Niềm tự hào của giáo dục Lào Cai
Khi năm học 2018 - 2019 chuẩn bị kết thúc cũng là lúc ngành giáo dục và đào tạo Lào Cai nhận được tin vui từ nước Mỹ bay về. Thật phấn khởi và tự hào vì dự án 'Robot hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân Parkinson sử dụng công nghệ xử lý ảnh' của học sinh Vũ Hoàng Long, lớp 12A2 Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai là dự án duy nhất của đoàn Việt Nam đoạt giải Ba Cuộc thi Nghiên cứu khoa học - kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học (Intel ISEF) 2019.
Trò chuyện với Vũ Hoàng Long, chúng tôi hiểu thêm, đằng sau giải thưởng vinh quang ấy là những nỗ lực của em và các thầy cô giáo.
Ý tưởng giàu tính nhân văn
Phải mấy lần hẹn, tôi mới gặp được Vũ Hoàng Long, vì sau khi được nhận giải thưởng danh giá quốc tế về nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, Long khá bận rộn, liên tục được các cơ quan, tổ chức mời đến vinh danh và chúc mừng. Trên khắp các trang báo và các trang mạng xã hội đầy ắp thông tin và hình ảnh cậu học trò đến từ miền núi, biên giới xa xôi nhận giải thưởng quốc tế tại nước Mỹ, làm nên một kỳ tích cho ngành giáo dục và đào tạo Lào Cai. Gặp Long, ấn tượng đầu tiên với tôi là cậu học trò nhỏ bé có nụ cười rạng rỡ và đôi mắt sáng, ánh lên sự thông minh.
Khi được hỏi điều gì khiến em hình thành nên ý tưởng về “Robot hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân Parkinson sử dụng công nghệ xử lý ảnh”, Long nhớ lại: “Mùa hè năm trước, em cùng bố mẹ vào thăm một chú hàng xóm bị bệnh Parkinson đang được điều trị tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đến đó, em rất xúc động khi chứng kiến hình ảnh các bệnh nhân Parkinson chủ yếu là người cao tuổi, tay chân run rẩy, vận động rất khó khăn. Đặc biệt, em để ý có bệnh nhân ngồi ăn, nhưng hai tay run rẩy xúc cơm lên ăn khiến cơm canh rơi vãi ra quần áo. Ngay khi đó, em đã ước có một robot bón thức ăn cho người bệnh qua giọng nói hoặc hình ảnh và kết hợp xe lăn thông minh tự đưa người bệnh lên giường để giúp họ đỡ vất vả trong sinh hoạt.
Khi Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai triển khai Cuộc thi Nghiên cứu khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học, Vũ Hoàng Long đã mạnh dạn trình bày ý tưởng này với thầy giáo Vương Quang Trọng là giáo viên dạy môn Hóa học của trường. Phải mất 4 tháng tự mày mò, nghiên cứu, được sự hỗ trợ, tư vấn của thầy Trọng và các thầy cô giáo, sản phẩm mới ra đời. Khi tham dự Cuộc thi Nghiên cứu khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh, “Robot hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân Parkinson sử dụng công nghệ xử lý ảnh” là mô hình xe lăn có khả năng nâng đỡ bệnh nhân lên giường bệnh và bón thức ăn cho bệnh nhân, có trọng lượng khoảng 20 kg. Sản phẩm đã được Ban Giám khảo đánh giá cao về tính sáng tạo, tính nhân văn và là một trong những sản phẩm được trao giải Nhất của cuộc thi.
Sản phẩm của đam mê sáng tạo
Sau khi giảnh giải Nhất cấp tỉnh, sản phẩm được chọn tham dự vòng thi quốc gia, đồng thời đoạt giải Nhất và là 1 trong 10 dự án vượt qua vòng thi chọn đi thi quốc tế tại Hoa Kỳ vào cuối tháng 5/2019. Niềm vui vỡ òa khi Ban Tổ chức cuộc thi công bố đây là dự án duy nhất của đoàn Việt Nam đoạt giải Ba của Cuộc thi Intel ISEF 2019. Khi tôi ngỏ ý muốn được xem robot mà Long sáng tạo ra, em vui vẻ đồng ý.
Thật bất ngờ vì “Robot hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân Parkinson sử dụng công nghệ xử lý ảnh” trông khá nhỏ gọn và đơn giản, nhìn xa giống như một chiếc cân bàn, chỉ nặng khoảng 3 kg, có thể đặt trên mặt bàn. Thấy tôi băn khoăn về sản phẩm, Vũ Hoàng Long giải thích: Sau khi dự án đoạt giải Nhất cấp tỉnh, thấy robot còn nhiều hạn chế, nên em đã nhờ sự tư vấn của thầy giáo Vương Quang Trọng và rút gọn robot lại, không dùng xe lăn nữa, mà tập trung vào chức năng bón thức ăn cho bệnh nhân Parkinson thông qua sử dụng công nghệ xử lý ảnh. Qua vòng thi quốc gia và chuẩn bị cho vòng thi quốc tế, robot tiếp tục được cải tiến để tối ưu hóa về chương trình điều khiển, được thử nghiệm nhiều lần tại bệnh viện, dần dần các chức năng hoạt động nhịp nhàng hơn.
