Niềm tin văn hóa trong phục sức đẹp của người Thái Tây Bắc

Tôi đến thăm gia đình chị Tòng Thị Hoa, ở xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La để tìm hiểu về phong tục tập quán của dân tộc Thái ở nơi được xem là quần tụ nhiều nhất, lâu đời nhất, nhiều bà con người Thái nhất (ngành Thái đen).

Phụ nữ Thái Đen ở Thuận Châu, Sơn La đội khăn Piêu trong công việc đồng áng hàng ngày. Ảnh: TTH

Phụ nữ Thái Đen ở Thuận Châu, Sơn La đội khăn Piêu trong công việc đồng áng hàng ngày. Ảnh: TTH

Mặc dù đã được biết trước về tính cách cởi mở, rộng rãi và hiếu khách của đồng bào Thái, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi ấm trà giữa khách và chủ vẫn đang còn ấm nóng, chị Hoa đã vào trong buồng lấy ra một chiếc khăn Piêu để tặng tôi.

Thói quen tặng khăn Piêu cho người thân quý xuất phát từ chỗ bản thân người Thái rất tự hào về chiếc khăn Piêu của mình. Phụ nữ Thái ai cũng biết làm ra một chiếc khăn Piêu và họ rất tự hào vì nhiều người không phải dân tộc Thái cũng thích chiếc khăn duyên dáng này. Khăn Piêu làm từ vải cây lanh, hoặc sợi tự nhiên, nhuộm chàm nhiều lần cho lên nước đen bóng.

Sau đó, ở hai đầu khăn, người phụ nữ khéo léo can chỉ, thêu các họa tiết hình vuông và phối màu nền nã chủ yếu là các gam màu nâu đỏ nổi bật như một búp chuối rừng. Xung quanh viền khăn buộc các tua đỏ, hoặc các cuộn vải tròn như một thứ bùa trừ tà, sợi dây tơ hồng se duyên hoặc là quả ngù bông ban phúc lành.

Trước đây, để làm được một chiếc khăn Piêu, người phụ nữ mất rất nhiều công lao động, tỉ mỉ từng mũi kim, sợi chỉ, chọn màu, chọn họa tiết, nay họ giản lược hơn để thời gian làm ra một chiếc khăn nhanh hơn.

Cùng với chiếc khăn Piêu, trang phục của phụ nữ Thái truyền thống rất chỉn chu về kiểu dáng, màu sắc tươi sáng, làm nổi bật nhan sắc của họ. Người phụ nữ Thái tâm hồn mau, tươi vui thì làm ra sắc phục cũng mang cái hồn cốt ấy. Vậy nên chiếc khăn Piêu không chỉ là một món trang phục, đó còn là quà tặng, là biểu tượng của tinh thần dân tộc Thái, là hình ảnh thân thương của núi rừng Tây Bắc.

Chị Tòng Thị Hoa tâm sự, chị sinh được 2 người con gái đang tuổi thiếu nữ, vì thế, trong nhà chị trữ rất nhiều đồ thổ cẩm thủ công. Theo phong tục, người phụ nữ Thái nào cũng phải học thêu thùa, làm thổ cẩm từ khi còn nhỏ. Đến khi đi lấy chồng, họ phải có đủ các món thổ cẩm làm tay gồm: Khăn Piêu, váy áo cóm, đệm ngủ và đệm ngồi nhồi bông lau...

Bông lau được lấy từ rừng về, làm sạch và phơi khô cho xốp thơm, sau đó nhồi vào gối và đệm. Kỹ thuật nhồi đệm bông lau càng khéo léo thì món đồ càng vuông vức, bền đẹp, càng thể hiện sự tháo vát của cô dâu mới. Thiếu nữ Thái thành thạo tất cả các công đoạn từ hái lau, phơi giũ bông lau làm đệm - đó là tinh hoa đời sống đặc trưng của vùng Tây Bắc.

Cộng đồng người Thái Đen ở Tây Bắc còn nhiều điểm tựa văn hóa như tục tằng cẩu dành cho phụ nữ có chồng (người Thái Trắng không có tục này). Lễ tằng cẩu là một nghi lễ quan trọng được làm khi thiếu nữ bắt đầu bước chân về nhà chồng, xây dựng một cuộc sống mới, sinh sôi và hạnh phúc. Nghi lễ tằng cẩu còn là biểu trưng của chế độ mẫu hệ, hàm ý chúc phúc cho cô dâu mới. Những gia đình như nhà chị Tòng Thị Hoa vẫn ở nhà sàn, vấn khăn Piêu, vẫn còn bếp lửa giữa nhà và chăn đệm bông lau là vốn quý của cộng đồng.

