Niềm tự hào Hà Nội-động lực góp phần làm nên chiến thắng
Trong cuộc đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, biết bao chàng trai, cô gái Hà Nội đã lên đường chiến đấu và hy sinh. Ngay cả những người ở hậu phương cũng nỗ lực gấp đôi, gấp ba để sống và chiến đấu cho ngày thống nhất. Không chỉ đóng góp trực tiếp nhân lực, vật lực, niềm tin vào Thủ đô-nơi có Bác Hồ, có Trung ương cũng góp phần quan trọng vào chiến thắng cuối cùng.

Các nhân chứng lịch sử hồi tưởng lại về ngày chiến thắng trong cuộc gặp gỡ xúc động tại Bảo tàng Hà Nội.
Hiệp định Geneva được ký kết năm 1954, nhưng miền bắc chỉ được hòa bình trong thời gian ngắn rồi lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ. Hà Nội vừa tiếp sức người, sức của cho miền nam, vừa trực tiếp chiến đấu bảo vệ Thủ đô.
Khi nam giới ra trận, phụ nữ sẵn sàng gánh vác công việc của đàn ông, vừa cầm súng, vừa đảm nhiệm công việc gia đình. Một trong số đó là Trung đội trưởng nữ dân quân Trung đội dân quân đập Đáy (còn gọi là đập Phùng, huyện Đan Phượng) Đặng Thị Ty. Mới 18 tuổi, cô gái trẻ Đặng Thị Ty cùng 11 chị em phụ nữ trực chiến tại đập Đáy. Chỉ riêng trận chiến ngày 28/4/1967, bốn nữ dân quân đã hy sinh. Nhưng cô gái Đặng Thị Ty cũng như đồng đội không sờn lòng.
Ở tuổi xấp xỉ 80, bà Ty nhớ lại: “Đập Phùng điều tiết nước cho Hà Nội nên là một mục tiêu quan trọng khi Mỹ ném bom phá hoại miền bắc. Nếu đập bị phá, nước lũ dâng lên sẽ rất nguy hiểm cho Hà Nội. Từ hồi 15-16 tuổi ra Hà Nội xem duyệt binh mừng Quốc khánh, tôi đã mơ ước trở thành nữ dân quân. Đến khi thành chiến sĩ dân quân tôi thấy trách nhiệm của mình thật lớn lao. Trong lòng lúc nào cũng hướng về Hà Nội, bởi đó là nơi có Bác Hồ, có Trung ương Đảng”. Tiễn chồng vào nam đánh giặc, ở lại quê hương, bà Ty tiếp tục cầm súng. Tình yêu với Hà Nội lớn đến nỗi, người con thứ ba của bà được đặt là Bùi Hà Nội.
Nhiều người trong số những chàng trai lên đường từ Hà Nội vốn là sinh viên. Họ gác lại bút nghiên để ra trận. Ký ức về thời khắc rời Thủ đô tiến vào nam trên những đoàn tàu quân sự vẫn còn đọng lại trong bà Nguyễn Thị Sang, nguyên Trưởng tàu, phụ trách Tổ tàu “Ba đảm đang” ngành đường sắt Việt Nam: “Tôi đã tham gia biết bao chuyến tàu chở bộ đội vào nam. Nhưng đặc biệt nhất là những đoàn tàu quân đội chở sinh viên các trường đại học ở Hà Nội.
Lên tàu đi chiến đấu mà đồng loạt các toa tàu đều hát vang những bài ca cách mạng. Người đi luôn mong ước có ngày trở về Hà Nội. Bởi với chúng tôi, Hà Nội thiêng liêng lắm, người Hà Nội vừa thanh lịch, văn minh, hào hùng, sẵn sàng hy sinh bảo vệ Tổ quốc”.
Vì miền nam ruột thịt, vì độc lập, thống nhất của đất nước, có rất nhiều thanh niên Hà Nội đã lấy máu viết đơn tình nguyện đi chiến đấu. Cựu chiến binh Nguyễn Tài Triệu, người sinh ra, lớn lên ở phố Kim Mã (quận Ba Đình) là một trong số đó.
Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, quân Mỹ leo thang bắn phá miền bắc. Thanh niên Hà Nội ai cũng hăng hái sẵn sàng lên đường. Đêm đêm, từng tốp rầm rập chạy trên đường vừa luyện tập, vừa biểu thị tinh thần quyết tâm. Ông Nguyễn Tài Triệu bị địch bắt sau một trận chiến ác liệt, bị thương và nằm ở Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên).
Đó là những ngày tháng đặc biệt trong cuộc đời ông. Lúc đó, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tuyên truyền xuyên tạc về miền bắc rất nhiều. Tại đây, khi nghe nói có bộ đội ta bị bắt, nhiều người tò mò đến xem. Ông nhận ra trong những ánh mắt tò mò, có những ánh mắt trìu mến của những người có người thân ra bắc tập kết.
Và thế là mỗi khi có cơ hội, ông nói về miền bắc, nói về Hà Nội với đồng bào miền nam: “Hà Nội với chúng tôi rất mộc mạc và giản dị. Tình yêu Hà Nội của chúng tôi bao la, rộng lớn nhưng lại rất đời thường. Hà Nội có tuyến tàu điện bờ Hồ- Cầu Giấy đêm ngày leng keng, có tiếng ve râm ran trưa hè, có bát ngát sương mù hồ Tây... Chúng tôi lên đường chiến đấu mang theo những ký ức ấy và tôi kể về Hà Nội mộc mạc, bình dị như thế với những người tôi gặp. Chiến sĩ, đồng bào miền nam ai cũng muốn đất nước thống nhất để ra thăm Hà Nội”.
Hà Nội là Thủ đô, Hà Nội có Bác Hồ, Hà Nội có Trung ương. Đó là điều mà những chiến sĩ, dù không phải ai cũng sinh ra, lớn lên ở Hà Nội nhưng đều mang trong mình niềm tự hào, niềm tin yêu ấy trong hành trang đánh giặc. Điều đó tiếp thêm động lực để họ vượt Trường Sơn chiến đấu, hay vượt qua những khoảnh khắc đầy gian khó khi bảo vệ Hà Nội khỏi bom đạn B-52 trong chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không năm 1972. Chiến thắng đó buộc phía Mỹ ký Hiệp định Paris, rút quân về nước, là tiền đề cho thắng lợi cuối cùng vào ngày 30/4/1975.
Tháng 4 năm ấy, ở Hà Nội có phong trào mua bản đồ. Cứ nghe tin giải phóng đến đâu, người Hà Nội đánh dấu đến đó. Tin về chiến thắng cuối cùng vào trưa ngày 30/4/1975 nhanh chóng truyền về Hà Nội trong vỡ òa vui sướng. Người dân Thủ đô đã tràn ra bờ hồ Hoàn Kiếm, mang tất cả những gì có thể, như: nhạc cụ, lá cờ, biểu ngữ, hình ảnh lãnh tụ... hòa vào không khí ngày hội của non sông.
50 năm đã qua đi, những ký ức tươi đẹp về cuộc kháng chiến vẫn còn mãi. Hà Nội không chỉ góp sức người, sức của, Hà Nội còn là nơi gửi gắm niềm tin yêu hy vọng để mỗi người biến thành động lực làm nên chiến thắng.