Niềm tin sai lầm khiến người phụ nữ mắc ung thư di căn
Người phụ nữ ở Phú Thọ đi khám và phát hiện ung thư vú phải nhưng không điều trị mà về nhà đắp thuốc nam. Sau 2 năm, khối u ngày càng to, chảy dịch, gây đau đớn.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết vừa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân tên C., 58 tuổi, bị vỡ loét, chảy máu, hoại tử vú phải sau khi đắp thuốc nam điều trị ung thư vú.
Bà C. đi khám và được phát hiện ung thư vú phải từ năm 2022 nhưng không điều trị mà về nhà đắp thuốc nam. Tuy nhiên, bệnh không đỡ mà ngày càng nặng hơn. Khối u của bệnh nhân này ngày càng to, biến dạng, sùi loét, chảy máu khiến bà C. rất đau đớn.
Đến tháng 8, người phụ nữ này tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng suy kiệt, khối u vú phải kích thước lớn, vỡ loét, thâm nhiễm rộng tổ chức da vùng ngực, di căn hạch và di căn xa nhiều nơi. Theo các bác sĩ, việc chăm sóc và điều trị cho nữ bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn.
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Xuân Vĩnh, Trưởng khoa Hóa trị và Chăm sóc giảm nhẹ, cho biết ung thư vú là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời vẫn có cơ hội thành công.
"Thật đáng buồn, người bệnh này khi phát hiện ung thư vú đã không điều trị theo tư vấn của bác sĩ mà tự chữa bằng thuốc tại nhà, dẫn đến tiến triển nặng. Đến nay, bà C. không có hy vọng điều trị khỏi, chỉ giảm nhẹ triệu chứng để bệnh không tiến triển quá nhanh, kéo dài hơn sự sống, hạn chế đau đớn cho người bệnh", BS Vĩnh nói.
Theo bác sĩ Vĩnh, dù đã có nhiều cảnh báo về sự nguy hiểm của các phương pháp truyền miệng, không có cơ sở khoa học nhưng vẫn có không ít người bệnh đặt niềm tin vào tác dụng "thần kỳ" của những phương pháp này. Đáng tiếc, người bệnh đã từ chối cơ hội điều trị bằng y học hiện đại, khiến bệnh tiến triển nặng hơn.
Từ trường hợp trên, bác sĩ Trần Xuân Vĩnh khuyến cáo người dân cần chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng đến một năm một lần để phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm. Khi phát hiện bệnh, người dân nên thực hiện điều trị theo đúng phác đồ, dưới sự giám sát của các cán bộ y tế.
Riêng đối với bệnh ung thư vú, bác sĩ Vĩnh nhấn mạnh:
- Để phát hiện sớm bệnh ung thư vú, ngay cả người trẻ cũng nên khám, kiểm tra định kỳ tuyến vú. Hàng tháng, người dân có thể kiểm tra ngay tại nhà sau khi hết kinh nguyệt 3-5 ngày bằng cách tự sờ nắn. Khi thấy bất thường, đau tức vú, ngực có hạch ở nách, vú, nữ giới cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.
- Trường hợp trong gia đình có người thân bị các bệnh ung thư hoặc/và ung thư buồng trứng, người có đột biến gene di truyền BRCA1/BRCA2, có kinh sớm - mãn kinh muộn, tiền sử xạ trị vùng ngực…nên tầm soát ung thư vú định kỳ. Đặc biệt, phụ nữ ở tuổi ngoài 40 nên tầm soát ung thư vú 6 tháng/lần.
- Người bệnh đã được chẩn đoán xác định ung thư vú cần thực hiện theo phác đồ điều trị của bác sĩ.