người tài năng tương lai, mà còn bởi khi muốn thực hiện một cải cách nào đó về sau, trong giáo dục hay trong bất cứ lĩnh vực nào khác, những người thực sự chủ trương cải cách sẽ gặp phải trở ngại nhiều hơn do sự hoài nghi đã ăn sâu trong dân chúng. “Liệu có thật không? Liệu có làm nổi không?” sẽ là những câu hỏi đầu tiên mà người dân đặt ra sau nhiều, nhiều lần mất niềm tin.
Cho nên, niềm tin quý lắm, xin đừng phung phí. Và nhớ cho rằng niềm tin cần có “của tin”, giữa con người không ai “không thấy mà tin”, tin một cách thiếu cơ sở.
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/niem-tin-can-cua-tin-28373.html