Niềm vui an cư giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống
Sau hơn 7 tháng phát động phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát, đến nay, tỉnh Kiên Giang đã nhận được sự đóng góp ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng để triển khai xây dựng gần 800 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.
Phong trào đã và đang được triển khai sâu rộng, tạo sức lan tỏa mang lại niềm vui an cư và động lực để các gia đình được thụ hưởng nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn từng bước vươn lên trong cuộc sống.
Thêm động lực để vươn lên
Trong căn nhà “Đại đoàn kết” còn thơm mùi sơn vừa được Ban tổ chức Tết quân dân tỉnh Kiên Giang năm 2025 trao tặng vào giữa tháng 1/2025, chị Thị Ngọc Mai (31 tuổi, ngụ xã Phú Lợi, huyện Giang Thành) chia sẻ, gia đình chị rất phấn khởi khi được Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng để xây được căn nhà cấp 4 kiên cố. Gia đình chị thuộc hộ Khmer nghèo nhiều năm qua. Sau khi được tặng nhà, hỗ trợ vay vốn chăn nuôi bò, tạo được nguồn thu nhập ổn định, gia đình chị đã đăng ký thoát nghèo vào cuối năm 2024. Trước khi có căn nhà mới, vợ chồng và 2 con nhỏ sống trong căn nhà xuống cấp, nguy hiểm luôn thường trực.
“Do cha mẹ hai bên đều nghèo nên vợ chồng tôi ra ở riêng không có đất ruộng sản xuất, không có vốn làm ăn, sống bằng nghề làm thuê. Vì vậy, dù đã tiết kiệm chi tiêu nhưng hơn chục năm qua vẫn không thể tích lũy đủ tiền xây căn nhà mới. Được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu và cùng tiền tích góp và hỗ trợ của người thân, tôi cất được căn nhà hơn 70 triệu đồng vững chãi để yên tâm lao động”, chị Mai chia sẻ.
Là một trong 3 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở thuộc xã Đông Thái (huyện An Biên) vừa được bàn giao nhà đại đoàn kết vào ngày 6/2/2025, ông Châu Văn Tý cho biết, gia đình ông được Ban Chỉ đạo Xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Kiên Giang hỗ trợ kinh phí 60 triệu đồng xây dựng căn nhà với tổng chi phí gần 90 triệu đồng. Gia đình thuộc hộ nghèo và hai vợ chồng sống bằng nghề làm thuê tự do ở địa phương...
“Căn nhà là niềm mơ ước nhiều năm qua đối với vợ chồng tôi. Bởi căn nhà trước đây đã ở hơn 20 năm bị xiêu vẹo, mưa tạt vào nhà ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt. Vợ chồng tôi rất phấn khởi vì sắp tới các con đi làm công nhân ở xa về chơi dịp lễ, Tết có chỗ nghỉ ấm áp, an toàn hơn”, ông Tý tâm sự.
Chung niềm vui được Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng xây dựng nhà đồng đội và được bàn giao vào cuối năm 2024, ông Trần Văn Hưởng (46 tuổi, ở xã Phú Lợi, huyện biên giới Giang Thành) cho hay, sau năm 2004, ông xuất ngũ về địa phương lập gia đình và sống trong căn nhà cây lợp tôn. Hơn 20 năm, căn nhà đã hư hỏng nặng. Vợ chồng ông luôn cố gắng làm việc nhưng tiền không đủ để xây nhà mới.
“Có được căn nhà vững chắc, vợ chồng tôi vui mừng và yên tâm lao động, lo cho các con được học hành đàng hoàng. Tôi thường xuyên tuyên truyền vận động người thân, hàng xóm chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để cùng bảo vệ và xây dựng, phát triển quê hương, đất nước”, ông Hưởng cho biết.
Đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng
Theo ông Ngô Phương Vũ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang, sau Lễ phát động phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát vào giữa năm 2024, đơn vị đã nhận được sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh là 43 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí vận động được, Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh đã phân bổ cho các huyện, thành phố (trừ huyện Kiên Hải và thành phố Phú Quốc) còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở để triển khai xây dựng 780 căn nhà trong năm 2024.
Ông Ngô Phương Vũ cho hay, Kiên Giang phấn đấu cuối năm 2025 hoàn thành mục tiêu xóa 2.314 căn nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ sửa chữa 485 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo không có khả năng xây cất, sửa chữa trên địa bàn. Mức hỗ trợ xây mới 60 triệu đồng/nhà, sửa chữa 30 triệu đồng/nhà. Tổng kinh phí thực hiện chương trình hơn 153 tỷ đồng từ nguồn vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ.
Để phong trào triển khai hiệu quả, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần tương thân, tương trợ, đồng tâm, hiệp lực thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát với tinh thần “Kiên Giang chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau".
Đồng thời, Ban Chỉ đạo Xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Kiên Giang yêu cầu, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực; đảm bảo các hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở chất lượng, sử dụng lâu dài. Đồng thời, giới thiệu rộng rãi các mẫu nhà ở cho nhân dân địa phương nghiên cứu, tham khảo, lựa chọn xây dựng phù hợp.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo các cấp phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành chức năng tham mưu cấp ủy có những chủ trương chỉ đạo sát hợp để tăng cường vận động ủng hộ Quỹ và vận động nguồn lực thực hiện chương trình an sinh xã hội, tập trung xây dựng nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc công khai các nguồn lực hỗ trợ cho hộ nghèo đúng đối tượng; đảm bảo hiệu quả tiết kiệm, tránh lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng quỹ; tham mưu, đề xuất biểu dương, khen thưởng kịp thời các gương điển hình của các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong thực hiện phong trào.
“Để đảm bảo chất lượng các căn nhà được xây dựng, ngoài kinh phí hỗ trợ, Ban Chỉ đạo Xóa nhà tạm, nhà dột nát Kiên Giang tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích các hộ dân sử dụng nguồn lực tự có của gia đình, huy động đóng góp, giúp đỡ của người thân và cộng đồng để xây dựng nhà ở bền chắc lâu dài” - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang Ngô Phương Vũ nhấn mạnh.