Niềm tin chất lượng

Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2022 (World's Best Rice 2022) tổ chức tại Thái Lan từ ngày 15 - 17/11/2022, Ban Tổ chức không trao giải nhì và giải ba mà chỉ có giải nhất cho gạo Phka Rumdoul (Lài Miên) của Campuchia. Gạo ST24, ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua cùng với gạo của nước chủ nhà Thái Lan và Lào cùng được xếp vào top 4 gạo ngon nhất thế giới.

Kỹ sư Hồ Quang Cua (bìa trái) cùng cộng sự vẫn miệt mài nghiên cứu nâng cao chất lượng gạo ST. Ảnh: TÍCH CHU

Kỹ sư Hồ Quang Cua (bìa trái) cùng cộng sự vẫn miệt mài nghiên cứu nâng cao chất lượng gạo ST. Ảnh: TÍCH CHU

Xin nói thêm đôi nét về gạo Phka Rumdoul. Đây là giống gạo lúa mùa có thời gian sinh trưởng 6 tháng, nên mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ với năng suất bình quân 3 - 4 tấn/ha. Khác với giống Phka Rumdoul và giống Khao Dwak Mali của Thái Lan, giống ST24, ST25 của Việt Nam có thời gian sinh trưởng chỉ 100 ngày, có khả năng sản xuất quanh năm, nên người tiêu dùng luôn có gạo mới để sử dụng. Còn xét về năng suất, các giống lúa ST24, ST25 có năng suất bình quân 7 - 8 tấn/ha/vụ, tức cao gấp đôi so với giống Lài Miên của Campuchia. Riêng ở vụ Đông - Xuân, năng suất giống ST24, ST25 có thể lên đến 10 tấn/ha, thậm chí đến 12 tấn/ha khi được sản xuất tại vùng đất Tây Nguyên thuộc các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông…

Như vậy, nếu xét về góc độ thương mại, giống ST24, ST25 hoàn toàn vượt trội so với các đối thủ ở phân khúc gạo thơm cao cấp này. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để Ban Tổ chức cuộc thi quyết định trao giải thưởng “Thành tựu Cống hiến trọn đời cộng đồng gạo thế giới TRT - TRT Word Rice Community - Lifetime Achievement Award” vì những đóng góp cho ngành lúa gạo Việt Nam và thế giới. Được biết, giải thưởng trên được Ban Tổ chức chọn trao cho người có tầm ảnh hưởng lớn đối với ngành gạo quốc gia, khu vực hoặc thế giới thuộc ba lĩnh vực chính gồm: nghiên cứu, sản xuất hoặc thương mại gạo. Trước kỹ sư Hồ Quang Cua, Việt Nam cũng có 1 người được trao tặng giải thưởng trên vào năm 2020 là ông Trương Thanh Phong - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), còn năm 2019, giải được trao cho ông Robert Ziegler - nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI).

Sản phẩm gạo ST25 vẫn vững vàng chất lượng, giá trị từ khi tham gia thị trường đến nay. Ảnh: TÍCH CHU

Trở lại với gạo ST24, ST25 mới thấy hết niềm tự hào của ngành lúa gạo Việt Nam nói chung và lúa gạo Sóc Trăng nói riêng, khi từ lúc bước chân ra sân chơi quốc tế, gạo ST24, ST25 luôn nằm trong top đầu gạo ngon nhất thế giới, trong đó có gạo ST25 từng ở vị trí gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019. Theo tìm hiểu của người viết, giống lúa Phka Rumdoul được trồng nhiều ở tỉnh Banteay Meanchey và Batambang của Campuchia. Hiện đang là mùa vụ thu hoạch với giá bán quy ra tiền Việt Nam chỉ vào khoảng 7.000 đồng/kg, trong khi giá lúa ST25 hiện lên đến 8.500 đồng/kg. Điều đó cho thấy, tiềm năng và lợi thế rất lớn của giống ST24, ST25 khi không chỉ có thời gian sản xuất ngắn, sản xuất được quanh năm, năng suất cao mà hiệu quả kinh tế cũng rất lớn.

Thời gian qua, nhất là sau các vụ lùm xùm về đăng ký bảo hộ thương hiệu tại một số thị trường lớn, gạo ST25 càng được người tiêu dùng trong nước và thế giới biết đến nhiều hơn nên sức tiêu thụ cũng ngày một tăng lên. Đây cũng chính là nguyên nhân giúp cho giá lúa ST24, ST25 luôn giữ vững ở mức cao, mang lại hiệu quả cho cả nông dân và doanh nghiệp. Sự kiện gạo ST25 vào bếp ăn nội các Nhật Bản, có hợp đồng phân phối tại thị trường Anh quốc hay những phản ứng tích cực từ thị trường Úc, EU… cho thấy triển vọng của loại gạo này ở phân khúc thị trường cao cấp nước ngoài lẫn trong nước. Đó cũng là lý do ngày càng có nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính quan tâm, hợp tác với kỹ sư Hồ Quang Cua để được sở hữu giống đúng chất lượng phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu.

Với tính thích nghi cao, chất lượng top đầu thế giới, cả giống ST24 và ST25 đều được nông dân vùng lúa - tôm, vùng sản xuất 2 vụ/năm khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả vùng Tây Nguyên ưa chuộng đưa vào sản xuất. Trong vụ Đông - Xuân vừa qua, anh Vươn - một nông dân sản xuất giống ST25 ở tỉnh Đắk Lắk mà người viết có dịp làm quen trong lần anh xuống trại giống kỹ sư Hồ Quang Cua để liên hệ mua lúa giống ST25, đã thông tin cho người viết rằng, anh đạt năng suất đến 11 tấn/ha và bán được giá 8.500 đồng/kg, tính ra lợi nhuận trên 50 triệu đồng/ha. Anh Vươn chia sẻ: “Lúa ST25 trồng ở đây trúng lắm, chỉ có điều là thời gian kéo dài hơn 120 ngày, chứ không phải chỉ 100 ngày như ở Sóc Trăng. Nhờ năng suất và giá bán cao nên hiện không có giống lúa nào cho hiệu quả cao hơn giống ST25 hết”. Người viết cũng có lần trò chuyện cùng anh Giàu - một doanh nghiệp ở Long An chuyên kinh doanh lúa ST từ thời ST5 đến giờ về chất lượng gạo ST tại các vùng, miền khác biệt thế nào thì được anh đúc kết bằng câu: “Nhất lúa - tôm, nhì Tây Nguyên”.

Năm nay, tuy không đạt giải cao nhất, nhưng với việc lọt vào top gạo ngon nhất thế giới cũng đã cho thấy chất lượng của gạo ST24, ST25 trong suốt thời gian qua luôn được kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự chăm chút tỉ mỉ. Điều này, không chỉ giúp nông dân, doanh nghiệp mà cả người tiêu dùng trong nước và thế giới thêm vững tin vào tiêu chí “ngon - lành” của hạt gạo ST.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/niem-tin-chat-luong-61623.html