Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam dần hồi phục
Theo chuyên gia, người tiêu dùng Việt Nam đang dần hồi phục niềm tin sau nhiều biến động của nền kinh tế trong nhiều năm. Tuy nhiên, họ lại có xu hướng lo lắng nhiều hơn.

Người nắm "hầu bao" trong gia đình bày tỏ lo lắng khi giá cả tăng cao. Ảnh: Quỳnh Danh.
Chia sẻ tại hội thảo "Am hiểu và Thích ứng - Những giải pháp thực chiến cho doanh nghiệp" do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) tổ chức sáng 11/4, bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc kinh doanh cấp cao Kantar Worldpanel Vietnam nhận định người tiêu dùng Việt Nam đang dần hồi phục niềm tin.
Dù vậy, họ rất dễ thay đổi theo tình hình kinh tế xã hội cũng như có xu hướng lo lắng nhiều hơn.
Người nắm "hầu bao" gia đình bày tỏ lo lắng
Qua các khảo sát của Kantar Worldpanel Vietnam, người tiêu dùng đang lo lắng nhiều hơn. Trước thời điểm năm 2019, bức tranh kinh tế chung đều tích cực do đó tiêu dùng nội địa rất tốt. Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, mức độ tin tưởng, lạc quan của người tiêu dùng hạ thấp và biến thiên theo mức độ dịch.
"Đến năm 2022, một sự thay đổi khác đã diễn ra, không có dịch bệnh, nhưng nền kinh tế và sự biến động về mặt xã hội. Đặc biệt, cuối năm 2022, làn sóng sa thải ở thế giới cùng với nhiều thông tin kinh tế đã tác động đến niềm tin của người tiêu dùng", bà Nga nhận định.
Cuối năm 2023, khi kinh tế phục hồi, GDP tăng trưởng tốt nhưng giá thực phẩm tươi sống tăng và làn sóng sa thải kéo đến Việt Nam cũng khiến người tiêu dùng không thể lạc quan.
Gần cuối năm 2024, người tiêu dùng dần phục hồi niềm tin thì cơn bão Yagi kéo tới. Đến quý IV/2024, niềm tin người tiêu dùng vẫn chưa phục hồi.
Trước các biến động khôn lường của tình hình bên ngoài, bà Nga dự báo người dân vẫn chưa thể phục hồi niềm tin ở mức độ tốt bởi từ khóa "mất việc" lại xuất hiện.
Trong khi đó, ngành hàng FMCG (tiêu dùng nhanh) cũng bị ảnh hưởng khi mức độ tăng trưởng chậm lại trong 3 năm trở lại đây.
Cụ thể, chỉ số CPI năm 2024 chỉ đạt 3,6%. Đây là chỉ số CPI được duy trì trong mức trần do Chính phủ đặt ra, tuy nhiên chỉ số tiêu dùng trong các ngành thực phẩm, y tế và giáo dục ở mức cao.
Nhóm lương thực, thực phẩm thiết yếu tăng 12%; giá thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,2%; còn giá giáo dục tăng 5,4%.
Trong khi đó, phân bổ chi tiêu của người tiêu dùng vào các mặt hàng thực phẩm, FMCG, sức khỏe, giáo dục chiếm đến 35-40% chi tiêu của hộ gia đình. Trong các nhóm tăng giá cao nhất, thực phẩm chính là nhóm chiếm tỷ lệ chi tiêu lớn, khoảng 20%.
“Các bà nội trợ, thường là nhưng người nắm hầu bao của hộ gia đình thấy giá nhảy múa như vậy sẽ có tâm lý lo lắng”, bà Nga phân tích.
Cũng theo bà Nga, xu hướng tăng giá các sản phẩm thiết yếu tạo ra áp lực chi tiêu cho người tiêu dùng. Họ sẽ cân đo đong đếm, so sánh giá nhiều hơn mỗi khi đi chợ. Do đó, người tiêu dùng sẽ cần doanh nghiệp cung cấp thông tin nhiều hơn, đầy đủ hơn để biết sự lựa chọn nào là hợp lý.
