Niềm vui của đời làm báo

Tôi bước vào nghiệp cầm bút đã hơn 50 năm, kể từ bài báo đầu tiên. Đến nay ở độ tuổi 'thất thập', nghề báo vẫn như là một món nợ nhân duyên không rời đối với tôi. Đặc biệt, kỷ niệm những năm làm báo trong quân đội thời đánh Mỹ chợt ùa về, nhất là vào dịp vui những người làm báo.

Tay cầm súng, tay cầm bút

Những năm 1961-1965, tôi nhập ngũ và được biên chế về Tiểu đoàn 1 (Ba Lòng) sư đoàn 270 bảo vệ vĩ tuyến 17 Đặc khu Vĩnh Linh.

Thời ấy, tuy làm lính nhưng với vốn liếng văn hóa của một học sinh cấp 3, tôi rất mê viết lách. Một số bài viết đầu tiên về gương cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị cố gắng rèn luyện, đạt thành tích cao trong huấn luyện quân sự, làm dân vận giỏi của tôi được đăng trên các tờ Quân khu Bốn, Quân đội Nhân dân, được anh em trong đơn vị rất thích thú.

Rồi không biết từ đâu, tôi được cả tiểu đoàn tặng cho biệt danh “nhà báo”! Mỗi khi đại đội, tiểu đoàn tổ chức hội thao, kiểm tra kỹ, chiến thuật cuối tuần, tôi lại được các thủ trưởng cho đứng ra ngoài hàng quân theo dõi, ghi chép để viết tin bài gửi cho các báo. Sau này, được đi học sĩ quan, tốt nghiệp loại ưu với quân hàm thiếu úy, năm 1965 tôi được phân công về công tác ở sư đoàn bộ sư đoàn 320B, Quân khu Ba, lại càng có điều kiện theo nghề viết lách.

Tác giả đang xem lại tác phẩm đạt giải C Giải Báo chí Quốc gia năm 1995.

Thời kỳ này, sư đoàn được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ huấn luyện sĩ quan từ cấp trung đội đến tiểu đoàn làm cán bộ khung bổ sung cho chiến trường miền Nam. Với mật danh Đoàn 32, đơn vị đóng quân trong một dãy rừng già rất kín đáo, rải dài từ hai huyện Kỳ Sơn và Lương Sơn thuộc tỉnh Hòa Bình.

Trước yêu cầu tăng cường lực lượng chủ lực mạnh cho chiến trường B chuẩn bị tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1968, Đoàn chúng tôi bước vào những ngày tháng huấn luyện rất ráo riết, khẩn trương. Ban ngày, từ Bộ Tư lệnh xuống các trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội lao vào tập luyện kỹ thuật và chiến thuật. Thời gian mỗi đợt học chỉ 3-6 tháng, song với giáo trình rất cao. Yêu cầu đặt ra với sỹ quan các cấp là phải nắm thật vững các loại trang, thiết bị bộ binh mới nhất, hiện đại nhất do các nước trong khối xã hội chủ nghĩa mới chuyển giao cho quân đội ta; đồng thời mỗi người phải hiểu rõ chiến thuật chỉ huy chiến đấu của cấp mình trên từng địa bàn khác nhau với quân Mỹ trên chiến trường miền Nam.

Để có đủ sức khỏe, dẻo dai hành quân hàng mấy tháng trời từ miền Bắc vào Nam, tối nào cũng như tối nào, dù nắng hay mưa, mọi người với một chiếc gùi đầy đá sau lưng, chiếc gậy Trường Sơn trên tay, tập đi bộ từ 3-4 tiếng. Gùi đá (sau này là ba-lô đá) cứ được tăng dần trọng lượng lên, từ 12kg lúc đầu lên đến 18-20kg sau khoảng 3 tháng luyện tập.

