Niềm vui bên bờ kè Kênh Nước Mặn

Nhờ đường đẹp, vỉa hè rộng nên người dân có thể tập thể dục, ngồi uống cà phê, ăn vặt thay vì phải nơm nớp lo sợ như xưa

Nhờ đường đẹp, vỉa hè rộng nên người dân có thể tập thể dục, ngồi uống cà phê, ăn vặt thay vì phải nơm nớp lo sợ như xưa

Kênh Nước Mặn thuộc địa bàn 3 xã: Phước Đông, Long Hựu Đông, Long Hựu Tây (huyện Cần Đước, tỉnh Long An). Kênh dài hơn 2km, được đào từ thời Pháp nhằm rút ngắn khoảng cách từ TP.HCM về miền Tây.

Trước đây, do nhiều tàu, sà lan có tải trọng lớn lưu thông, gây sạt lở, lòng sôngngày càng mở rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Sau nhiều lần khảo sát, đánh giá, năm 2020, công trình bờ kè Kênh Nước Mặn được thi công (phía bờ Đông) từ nguồn vốn Trung ương.

Tuy mới hoàn thành giai đoạn 1, giai đoạn 2 đang thi công nhưng công trình cơ bản thay đổi diện mạo của khu vực. Người dân phấn khởi, an tâm sinh sống, sản xuất.

Vừa bưng chén cơm đã có khách ghé, anh Phạm Duy Thanh (ấp Chợ, xã Long Hựu Đông) vội buông đũa, tất bật pha cà phê. Anh Thanh kể, trong một lần sạt lở, căn nhà 3 gian của cha anh chỉ còn một nửa. Từ khi có bờ kè, anh cất căn nhà 2 tầng khang trang kế bên. Anh Thanh sửa nửa căn nhà còn lại để mở tiệm cà phê, bán tạp hóa cho người dân trong vùng. Người dân khu vực này trước đây làm các nghề gắn với sông như chài lưới, thương hồ. Từ khi bờ kè hoàn thành, họ có nhiều sự lựa chọn trong nghề nghiệp.

Anh Thanh nói: “Trước đây khu vực này thường sạt lở, tối ngủ mà trong lòng thấp thỏm. Nhà cửa lúc đó cũng tạm bợ, dã chiến. Từ khi có bờ kè, người dân sửa chữa, xây nhà mới. Tôi mở tiệm ở đây, ngoài bán cho dân trong xóm còn có nhiều ghe xuồng ghé lại. Nhờ đó, cuộc sống cũng được cải thiện hơn”.

Công trình kè kênh Nước Mặn tiếp tục thi công giai đoạn 2

Công trình kè kênh Nước Mặn tiếp tục thi công giai đoạn 2

Cách nhà anh Thanh không xa là tiệm bán đồ ăn vặt của chị Võ Thị Thùy Trang. Theo lời chị Trang, tối đến, khu vực này giăng đèn sáng trưng, gió từ sông thổi vào mát rượi. Nhờ vỉa hè khá rộng nên thu hút nhiều người đến tản bộ, hóng mát, ăn vặt. Trước đây, đường đến nhà chị sạt lở, có đoạn không chạy xe máy được, đi bộ cũng khó khăn.

Hiện tại, con đường được trải bêtông kiên cố, xe tải, xe ôtô có thể ra vào dễ dàng. Chị Trang bộc bạch: “Từ khi có bờ kè, nhìn khu vực này sáng hẳn lên, ai cũng mừng. Người dân đi lại được an toàn hơn, có thể mở cửa hàng buôn bán.

Trước đây, mỗi năm, người dân phải tốn tiền mua đá và cừ tràm gia cố khu vực nhà mình nhưng cũng không ăn thua vì khúc sông này bị lở sâu. Bởi vậy, khi Nhà nước có kế hoạch làm bờ kè, người dân tự nguyện hiến đất để công trình sớm hoàn thành. Nếu Nhà nước không làm thì người dân không thể nào làm nổi. Vì vậy tôi rất biết ơn!”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Long Hựu Đông - Đặng Thanh Hòa, khi chưa có bờ kè, đời sống người dân rất khó khăn, nhất là vào mùa nước lên. Nhiều hộ dân không ở được nên di dời đi nơi khác. Khi dự án kè Kênh Nước Mặn được triển khai, người dân rất phấn khởi, đồng thuận, tự nguyện hiến đất xây dựng. Tuy công trình mới hoàn thành giai đoạn 1 nhưng đang góp phần thay đổi diện mạo của xã.

Hiện tại, đời sống người dân cải thiện hơn trước rất nhiều, đường sá thông thoáng, đi lại dễ dàng, tạo điều kiện thuận lợi cho mua bán, trao đổi hàng hóa.

Bờ Đông Kênh Nước Mặn (huyện Cần Đước) hôm nay "trên bến, dưới thuyền", nhà cửa khang trang, đi lại dễ dàng, người dân an tâm sinh sống

Bờ Đông Kênh Nước Mặn (huyện Cần Đước) hôm nay "trên bến, dưới thuyền", nhà cửa khang trang, đi lại dễ dàng, người dân an tâm sinh sống

Đứng trên cầu Kênh Nước Mặn nhìn xuống, chúng tôi thấy được sự đổi thay của vùng đất này. Từ chỗ người dân buộc phải dời đi vì sạt lở thì nay, khu vực này đã trở thành “đất vàng”, “view sông”; từ chỗ phải vật lộn với từng con sóng để giữ đất, giữ nhà, nay người dân có thể mở tiệm bán buôn, cất nhà cao tầng, một ngôi trường mẫu giáo cũng đang được xây dựng. Bờ Đông Kênh Nước Mặn ngày nay “trên bến, dưới thuyền”, không còn nỗi lo nơm nớp mỗi khi con nước lớn./.

Châu Thanh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/niem-vui-ben-bo-ke-kenh-nuoc-man-a177609.html