Niềm tin xuân mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Công tác dân tộc luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Các chương trình, chính sách do Trung ương ban hành, UBND tỉnh chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh triển khai, ban hành văn bản hướng dẫn, phối hợp tốt với các ngành, địa phương giải quyết nhiệm vụ chuyên môn liên quan đến công tác của ngành.
Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh ban hành chương trình công tác năm 2024, quy chế làm việc và quyết định phân công nhiệm vụ cho lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh. Hằng tháng, tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ lãnh đạo chủ chốt và các cuộc họp đột xuất để kịp thời xem xét, chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình nhiệm vụ được giao. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025 và thực hiện kế hoạch năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Quyết định 414/QĐ-TTg ngày 12/4/2019 tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS, Ban Dân tộc tăng cường tuyên truyền hướng dẫn, khai thác, sử dụng phần mềm hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc và phần mềm diễn đàn đối thoại trực tuyến về công tác dân tộc tỉnh Cao Bằng.
Thực hiện Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, tổng vốn ngân sách Trung ương giao trong năm 2024 là 2.240.116 triệu đồng. Đến ngày 31/12/2024, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương giải ngân 1.349.142 triệu đồng, đạt 60,2% kế hoạch.
Thực hiện Dự án 5 do Ban Dân tộc chủ trì thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Đối với Tiểu dự án 2, nội dung số 1 bồi dưỡng kiến thức dân tộc, Ban Dân tộc tổ chức 10 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức dân tộc với 624 đại biểu tham dự. Tiểu dự án 4 đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình ở các cấp, tổ chức 217 lớp với 12.622 lượt người tham dự. Tổ chức 4 đoàn tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm.
Tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện đầy đủ chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn tỉnh, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có uy tín trong đồng bào DTTS; qua đó phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ của người có uy tín. Trong năm tổ chức 12 lớp tập huấn cho 611 người có uy tín; thực hiện cấp báo cho người có uy tín được 292.400 tờ báo các loại, số kinh phí 1.051,178 triệu đồng.
Các huyện, Thành phố tổ chức thăm ốm 74 trường hợp, kinh phí 67 triệu đồng; thăm viếng 14 trường hợp, kinh phí thực hiện 7 triệu đồng; hỗ trợ thiên tai 12 trường hợp, kinh phí thực hiện 24 triệu đồng; tổ chức 5 hội nghị cung cấp thông tin cho 519 người có uy tín tham gia; tổ chức 7 đoàn cho 316 đại biểu đi học tập kinh nghiệm trong tỉnh; tặng quà Tết Nguyên đán (nguồn vốn năm 2023) cho 473 người có uy tín với số tiền 236,5 triệu đồng; khen thưởng 60 người có uy tín.
Thực hiện Quyết định 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS, Ban Dân tộc chỉ đạo UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán của từng địa phương nhằm làm chuyển biến về nhận thức và hành vi của đồng bào DTTS; tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình trong các trường học.
Thực hiện Quyết định 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, Ban Dân tộc thường xuyên chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác truyên truyền, vận động, phát hiện kịp thời các đối tượng có nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Chỉ đạo các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác xây dựng các mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tổ chức 26 hội thi rung chuông vàng tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS và miền núi tại các trường phổ thông dân tộc bán trú, THPT, THCS, tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh với 6.296 học sinh tham gia; tổ chức 2 phiên tòa giả định tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại huyện Nguyên Bình.
Đặc biệt, năm 2024, 10 huyện, thành phố tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số, có 1.405 đại biểu chính thức, 367 đại biểu khách mời; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tặng giấy khen cho 119 tập thể, 213 cá nhân; Trưởng Ban Dân tộc tặng giấy khen cho 10 tập thể, 44 cá nhân. Đại hội dân tộc thiểu số cấp tỉnh có 244 đại biểu chính thức, 83 đại biểu khách mời; Chủ tịch UBND tỉnh khen bằng khen 8 tập thể, 24 cá nhân; Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen 1 tập thể, 5 cá nhân; đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen 2 tập thể, 2 cá nhân. Đại hội là dịp để tôn vinh, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là diễn đàn giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các dân tộc, đồng thời là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng để nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và sự đồng thuận của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Đồng chí Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh khẳng định: Năm 2024, công tác dân tộc và các chính sách dân tộc được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, được quần chúng nhân dân triển khai thực hiện tương đối đồng bộ, kịp thời. Các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho đồng bào DTTS và vùng đồng bào dân tộc được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng, có trọng tâm, không bị thất thoát..., góp phần quan trọng giúp đồng bào vượt qua khó khăn, từng bước cải thiện đời sống để thoát khỏi đói nghèo.
Năm 2025, tỉnh tiếp tục triển khai, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc. Thường xuyên bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo điều hành đảm bảo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của chương trình, chính sách dân tộc. Chỉ đạo các ngành, các cấp nắm tình hình trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp điều hành, chỉ đạo sát thực tiễn, hiệu quả cao nhất. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, đánh giá, giám sát việc thực hiện các dự án, các chương trình, chính sách dân tộc để kịp thời phát hiện và khắc phục những sai sót trong quá trình thực hiện. Đồng thời, củng cố, kiện toàn bộ máy công tác dân tộc các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS nỗ lực vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào Nhà nước, vào cộng đồng; xây dựng và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tiên tiến, văn minh, nhân văn.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/niem-tin-xuan-moi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-3174993.html