Niềm tin và kỳ vọng vào một nhiệm kỳ mới

Một nhiệm kỳ đã khép lại, tiếp tục đánh dấu nhiều đổi mới quan trọng, sâu rộng trong hoạt động của HĐND tỉnh. Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Thường trực HĐND tỉnh đã cùng các ban, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh nỗ lực, trách nhiệm cao để đưa hoạt động của HĐND tỉnh ngày càng thiết thực, hiệu quả, phù hợp vai trò, chức năng theo luật định, đáp ứng sự mong đợi của cử tri.

Không ngừng đổi mới để xứng đáng với niềm tin của cử tri

Có thể nói, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND các cấp trong tỉnh đã có một nhiệm kỳ làm việc tích cực với việc ban hành nhiều nghị quyết về những vấn đề quan trọng của địa phương, trong đó HĐND tỉnh ban hành và thông qua 334 nghị quyết (tăng 191 nghị quyết so với nhiệm kỳ trước). Tiến hành phối hợp tổ chức thành công 22 kỳ họp HĐND tỉnh, trong đó có 10 kỳ họp thường lệ và 12 kỳ họp chuyên đề, tổ chức nhiều cuộc họp tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp HĐND, với tinh thần trách nhiệm cao nhất để luôn xứng đáng với niềm tin của nhân dân đã gửi gắm.

Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh gặp gỡ và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân xã Viên Bình (Trần Đề). Ảnh: N.D

Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh gặp gỡ và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân xã Viên Bình (Trần Đề). Ảnh: N.D

Trong nhiệm kỳ qua, các nghị quyết của HĐND vừa bảo đảm quán triệt và thể chế hóa kịp thời các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa thể hiện tính năng động, sự vận dụng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, như: nghị quyết ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; nghị quyết về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Sóc Trăng đến năm 2030; quy định việc phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Sóc Trăng; thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất, mức vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng năm 2021 và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; ban hành quy định nội dung chi, mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông sử dụng ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2021… đã cho thấy vai trò hết sức to lớn của HĐND.

Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh đã đổi mới việc ký kết quy chế phối hợp công tác với UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh theo hướng làm rõ hơn trách nhiệm trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa Thường trực HĐND tỉnh với từng cơ quan. Trên cơ sở quy chế phối hợp hoạt động, Thường trực HĐND tỉnh giữ mối liên hệ thường xuyên với UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chuẩn bị nội dung các kỳ họp; tiếp xúc cử tri; giám sát, khảo sát; tổ chức lấy ý kiến tham gia vào các dự án luật; đôn đốc việc triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh; phối hợp tiếp công dân, kịp thời cho ý kiến, thống nhất với UBND tỉnh quyết định những vấn đề quan trọng, phát sinh giữa hai kỳ họp đảm bảo cho công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp thông suốt, đúng quy định.

Đổi mới trong tổ chức kỳ họp

Trong nhiệm kỳ qua, hoạt động của HĐND tỉnh tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng qua từng kỳ họp. Đầu nhiệm kỳ, việc tổng hợp kiến nghị của cử tri do Thường trực HĐND chủ trì thực hiện và báo cáo với HĐND tại kỳ họp (trừ kỳ họp thứ nhất). Để phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và thuận tiện hơn trong công tác tổng hợp, Thường trực HĐND trao đổi và thống nhất giao Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổng hợp kiến nghị cử tri.

