Niềm tin có Đảng dẫn đường
Phóng sự: Quỳnh Ngọc
Thực hiện Nghị quyết 06 của Chính phủ về xóa bỏ trồng cây thuốc phiện, năm 1996, 13 hộ đồng bào dân tộc Mông từ xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu đã tự nguyện từ bỏ thói quen canh tác từ nhiều đời, xung phong di chuyển xuống vùng thấp xây dựng đời sống mới ở xã Chiềng Ngần (Thành phố Sơn La). Đặt trọn niềm tin theo Đảng, 24 năm qua cuộc sống của những hộ dân tiên phong ngày nào, giờ đây đã thực sự no ấm và hạnh phúc.
Trọn một niềm tin
Nhận lời mời qua điện thoại với anh Thào Nỏ Chớ, nguyên Bí thư Chi bộ bản Nậm Tròn, 5 giờ 30 phút sáng chúng tôi về bản Nậm Tròn để cùng với bà con lên nương! Sáng sớm, những vạt cỏ 2 bên đường còn đọng đầy sương, tiếng chim rừng líu lo chào ngày mới rộn ràng...
Gắn bó với đồi đất nơi đây đã hơn 20 năm, anh Thào Nọ Chớ nhớ từng khúc cua, từng con dốc. Dáng người bé nhỏ, nhanh nhẹn, chúng tôi phải cố gắng vừa đi vừa chạy mới bắt kịp bước chân thoăn thoắt của anh. Anh hãnh diện kể cho chúng tôi về chuyện của gia đình mình. Ông Nội anh, cụ Thào Khua Páo sớm giác ngộ cách mạng, tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Mỹ và thực dân Pháp, được trao tặng Huy Chương kháng chiến hạng Nhì. Đến đời bố anh, ông Thào Súa Sáo, theo chân ông nội tham gia kháng chiến từ nhỏ, làm liên lạc viên, được Thủ tướng Chính phủ tặng Huy Chương kháng chiến hạng Nhì và Chủ tịch nước tặng Huân Chương kháng chiến hạng Nhì. Đến khi hòa bình lập lại, bố anh trở về quê hương được bầu làm Xã đội trưởng, rồi được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Long Hẹ những năm 80 của thế kỷ trước. Khi nghỉ hưu, thực hiện chủ trương của Đảng, ông Thào Súa Sáo đã tuyên truyền, vận động các hộ dân trong xã Long Hẹ cùng đi lập nghiệp ở quê mới và tiên phong đưa vợ và 9 người con đến tái định cư ở Chiềng Ngần (Thành phố). Phát huy truyền thống của gia đình, noi gương ông và bố, hiện nay, cả 5 anh em trai trong gia đình tôi đều nỗ lực phấn đấu và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
(Ông là người đã tiên phong đưa 13 hộ dân từ vùng cao xuống lập nghiệp ở Chiềng Ngần)
Từ bao đời nay, đồng bào dân tộc Mông thường gắn bó với núi rừng vùng cao, nơi quanh năm, suốt tháng ủ trong sương giá. Do vậy, khi chuyển xuống vùng thấp, anh Chớ và các hộ dân di chuyển cùng đợt gặp nhiều khó khăn, lạ lẫm mọi thứ. Song được cấp ủy, chính quyền các cấp, quan tâm, xây dựng phương án sản xuất phù hợp, tạo bước đi mới, cách làm mới, đã góp phần giúp các hộ gia đình nhanh chóng bắt nhịp và ổn định được cuộc sống nơi ở mới.
Leo bộ khoảng 20 phút, đến lưng chừng núi, từ chỗ chúng tôi đứng, phóng tầm mắt qua thung lũng có thể nhìn thấy một góc huyện Mai Sơn. Lúc này, những tia nắng đầu tiên đã ló rạng, có thể nhận thấy rõ hơn những vườn cây ăn quả xanh mướt bao quanh mình thật ấn tượng. Anh Chớ nhanh tay vừa tỉa cành cho cây mận chuẩn bị ra hoa, vừa nói: Nhà báo tận mắt thấy thành quả của người dân bản Mông chúng tôi chưa? Hơn 4 ha đất của gia đình giờ đã được trồng kín các loại cây: Xoài Đài Loan, nhãn ghép, mận hậu, cà phê cây nào cây ấy đã lớn cao quá đầu người. Còn nhớ, khi bố tôi đưa gia đình và các hộ dân về đây định cư, đã được chính quyền sở tại chia cho 39 ha đất tự nhiên, trong đó có 12 ha đất nông nghiệp. Trước đây, khi còn ở quê cũ, đa số các gia đình chỉ biết phát nương trồng thuốc phiện. Khi đất bạc màu lại chuyển sang phát đám khác để trồng… Chuyển về quê mới, được giao đất sản xuất, các hộ chuyển sang trồng ngô, nhưng giá ngô rất bấp bênh, không ổn định, được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa, có năm mối mọt ăn hết già nửa. Đói!