Chỉ là học sinh trung học, để sáng tạo ra robot điều khiển bằng nút bấm bình thường đã khó, tại sao Vũ Hoàng Long có thể sáng tạo được một robot áp dụng công nghệ xử lý ảnh, một công nghệ rất khó và hiện đại? Vũ Hoàng Long “bật mí”: Từ nhỏ, em đã rất yêu thích những sản phẩm đồ chơi mô hình robot. Nhà em làm nghề sửa chữa ô tô, nên khi nhìn bố làm việc, em càng say mê hơn với những cỗ máy và ước mơ sau này mình có thể trở thành kỹ sư sáng chế các cỗ máy hiện đại. Em cũng rất mê công nghệ thông tin, nên từ năm lớp 10 đã mày mò lên mạng học lập trình mạch điều khiển Arduino để làm robot. Khi lên lớp 11, em sáng tạo sản phẩm “Xe thu gom rác thông minh” và đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh; sáng tạo “Cánh tay robot hỗ trợ hái quả tầm thấp” đoạt giải Ba Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh. Những sáng tạo đó giúp em hoàn thiện dần các kiến thức, kỹ năng, tiếp thêm động lực để em sáng tạo “Robot hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân Parkinson sử dụng công nghệ xử lý ảnh”.
Hành trình chinh phục giải thưởng quốc gia, quốc tế
Trong hành trình chinh phục giải thưởng quốc gia và quốc tế, cậu học trò Vũ Hoàng Long gặp không ít khó khăn. Chính sự nỗ lực không ngừng để vượt lên chính mình, cùng với sự động viên, hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo đã giúp Long bước lên bục vinh quang. Vũ Hoàng Long chia sẻ thêm: Ban đầu em cũng băn khoăn không biết nên chọn phương pháp điều khiển nào tối ưu nhất cho robot, như điều khiển bằng nút bấm, giọng nói, sóng não, xử lý ảnh. Tham khảo nhiều sản phẩm hiện có, em mạnh dạn chọn áp dụng công nghệ xử lý ảnh cho robot. Năm học lớp 11, khi em trình bày ý tưởng với nhà trường đã được cô giáo Phạm Thị Tuyết Thanh, Hiệu trưởng động viên cố gắng thực hiện. Cô giáo Thanh đã cho em tham gia một khóa học về lập trình xử lý ảnh dưới Hà Nội trong 2 tháng hè để trang bị những kiến thức cần thiết.
Trong quá trình Vũ Hoàng Long sáng tạo robot tham gia cuộc thi quốc gia và quốc tế, Ban Giám hiệu Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai đã kết nối và tạo điều kiện để em có thời gian xuống Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Công nghiệp Hà Nội nghiên cứu và nhờ sự tư vấn của các chuyên gia, các nhà khoa học. Những ngày tháng xa gia đình, thầy cô, bạn bè, một mình miệt mài nghiên cứu, làm việc tại phòng thí nghiệm của các trường đại học tuy vất vả nhưng càng tiếp cho Long thêm động lực để sớm hoàn thiện sản phẩm.
Trò chuyện với tôi, cô giáo Phạm Thị Tuyết Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai tâm sự: Trước vòng thi quốc gia và quốc tế, nhà trường khá yên tâm về sản phẩm sáng tạo, nhưng lo lắng vì khả năng thuyết trình bằng tiếng Anh là điểm yếu của em Vũ Hoàng Long. Ban tư vấn của nhà trường đã đồng hành với Long, tư vấn, hướng dẫn em tháo gỡ khó khăn trong việc viết báo cáo, trình bày Poster, nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh. Thật bất ngờ là chỉ trong một tháng với bộn bề công việc, được học tiếng Anh giao tiếp với người nước ngoài tại một trung tâm ngoại ngữ ở thành phố và tự học trên mạng internet, khả năng thuyết trình bằng tiếng Anh của Long được cải thiện rõ rệt. Long đã vượt qua được hạn chế của chính mình, tự tin hơn khi trả lời câu hỏi của 8 thành viên Ban Giám khảo trong cuộc thi quốc tế.
Cầm trên tay giải thưởng vinh quang của Cuộc thi Nghiên cứu khoa học - kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học năm 2019, Vũ Hoàng Long không thể quên những khoảnh khắc vỡ òa niềm vui. Long kể: Khi Ban Tổ chức cuộc thi đọc tên em lên nhận giải Ba, em vô cùng vui sướng, tự hào mang trên vai lá cờ đỏ sao vàng bước lên sân khấu nhận giải thưởng. Khi bạn bè quốc tế hỏi em đến từ đâu, em tự hào nói rằng “I’m Vu Hoang Long. I’m from Lào Cai, Việt Nam”. Bây giờ thì các bạn bè của Vũ Hoàng Long đều yêu mến gọi em với biệt danh “Long robot”. Vũ Hoàng Long ước mơ sau này được trở thành một nhà khoa học để sáng tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích phục vụ xã hội, làm giàu cho đất nước.