Niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tăng cao nhất trong vòng 2 năm

Các doanh nghiệp châu Âu ngày càng tự tin hơn vào triển vọng kinh tế của Việt Nam, trong đó có 42% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cảm thấy tích cực về tình hình kinh doanh hiện tại, 56% dự báo sự cải thiện trong triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong quý đầu tiên của năm 2025...

Các doanh nghiệp Châu Âu ngày càng tự tin hơn vào triển vọng kinh tế của Việt Nam.

Các doanh nghiệp Châu Âu ngày càng tự tin hơn vào triển vọng kinh tế của Việt Nam.

Ngày 8/1/2025, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) công bố Khảo sát Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI). Trong đó, chỉ số BCI tại Việt Nam đạt mức cao nhất trong hơn hai năm qua. Chỉ số BCI đã tăng vọt từ 46,3 trong quý 4 năm 2023 lên 61,8 trong quý 4 năm 2024. Con số này phản ánh tinh thần lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu về triển vọng kinh tế của Việt Nam.

CHỈ SỐ BCI TĂNG VỌT LÊN 61,8

Báo cáo ghi nhận, kết quả này minh chứng cho khả năng phục hồi đáng kinh ngạc của Việt Nam trước những biến động toàn cầu, đồng thời khẳng định vị thế ngày càng nổi bật của đất nước như một trung tâm thương mại và đầu tư của khu vực.

Báo cáo cho rằng trong suốt hai năm qua, Chỉ số BCI chủ yếu dao động quanh mức trung lập là 50, thậm chí có lúc còn giảm xuống dưới ngưỡng này. Tuy nhiên, báo cáo quý 4 năm 2024 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi chỉ số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2022.

Theo kết quả khảo sát, 42% người tham gia cho biết họ cảm thấy tích cực về tình hình kinh doanh hiện tại, trong khi 47% kỳ vọng điều kiện kinh doanh sẽ tiếp tục lạc quan trong quý tiếp theo. Đáng chú ý hơn, 56% dự báo sự cải thiện trong triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong quý đầu tiên của năm 2025.

“Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy các doanh nghiệp Châu Âu ngày càng tự tin hơn vào triển vọng kinh tế của Việt Nam. Sự gia tăng rõ rệt về niềm tin này phản ánh sự công nhận rộng rãi về quá trình chuyển đổi chính trị và kinh tế của đất nước trong suốt những năm qua. GDP của đất nước vẫn tiếp tục trên đà tăng trưởng càng khẳng định vị thế của Việt Nam như một mắt xích quan trọng trong thương mại và đầu tư khu vực Đông Nam Á”, ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho biết.

Sự gia tăng niềm tin kinh doanh có thể được lý giải nhờ vào nhiều yếu tố, đặc biệt là những cải cách kinh tế đang diễn ra tại Việt Nam và vai trò trung tâm của đất nước trong xu hướng toàn cầu về phát triển bền vững.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát đã nhận định “chuyển đổi kép” – quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đóng vai trò quan trọng cho những đánh giá tích cực.

Các doanh nghiệp nắm bắt những xu hướng này đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, với một số doanh nghiệp thậm chí báo cáo mức tăng trưởng doanh thu lên tới 40% so với năm trước.

Không chỉ vậy, xu hướng bền vững được thúc đẩy bởi cả chính sách của Chính phủ Việt Nam và các quy chuẩn xanh của quốc tế, đang trở thành yếu tố quan trọng trong việc hình thành chiến lược kinh doanh trên nhiều lĩnh vực.

Một yếu tố nổi bật trong báo cáo quý này là tác động của siêu bão Yagi, một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Việt Nam trong hơn ba thập kỷ qua. Yagi đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại 26 tỉnh thành phía Bắc, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân và tạo áp lực lớn lên GDP quốc gia. Trước sự tàn phá khắc nghiệt này, các doanh nghiệp đã thể hiện khả năng chống chịu và phục hồi đầy ấn tượng.

Chỉ mới 3 tháng sau cơn bão, 36% doanh nghiệp được khảo sát đã hoàn toàn phục hồi, trong khi 8% kỳ vọng sẽ phục hồi trong quý tới. Điều đặc biệt là 70% doanh nghiệp báo cáo rằng hoạt động tại Việt Nam của họ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chỉ 14% doanh nghiệp cho biết chuỗi cung ứng bị gián đoạn, và 12% lo ngại về an toàn và phúc lợi của nhân viên.

Bất chấp những thách thức này, phần lớn các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau khẳng định rằng bão Yagi không gây ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của họ. Điều này cho thấy tính hiệu quả của các chiến lược quản lý rủi ro cùng các biện pháp thích ứng mà họ đã áp dụng.

NGÔI SAO SÁNG TRONG CÁC ĐIỂM ĐẾN ĐẦU TƯ

Điểm nổi bật nhất trong khảo sát lần này là 75% lãnh đạo tham gia khảo sát cho biết họ sẽ giới thiệu Việt Nam như một điểm đến đầu tư lý tưởng. Dữ liệu này nhấn mạnh sự công nhận ngày càng gia tăng về tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam như một trung tâm đầu tư trong khu vực Đông Nam Á. Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và cơ sở hạ tầng đang mở rộng, Việt Nam đã và đang tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp Châu Âu muốn mở rộng hoạt động tại khu vực này.

“Niềm tin ngày càng tăng cao của các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn, chính là minh chứng cho cho nền tảng vững chắc của đất nước trong cả thương mại và chính sách kinh tế," Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh; đồng thời cho rằng mặc dù đối mặt với những thách thức toàn cầu, môi trường đầu tư tích cực của Việt Nam vẫn đang tạo ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Châu Âu, đặc biệt là trong các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ, sản xuất, du lịch và năng lượng tái tạo.

Ông Thue Quist Thomasen, CEO của Decision Lab cũng cho biết theo thống kê từ khảo sát, các doanh nghiệp châu Âu ngày càng đánh giá tích cực về Việt Nam như một điểm hút các dự án đầu tư nước ngoài.

Theo đó, phần lớn các doanh nghiệp đã lên kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Khoảng 1 trong 4 doanh nghiệp cho biết họ đang cân nhắc hợp tác với các nhà máy sản xuất hoặc nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam, trong khi hơn một phần năm số doanh nghiệp tham gia khảo sát mong muốn mở rộng sự hiện diện của mình tại quốc gia này.

Thêm vào đó, 30% các doanh nghiệp khác dự định tăng cường các hoạt động nhập khẩu/xuất khẩu và/hoặc chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam để tận dụng những lợi thế thương mại mà quốc gia này mang lại. Động thái này phù hợp với xu hướng chuyển dịch thương mại toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các gián đoạn gần đây đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vũ Khuê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/niem-tin-kinh-doanh-cua-doanh-nghiep-chau-au-tai-viet-nam-tang-cao-nhat-trong-vong-2-nam.htm