Tính toán kỹ lưỡng khi đẩy kênh bán hàng online
Cũng tại hội thảo, bà Nga nhấn mạnh các doanh nghiệp phải hiểu rõ các nguồn tăng trưởng cụ thể của kênh online. Theo đó, tăng trưởng của kênh online không đồng nghĩa với tăng trưởng của một ngành hàng hay nhãn hàng cụ thể.
Nguyên nhân đến từ việc người tiêu dùng có thể chỉ đang dịch chuyển chi tiêu từ kênh này sang kênh khác bởi các tiện ích đi kèm.
Chẳng hạn, với nhóm ngành thực phẩm và đồ uống, 56% doanh thu là sự dịch chuyển từ kênh truyền thống khác và 44% đến từ các giá trị mới phát sinh nhờ online. Khi mua hàng online, khách hàng có đa dạng mặt hàng để lựa chọn, nhiều thông tin và biết thêm về các loại mặt hàng mới.
Ngoài ra, việc mua sắm online khiến người tiêu dùng có tâm lý sợ bỏ lỡ, sợ tăng giá nên có thể mua nhiều hơn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn thời gian gần đây cùng với các trào lưu livestream.
Từ năm 2019 đến 2024, ở khu vực thành thị, tỷ lệ hộ gia đình mua sắm trực tuyến cho ngành hàng FMCG đã tăng từ 29% lên 60%, trong khi đó ở trung Quốc là gần 100%.
Đồng thời, mức độ chi trả khi mua sắm online cũng tăng lên từ 1,5 triệu đồng lên 3,4 triệu đồng.
“Dù kênh kênh online và siêu thị mini đang tăng lên mạnh mẽ, các kênh truyền thống (tiệm tạp hóa) vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối”, bà Nga lưu ý.
Tăng trưởng của thương mại điện tử không chỉ ở thành thị mà còn rất nhanh chóng ở khu vực nông thôn. Cùng với tăng trưởng của kênh thương mại điện tử và mua sắm online, nhiều doanh nghiệp liên tục đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi.
Tuy nhiên, chỉ một nửa trong số đó mang lại mức tăng trưởng cả năm cho doanh nghiệp. Điều đó cho thấy khuyến mãi có thể mang lại hiệu ứng tăng trưởng ngắn hạn nhưng sẽ tác động tiêu cực vào tăng trưởng dài hạn.
Theo số liệu của Kantar, 73% ngành hàng FMCG tăng tỷ lệ khuyến mãi trong năm 2024 so với 2023. Tuy nhiên, chỉ 40% ngành hàng kéo bật sức mua ở cả dịp khuyến mãi và cả năm.
Cũng theo nghiên cứu của Kantar, tại thị trường châu Á, trong số 100% doanh thu có khuyến mãi thì chỉ có 60% mang lại hiệu quả tích cực dài hạn.
“Gần như tất cả hình thức khuyến mãi đều giúp tăng doanh thu trong ngắn hạn. Tuy nhiên về lâu dài, không phải khuyến mãi nào cũng mang lại hiệu quả tích cực cho nhà sản xuất. Do đó, cần phải đánh giá ảnh hưởng của khuyến mãi một cách cụ thể", bà Nga lưu ý.
Theo đại diện Kantar Worldpanel Vietnam, 3 động lực chính giúp ích cho tăng trưởng thương hiệu tập trung ở việc tiếp cận thêm người mua, tăng lượng mua và chiến lược giá.
Do đó, các doanh nghiệp cần thận trọng trong việc lựa chọn ưu tiên các kênh bán hàng, các chương trình khuyến mãi hay khi tung ra các sản phẩm mới.
Đề xuất giải pháp thực chiến cho doanh nghiệp, bà Nga cho rằng doanh nghiệp nên lưu ý đến giá trị và chất lượng hàng hóa. Bởi đây sẽ là thước đo quan trọng trong bối cảnh người tiêu dùng cân nhắc chi tiêu kĩ càng hơn.
"Thứ hai, không phải tăng trưởng doanh số nào cũng đồng nghĩa với tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó, các chủ doanh nghiệp cần hiểu rõ vai trò của từng kênh phân phối trong mục tiêu tăng trưởng của nhãn hàng", bà Nga nói thêm.
Nguồn Znews: https://znews.vn/niem-tin-nguoi-tieu-dung-viet-nam-dan-hoi-phuc-post1544993.html