Tập luyện vất vả, khổ sở hết chỗ nói, song bù lại, là đơn vị làm nhiệm vụ đặc biệt duy nhất lúc đó của toàn quân, nên chúng tôi rất được ưu ái về chế độ hậu cần. Có thể nói, những nhu yếu phẩm gì mới nhất, nhiều dinh dưỡng nhất của quân đội các nước chi viện sang như đường kính, bột trứng, bột canh gà, bột đậu xanh cao cấp, lương khô ép thành bánh, các loại thịt hộp, cá hộp ngon nhất, trên đều ưu tiên cung cấp khá đầy đủ.

Một không khí háo hức ra trận, hăng say luyện rèn kỹ, chiến thuật bao trùm lên các đơn vị, trong cán bộ các cấp. “Thao trường đổ nhiều mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành tâm niệm, nhắc nhở mỗi người. Từ đây nhiều tấm gương tốt xuất hiện.

Lúc này kỹ năng viết báo của tôi đã hoàn thiện dần sau những đợt được đơn vị cử đi dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do Báo Quân khu Ba, Báo Quân đội Nhân dân tổ chức. Và nhờ thế, tôi đã viết và được đăng khá nhiều bài báo ở các thể loại: “Người tốt việc tốt”, phản ánh, phóng sự, “Ống kính chụp nhanh” trên các tờ báo trong lực lượng vũ trang.

Hầu như năm nào, tôi cũng được Báo Quân đội Nhân dân, Báo Tiền Phong, Báo Quân khu Ba… khen thưởng là cộng tác viên xuất sắc. Tuy luyện tập vất vả, gian khổ như vậy nhưng cứ có thời gian rảnh rỗi là tôi ngồi vào bàn viết. Những việc làm, hành động quả cảm của đồng đội; lòng yêu thương chiến sĩ hết mực của sĩ quan các cấp… cứ tái hiện trong đầu, thôi thúc tôi viết quên cả mệt nhọc.

Những năm tháng chiến tranh, những ngày luyện tập chuẩn bị cho chiến trường B, và đặc biệt là những ngày đêm cùng đơn vị hành quân từ Nho Quan (Ninh Bình) vào chiến đấu giữ thành cổ Quảng Trị năm 1972 là thời điểm hào sảng, thăng hoa nhất trong đời làm báo của tôi.

Hai tác phẩm, một niềm vui

Cuộc đời làm báo của tôi trải nhiều kỷ niệm buồn, vui; mỗi bài báo gắn với nhiều cuộc đời, nhiều số phận. Song điều tôi tự hào nhất, có hai tác phẩm trong số đó thật sự có ích cho đời, và đã góp phần làm nên thương hiệu của một nhà báo trong lòng bạn đọc.

Tháng 7 năm 1969, trong một đêm cùng đồng đội trong Ban Tác chiến sư đoàn 320B vật lộn với một trận bão lớn, bảo vệ kho hàng quan trọng chuẩn bị cấp phát cho các đơn vị vào chiến dịch, tôi phát hiện ra tấm gương quên mình vì nhiệm vụ của Thượng sỹ Trợ lý Vật chất Vũ Văn Cán. Trên đường đi công tác về, mặc dù phải đạp xe hơn 70 cây số vừa đói vừa mệt, nhưng nghe tin bão lớn sắp đổ vào khu vực hậu cứ của đơn vị, mặc cho mưa, gió, trời tối, Cán vẫn cố guồng xe về để kịp cùng mọi người cứu kho, cứu hàng.

Hình ảnh anh bất chấp hiểm nguy, rét mướt, tuy chân bị xà nhà rơi trúng, tứa máu, vẫn nén đau cùng đồng đội chống chọi suốt một đêm trắng, cứu được kho hàng, cứu được cả 4 người dân, làm tôi rất xúc động. Ngay sáng hôm sau tôi viết một mạch bài: “Vũ Văn Cán hết lòng cứu dân, cứu hàng” rồi đạp xe ra bưu điện huyện Nho Quan (Ninh Bình) gửi ngay cho Báo Quân khu Ba.