Chị Hoa cho biết, gia đình chị có đăng ký làm dịch vụ homstay dành cho khách du lịch muốn tìm hiểu vốn văn hóa đời sống của người Thái Tây Bắc. Trong đó, được ngủ trên đệm bông lau và thưởng thức ẩm thực đặc sắc của người Thái là những khám phá thú vị.

Tuy nhiên, những hộ gia đình như chị Hoa đều rất thiếu kiến thức và kinh nghiệm làm du lịch. Đó là mong muốn mà lâu nay chưa thực hiện được, chưa biết bắt đầu từ đâu và không có cách nào khiến cho “tiếng thơm” tự đồn xa, khiến du khách tự tìm đến với mình được.

Nhìn rộng ra các tỉnh Tây Bắc, nơi cư trú đông đảo đồng bào Thái Tây Bắc, những hộ gia đình giữ được truyền thống văn hóa của mình không còn nhiều. Thế hệ trẻ thích ứng với đô thị hóa, không còn ở nhà sàn, vấn khăn Piêu và không còn mặc áo cóm nữa. Tín ngưỡng truyền thống là thứ khó mai một nhất nên vào lúc có việc cưới hỏi thì nhà gái vẫn phải chuẩn bị của hồi môn cho con mang về nhà chồng. Trong đó, phần nặng nề nhất là thêu khăn Piêu, đệm ngủ và đệm ngồi bông lau hay nhiều vật dụng đan lát bằng mây tre khác đều có thể mua được ở chợ rất nhanh chóng.

Các chợ Tây Bắc hiện nay đều có gian hàng bán thổ cẩm gia công hàng loạt. Đệm ở ngoài may bằng vải in nhuộm phẩm, bên trong nhồi bông vải cấp thấp, giá rẻ hơn và cô dâu không phải mất công sức làm nữa. Như thế đồng nghĩa với việc mất đi chất văn hóa, thì cộng đồng người dân tộc thiểu số cũng mất đi bản sắc, rất khó phát triển trong một xã hội coi trọng đời sống tự chủ và tính bản địa.

Một cửa hàng làm đệm ngồi cải tiến nhồi bông vải thấp cấp ở Sơn La. Ảnh: TTH

Một cửa hàng làm đệm ngồi cải tiến nhồi bông vải thấp cấp ở Sơn La. Ảnh: TTH

Việc trao truyền thế hệ vẫn đang diễn ra những mâu thuẫn chưa thể hóa giải được. Những người ở độ tuổi bậc trung niên trở lên đều muốn giữ nguyên bản tính dân tộc, thích thêu thùa may vá, thu vén gia đình, thích bếp núc nội trợ và tự cung tự cấp.

Tuy nhiên, thế hệ trẻ hiện nay ở miền núi bắt đầu có xu hướng vươn ra khỏi nơi cư trú. Họ vẫn phải thực hiện các nghi lễ cổ truyền, tuy nhiên mua cỗ cúng, mua khăn áo, tự cải biên trang phục lai căng nhiều phong tục khiến chất văn hóa mất dần đi, mất điểm tựa và lại than phiền rằng những điều tốt đẹp từ truyền thống và quá khứ không còn nữa.

Một điều dễ nhận thấy là sự cần có ở thế hệ trẻ không chỉ kiến thức và kỹ năng, còn là sự hiểu biết văn hóa nhất định về gốc gác của mình. Các cá nhân ưu tú còn rất trẻ người dân tộc thiểu số khởi nghiệp thành công đều biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa các giá trị truyền thống và hiện đại. Họ chọn những lĩnh vực khởi nghiệp như: làm đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống đúng chất, tinh cất tinh dầu từ cây dại, làm du lịch cộng đồng, sản xuất và bán hàng hóa nông sản, đặc sản...

Câu chuyện của chị Tòng Thị Hoa cho thấy, hiện nay, nơi còn giữ được truyền thống thì không thạo phương cách phát triển, nơi có kỹ năng phát triển làm giàu được thì đáng tiếc, truyền thống văn hóa lại đang mai một dần đi...

Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/niem-tin-van-hoa-trong-phuc-suc-dep-cua-nguoi-thai-tay-bac-post434727.html