Ngừng giây lát như thể chợt nghĩ ra điều gì, anh Chớ lại tiếp vào mạch kể: Năm 2016, tôi được bầu làm Bí thư chi bộ bản. Sau nhiều đêm suy nghĩ, xin ý kiến người cao tuổi và bám sát vào chủ trương của tỉnh, tôi đã họp chi bộ thống nhất ra nghị quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Điều đáng nói là khi nghị quyết của chi bộ ra đời cũng đúng vào thời điểm tỉnh đang tập trung tuyên truyền nhân dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây ăn quả chất lượng cao. Và khi đó, tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển cây trồng trên đất dốc. Nắm bắt thời cơ, bản chúng tôi đã đoàn kết làm theo chủ trương của tỉnh, được hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Tuy nhiên, ở Nậm Tròn lại rất ít nước, nên năng suất cây trồng kém về chất lượng và hiệu quả kinh tế không cao.
Niềm tin được thắp sáng
Qua câu chuyện kể với người dân nơi đây, được biết: Phát huy vai trò tiên phong của người đảng viên, quyết đưa đời sống của bà con đến với cuộc sống ấm no hơn, cuối năm 2017 anh Chớ tự bỏ tiền túi ra bắt xe vào tận Đắk Lắc, Lâm Đồng để học cách trồng cây. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn, sau khoảng thời gian đi học tập kinh nghiệm thực tế, về ứng dụng vào quê hương, anh Chớ đã hướng dẫn bà con cách trồng cà phê, trồng xoài Đài Loan, nhãn ghép trên núi thành công. Đến nay, cả bản đã có 5 ha cà phê, 6 ha nhãn ghép, 5 ha xoài đã cho thu hoạch. Giờ đây, các loại cây trồng này trở thành những cây chủ lực trong phát triển kinh tế của bà con.
Mải chuyện trò và vui lây với những thành quả về phát triển nông nghiệp của bà con bản Mông, mà không để ý nắng đã lên cao. Chúng tôi thả bộ xuống chân đồi, đi qua những vườn nhãn được trồng xen kẽ với cà phê, cây mận xanh mướt cả một vùng. Khoát tay chỉ về phía trước, anh Chơ tiếp tục bảo: Rút kinh nghiệm từ thực tế của gia đình mình, tôi đã chọn được loại giống nhãn chất lượng để bà con trong bản cùng áp dụng và nhân rộng ra nương, đồi, đó chính là loại nhãn Miền Thiết, giống này chín muộn, tỷ lệ ra hoa, đậu quả ổn định và quả to, cùi dày, thơm nên giá trị kinh tế cao. Năm 2016, gia đình tôi đã mua mắt ghép lên 60 thân cây nhãn thóc trước kia. Vụ nhãn năm 2019, cho thu hoạch 3 tấn, được gần 30 triệu đồng. Sau vụ nhãn thắng lợi đó, tôi đã tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi sang trồng và ghép giống nhãn này.
Trong chuyến thăm bản Nậm Tròn lần này, ngoài được chia vui cùng đồng bào nơi đây. Họ đã có một cuộc sống ổn định khi đặt chọn niềm tin sắt son theo Đảng chỉ đường. Điều làm chúng tôi cảm phục hơn khi những người Mông vốn dĩ quen với cuộc sống trên vùng cao Long Hẹ năm nào, những người từng trồng nhiều cây thuốc phiện thì nay đã bắt nhịp được cuộc sống ở bản thấp Nậm Tròn. Đến nay, đã trải qua 24 năm di chuyển xuống bản Nậm Tròn, ngoài ổn định được có cuộc sống tại đây thì họ đã đoàn kết tuyên truyền vận động con em mình chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Trong bản không có bất kỳ thanh thiếu niên nào vướng vào tệ nạn xã hội, ma túy, nhiều năm liền giữ vững là bản văn hóa đạt “4 không” về ma túy. Hiện nay, số con em trong bản đang theo học tại các trường đại học ngành sư phạm, công an, bác sỹ, nông nghiệp, quân đội có 9 người. Ngoài ra, nhiều em đã đi làm ở các khu công nghiệp trong cả nước và nhiều con em trong bản đã là cán bộ...