Đoàn khảo sát của HĐND tỉnh khảo sát tình hình thực hiện chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Thạnh Trị. Ảnh: C.B

Đoàn khảo sát của HĐND tỉnh khảo sát tình hình thực hiện chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Thạnh Trị. Ảnh: C.B

Các tổ đại biểu HĐND tỉnh họp thảo luận văn kiện trước ngày diễn ra kỳ họp từ 3 - 5 ngày. Nội dung thảo luận tổ được tổ thư ký tổng hợp và báo cáo tại kỳ họp. Tại hội nghị liên tịch, Thường trực HĐND trao đổi, thống nhất các nội dung cần trình bày tại hội trường, nội dung nào gửi đại biểu tự nghiên cứu, văn bản được trình bày tương đối đầy đủ theo thời gian do chủ tọa ấn định. Để thay đổi cách làm này, tại 2 kỳ họp gần đây, Thường trực HĐND thống nhất tất cả các nội dung phải được trình bày trước kỳ họp và tóm tắt ngắn gọn, Chủ tịch và các phó chủ tịch UBND tỉnh tự mình thông qua các nội dung cần trình (không phân công thủ trưởng các sở, ngành trình bày như trước), từ đó rút ngắn được thời gian trình bày văn bản, dành nhiều thời gian cho hoạt động thảo luận và chất vấn.

Hình thức tổ chức phiên chất vấn cũng được thay đổi, trên cơ sở kiến nghị của cử tri, của đại biểu và qua thực tế hoạt động khảo sát, giám sát, Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn những vấn đề mang tính bức xúc, tác động trực tiếp đến cử tri hoặc những kiến nghị nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm gửi đến UBND tỉnh yêu cầu giải trình tại kỳ họp. Lãnh đạo các sở, ngành được phân công giải trình phải chuẩn bị báo cáo bằng văn bản và báo cáo trước kỳ họp, đại biểu có thể đặt câu hỏi để thành viên UBND tỉnh giải trình, làm rõ thêm từng vấn đề từ đó giảm áp lực, tạo tâm lý thoải mái cho cả người chất vấn và người được chất vấn.

Hoạt động giám sát ngày càng đi vào chiều sâu

Trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh rà soát các nội dung chuyên đề để điều chỉnh, bổ sung kịp thời vào chương trình kỳ họp; tổng hợp, rà soát việc thực hiện lời hứa, ý kiến, kiến nghị của cử tri để báo cáo trước HĐND tỉnh. Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với báo, đài đưa tin các hoạt động của HĐND, tuyên truyền rộng rãi hoạt động kỳ họp, bố trí truyền hình trực tiếp phiên khai mạc, bế mạc, chất vấn và trả lời chất vấn… giúp cử tri theo dõi tình hình phát triển kinh tế - xã hội và kết quả giải quyết kiến nghị; thực hiện chuyên mục “Diễn đàn cử tri” mỗi tháng 1 kỳ.

Các chương trình giám sát của Thường trực HĐND, các ban của HĐND tỉnh với thành phần gọn hơn, kế hoạch giám sát cụ thể, rõ việc và được phát hành sớm; thời gian giám sát không kéo dài, nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề nổi cộm đang được dư luận xã hội quan tâm. Quy trình giám sát tiếp tục được cải tiến. Trong nhiệm kỳ, Thường trực và các ban HĐND tổ chức 46 đoàn giám sát chuyên đề và 60 đoàn khảo sát trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng.

Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá, nhiệm kỳ qua, HĐND tỉnh hoạt động dân chủ, đoàn kết, trí tuệ, sôi động và đổi mới, các vị đại biểu HĐND tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, thể hiện đúng vai trò là người đại biểu nhân dân. Với tinh thần đó, HĐND tỉnh kêu gọi các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh phát huy tinh thần yêu nước, yêu quê hương; tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết, chung sức, chung lòng, phát huy những kết quả đạt được, ra sức vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu, kế hoạch đề ra, đặc biệt tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Từ những kết quả đạt được cũng như kinh nghiệm hoạt động của HĐND tỉnh khóa IX trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, tin tưởng rằng với sự nỗ lực, trách nhiệm cao của Thường trực HĐND, các ban và các đại biểu HĐND tỉnh, chất lượng, hiệu quả hoạt động nhiệm kỳ mới của HĐND tỉnh khóa X sẽ được nâng lên, tiếp tục khẳng định rõ vị thế, vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

CHÍ BẢO

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/chinh-tri/niem-tin-va-ky-vong-vao-mot-nhiem-ky-moi-46443.html