Niềm vui của dòng phim nghệ thuật
Chỉ trong 3 ngày, tác phẩm 'Mắt biếc' của đạo diễn Victor Vũ đã đạt doanh thu 50 tỷ đồng. Đây là trường hợp đầu tiên của phim chiếu rạp Việt Nam đạt doanh thu khủng chỉ trong thời gian ngắn nhất. Điều quan trọng, 'Mắt biếc' là minh chứng cho một năm thành công về mặt doanh thu của điện ảnh Việt ở cả những mảng phim giải trí đến phim nghệ thuật.
Cơn sốt phòng vé
Sau gần một tuần ra mắt, bộ phim “Mắt biếc” vẫn giữ vị trí độc tôn ở các phòng chiếu của Trung tâm chiếu phim quốc gia, CJV, rạp Tháng Tám… Ở Trung tâm chiếu phim quốc gia, nếu ngày 22/12, bộ phim” chiếm 19 suất chiếu thì đến ngày 25/12 số lượng suất chiếu đã tăng lên thành 22. Với số lượng này, “Mắt biếc” đang có suất chiếu gấp rưỡi phim “Chị chị em em”, gấp 6 lần “Giáng sinh đen”… Khắp các diễn đàn lập team đi xem “Mắt biếc”. Chị Thu Hằng - Giảng Võ, Hà Nội cho biết: “Cơ quan tôi, 2 - 3 ngày nay các chị em đều rủ nhau đi xem “Mắt biếc”. Bởi vì chúng tôi là dân văn phòng, cuối ngày lại bận việc gia đình nên chỉ có thể tranh thủ đi vào buổi trưa”. Trong khi đó, bộ phim thu hút cả lứa tuổi học trò và những người đã thuộc U50 - U60. Chính vì vậy, các suất chiếu vào sáng sớm hoặc đêm khuya cũng được khán giả đặt hàng từ rất sớm. Hiệu ứng khán giả đã mang lại thành công 50 tỷ đồng doanh thu trong 3 ngày đầu công chiếu. Bộ phim ghi danh mình vào lịch sử phim Việt - đoạt số doanh thu lớn trong thời gian ngắn nhất. Đây cũng là bộ phim chốt đẹp cho điện ảnh Việt trong năm 2019.
Trước “Mắt biếc”, năm 2019 đã có những bộ phim để lại ấn tượng sâu sắc. Điều đáng phải kể đến là bên cạnh những bộ phim giải trí thì còn có cả những bộ phim nghệ thuật. Cụ thể: Ra mắt dịp Tết Nguyên đán, tác phẩm của đạo diễn Nhất Trung, diễn viên Trấn Thành, Lan Ngọc khuấy động phòng vé. Với doanh thu hơn 190 tỷ đồng, “Cua lại vợ bầu” là phim Việt ăn khách nhất mọi thời ở thị trường nội. Sau “Cua lại vợ bầu” phải kể đến “Hai Phượng” của Ngô Thanh Vân. Ra mắt vào dịp giữa năm, nhưng tác phẩm “bảo chứng” danh đả nữ cho Ngô Thanh Vân, tái khẳng định khả năng và sức hút của sao nữ. “Hai Phượng” là phim Việt có doanh thu cao nhất từ trước đến nay trên toàn cầu (hơn 200 tỷ đồng). Ngoài Việt Nam, tác phẩm còn chiếu ở Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước khác. Ở Mỹ, "Hai Phượng" hai lần vào top 30 phòng vé cuối tuần và được 95% giới phê bình khen ngợi trên Rotten Tomatoes.
Thành công không nhờ “ngôi sao”
Trần Nghĩa, Trúc Anh, Trần Phong… đều là những tân binh trong làng điện ảnh, được Victor Vũ tuyển chọn trong khoảng thời gian 4 tháng, trước khi bộ phim “Mắt biếc” khởi quay. Thế nhưng, có lẽ không ai phù hợp với Ngạn như Trần Nghĩa, Hà Lan như Trúc Anh, hay Nghĩa như Trần Phong. Họ đã chuyển tải được câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng, đề cao tính nhân văn mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gửi gắm. Nói về lý do không có ngôi sao phòng vé, mà phim vẫn đạt thành công, đạo diễn Victor Vũ tiết lộ: “Diễn viên nổi tiếng hay không nổi tiếng không phải là vấn đề tôi quan tâm khi đứng trước một dự án, mà tôi chỉ ưu tiên chọn người hợp vai. Nếu nhìn lại những phim thành công nhất về mặt doanh thu, nó không nhất thiết phải có ngôi sao. Tôi luôn tin một diễn viên hợp vai sẽ tỏa sáng và khán giả sẽ ghi nhận điều đó... May mắn, cả tôi và nhà sản xuất đều đồng ý rằng sức hút của bộ phim không nằm ở ngôi sao, nằm ở tinh thần và thông điệp tình yêu mà bộ phim lý giải”.
Không giống như “Mắt biếc”, bộ phim “Hai Phượng” có đả nữ Ngô Thanh Vân đảm nhiệm ở cả vai trò nhà sản xuất, đạo diễn và diễn viên chính. Nhưng ngoài tài năng diễn xuất trong điện ảnh của cô diễn viên sinh năm 1981 này thì phim hút người xem ở nội dung khá đơn giản, yếu tố hành động của phim gây ấn tượng với nhiều đòn thế, cảnh truy đuổi đẹp mắt. Tác phẩm cũng đại diện Việt Nam ở hạng mục phim quốc tế tại Oscar 2020, đồng thời đoạt giải Bông Sen Bạc. Năm 2019, thành công của điện ảnh Việt còn phải kể đến tác phẩm của Trịnh Đình Lê Minh - “Thưa mẹ con đi”. Bộ phim là đại diện tiêu biểu cho dòng phim độc lập của Việt Nam, dự bốn liên hoan trong vài tháng qua, ở Busan, Seoul (Hàn Quốc), Hawaii, San Diego (Mỹ). Nhà làm phim khéo đặt trọng tâm tác phẩm vào chuyện làng quê, các vấn đề gia đình, thay vì chỉ chú trọng mối tính đồng tính.
Những minh chứng cụ thể để thấy, sốc - sến - sex, không còn là tiêu chí ăn khách của điện ảnh như 3 - 4 năm trở về trước. Giá trị nghệ thuật đích thực đã được khán giả đón nhận, nếu tác phẩm mang đến thông điệp rõ ràng và nhân văn.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/niem-vui-cua-dong-phim-nghe-thuat-361069.html