Dự bữa cơm trưa tươn tất cùng gia đình anh Chớ, chúng tôi cảm nhận được sự ấm cúng, đủ đầy của gia đình 3 thế hệ này. Căn nhà được lát đá hoa sạch, đẹp, bài trí ngăn nắp, gọn gàng. trên tường nhà có rất nhiều bằng khen, giấy khen được treo trang trọng. Chị Ly Thị Tria, vừa xới cơm, vừa nói với chúng tôi: Giờ đây bản Mông mình được Nhà nước đầu tư có điện thắp sáng, có nước phục vụ sinh hoạt đến tận nhà.. ai ai cũng vui mừng.
Anh Chớ nâng chén rượu mời chúng tôi và nói trong niềm vui: "Bản mình các hộ đều biết chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm làm hàng hóa. Cả bản có gần 2.000 con gia cầm, gần 100 con gia súc các loại. Mừng nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. 5 năm qua, nhân dân đã tự nguyện dịch chuyển hàng rào và hiến tặng hơn 2000m² đất để làm đường; đóng góp hơn 100 ngày công đổ bê tông 1,3 km đường nội bản, làm hàng chục thùng chứa rác công cộng... điển hình, anh Thào A Vừ, người đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã tình nguyện hiến 1.400 m² đất để làm đường…
Ở Nậm Tròn, chúng tôi cảm nhận được sức sống trên quê mới, hai bên con đường đổ bê tông phong quang, sạch đẹp, nhiều nếp nhà được xây dựng khang trang, to đẹp, hiện lên như một bức tranh với gam màu tươi sáng. Chúng tôi đến thăm nhà Bí thư chi bộ bản, thật bất ngờ khi người đứng đầu chi bộ còn rất trẻ, đó là anh Lò Văn Thanh, sinh năm 1982. Sau cái bắt tay thật chặt, anh Thanh mời chúng tôi ngồi uống nước. Khi được hỏi về các lĩnh vực của bản, không cần đến sổ sách, Bí thư chi bộ như đã thuộc lòng từng số liệu cung cấp đầy đủ.
Qua câu chuyện được biết, để tăng cường sức mạnh của cấp ủy, chính quyền cơ sở, thực hiện Nghị quyết 119 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc sáp nhập và đặt tên bản, tiểu khu, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Sơn La, vừa qua, bản Nậm Tròn được sát nhập với bản Nà Ngùa thành bản Nà Ngần. Sau sáp nhập, đã kiện toàn được đội ngũ người hoạt động không chuyên trách, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, góp phần ổn định trật tự xã hội. Anh Lò Văn Thanh, Bí thư Chi bộ bản Nà Ngần, nói: Sau khi sáp nhập, cả bản hiện có 91 hộ và 434 nhân khẩu chủ yếu là dân tộc Mông, Thái; chi bộ có 17 đảng viên. Do đã thông suốt, nên quá trình tiến hành sáp nhập bản khá thuận lợi, hoạt động trên các lĩnh vực đã đi vào nền nếp, nhiều hoạt động văn hóa thể thao được phát huy, góp phần củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc...
Nắng đã ngả bóng, chiều dần buông. Bản Mông năm nào nay đã thay tên mới, khoác lên mình "chiếc áo” mới với kết cấu hạ tầng khang trang, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện. Cả bản không còn hộ nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, nhận thức của người dân về cách làm kinh tế cũng chuyển biến tích cực. Hơn thế nữa là sự chung tay của cả cộng đồng, sự tin tưởng tuyệt đối vào con đường mà Đảng ta lựa chọn, chỉ đường để người dân không còn di cư tự do mà an cư lập nghiệp và vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng xã, bản ngày một giàu mạnh…
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/niem-tin-co-dang-dan-duong-34730