'Niềm tin xã hội là thứ quý giá nhất báo chí cần giữ gìn'

Theo nhà báo Tạ Bích Loan, niềm tin xã hội là thứ quý giá nhất mà báo chí cần giữ gìn. Bởi vì nếu còn lòng tin của công chúng, của độc giả thì báo chí còn giá trị, còn nếu đánh mất niềm tin, lúc đó báo chí sẽ mất tất cả.

Chiều 17/11, tại Hòa Bình, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, thời gian qua, Hội Nhà báo đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng triển khai nhiều hoạt động thiết thực hiệu quả trong công tác phối hợp quản lý báo chí, quản lý hội viên…

Ông Lợi đánh giá, cùng với các thành tựu, hoạt động báo chí vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Một số cơ quan báo chí, người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chạy theo thị hiếu tầm thường, tìm cách để thu lợi, kể cả việc làm sai lệch bản chất của sự việc.

Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam cùng nhà báo Tạ Bích Loan chủ trì hội nghị. Ảnh: Sơn Hải

Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam cùng nhà báo Tạ Bích Loan chủ trì hội nghị. Ảnh: Sơn Hải

Ở một số địa phương, còn có sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ chỉ đạo, quản lý giữa cơ quan chỉ đạo và cơ quan quản lý báo chí. Công tác quản lý báo chí chưa theo kịp với thực tiễn, chưa đáp ứng được sự phát triển của báo chí, truyền thông.

"Nhiều cấp hội còn thiếu sát sao trong quản lý đội ngũ cộng tác viên, phóng viên thường trú tại các địa phương dẫn đến nhiều hành vi tiêu cực, lợi dụng nghề nghiệp để đe dọa tống tiền doanh nghiệp, người dân", ông Lợi nêu thực trạng.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó trưởng Ban Kiểm tra chuyên trách Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, đến nay đã có 90 trường hợp nhà báo, hội viên, phóng viên vi phạm. Trong đó, 75 trường hợp vi phạm pháp luật, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo ở Trung ương và các địa phương, đơn vị đã xem xét, xử lý đối với hơn 30 trường hợp vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam từ phê bình nhắc nhở đến khai trừ, thu hồi thẻ hội viên.

Nhà báo Tạ Bích Loan - Trưởng ban sản xuất các chương trình giải trí VTV3 cho rằng, số liệu của Ban Kiểm tra nêu trên thực sự là những con số đau lòng và đáng báo động, đặc biệt trong năm 2023.

"Niềm tin xã hội là thứ quý giá nhất mà báo chí cần giữ gìn, nếu còn lòng tin của công chúng, của độc giả thì báo chí còn giá trị, chứ nếu đánh mất niềm tin, lúc đó chúng ta sẽ mất tất cả", nhà báo Tạ Bích Loan nhấn mạnh.

Đại biểu chia sẻ ý kiến tại hội nghị.

Đại biểu chia sẻ ý kiến tại hội nghị.

Dựa trên thực tiễn hoạt động, ông Nguyễn Bảo Lâm - Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Nguyên đề xuất giải pháp, ngoài quy định về nhà báo và phóng viên thường trú, cần bổ sung quy định chặt chẽ về văn phòng đại diện, về nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên ở các địa phương để tránh những kẽ hở trong phối hợp với địa phương trong thu nhận, cung cấp thông tin.

Kết luận hội nghị, theo ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, việc phân tích những vấn đề còn tồn tại trong chính sách pháp luật về báo chí để kịp thời đưa ra những giải pháp sửa đổi, khắc phục tồn tại là một đòi hỏi cấp thiết trong đời sống báo chí và đội ngũ những người làm báo.

Điều đó góp phần xây dựng một nền báo chí lành mạnh, tích cực, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với nền báo chí cách mạng và đội ngũ những người làm báo, là nền tảng vững chắc để xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam luôn giữ “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”.

Quang Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/niem-tin-xa-hoi-la-thu-quy-gia-nhat-bao-chi-can-giu-gin-2216171.html