Hai tháng sau, một tin báo bằng điện thoại của các anh Trần Kiểm, Tô Phương trong Ban Biên tập Báo Quân khu làm tôi mừng đến sững sờ: Bài báo vinh dự được Bác Hồ đọc và tự tay Người ghi bên cạnh bằng mực đỏ: “Thưởng 1 H2” (tức là một huy hiệu mang chân dung Bác).

Cũng chính hai anh, vào đúng ngày 19/5/1970 đánh chiếc xe Sít-đơ-ca (mô-tô 3 bánh) của tòa soạn xuống tận đơn vị để chuyển cả bài báo có bút tích của Bác và Huy hiệu của người cho Bộ Tư lệnh sư đoàn để trao cho Vũ Văn Cán. Càng xúc động hơn, sau này, tôi về công tác ở tòa soạn được biết thêm, đó là chiếc huy hiệu Bác ký tặng cho gương “Người tốt việc tốt” cuối cùng trước khi Người về cõi Tiên đúng 2 tháng!

Trưa tháng 6/1994, đang ngồi bàn chuyện Hội Nhà báo Hà Tĩnh với anh Lê Xuân Thụ - Phó Chủ tịch Thường trực Hội, bỗng có một vị khách tên là Phan Sung ghé vào gặp tôi xin trình bày về hoàn cảnh đáng thương tâm của một người bạn. Anh thương binh Trần Tài - người trong chuyện, ở cùng quê với vợ của anh.

Sau những năm tháng chiến đấu anh dũng, bị chấn thương sọ não do bom Mỹ, anh trở về quê với hai bàn tay trắng, không hề có một chế độ gì. Ngày này sang ngày khác, anh phải ra chợ Thượng (huyện Đức Thọ) gánh nước thuê cho các nhà hàng, hoặc nhận tắm rửa, khâm liệm cho những kẻ xấu số bị tàu hỏa cán chết, để kiếm vài ba chục ngàn sống qua ngày. Mỗi khi vết thương hành hạ, anh bị lên cơn tâm thần, vật vã, la hét một mình, trông rất tội nghiệp.

Câu chuyện của anh Sung đã cuốn hút tôi như một thỏi nam châm. Là một người lính có thâm niên gần 30 năm quân ngũ, tôi thật sự thương cảm Trần Tài. Chỉ sau ba hôm về Đức Thọ gặp Tài và một số người liên quan ở quê anh, Bộ Tư lệnh Quân khu Bốn… tôi chỉ mất một ngày để viết, và lấy tựa đề bài báo là “Những đồng đội của tôi”. Riêng tác phẩm này, tôi vinh dự được nhận 2 giải A - một của Báo Quân đội Nhân dân cuộc thi “Viết về kỷ niệm sâu sắc 40 năm bộ đội Cụ Hồ”, một của Giải Báo chí Hà Tĩnh. Vinh dự hơn, năm 1995 tôi được nhận giải C Giải Báo chí Quốc gia với tác phẩm nói trên.

Không đơn giản chỉ là các giải thưởng, điều tôi thực sự xúc động là sau khi đọc bài báo này, anh Trần Đình Đàn - lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, vốn là một cựu chiến binh, đã tự tay viết thư kèm theo các bản photo bài báo đó gửi Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hằng và Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cùng Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ đề nghị xem xét, chỉ đạo giải quyết chế độ cho đồng chí Trần Tài ở xã Liên Minh, huyện Đức Thọ. Tiếc thay, khi chế độ của Nhà nước đến được với anh thì anh đã ra đi trước đó đúng 3 ngày!

Người thân, lãnh đạo địa phương và cả tác giả bài báo, đặt tấm thẻ thương binh lên bàn thờ nghi ngút khói hương của anh với một sự ân hận khôn nguôi. Bởi mọi sự tri ân đều đã quá muộn. Tuy vậy, điều an ủi chúng tôi, cả người viết lẫn những người trong cuộc là từ đó, Trần Tài chính thức có chế độ hương khói của một thương binh để người thân được lên tưởng niệm anh vào những ngày lễ, Tết!

Khắc Hiển

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/niem-vui-cua-doi-lam-bao-post199468.html