Niềm vui của hai dự án bauxite Tây Nguyên

Có thể khẳng định việc đầu tư xây dựng hai dự án bauxite ở khu vực Tây Nguyên gồm Tổ hợp dự án bauxite-nhôm Lâm Đồng, Nhà máy alumin Nhân Cơ của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là một hướng đi thực hiện theo đúng chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Những kết quả bước đầu đã và đang định hình cho một ngành công nghiệp mới, đồng thời góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hiệu quả từ dự án tiên phong

Hai nhà máy sản xuất alumin theo công nghệ Bayer hiện đại trên thế giới cùng công suất 650.000 tấn alumin/năm gồm Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) là niềm tự hào của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Thời gian vận hành thương mại của 2 nhà máy cách nhau 5 năm (2010-2015), song cho đến nay cả hai dự án đã minh chứng bằng sự hiệu quả về kinh tế.

Toàn cảnh Nhà máy Alumin Tân Rai.

Toàn cảnh Nhà máy Alumin Tân Rai.

Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng - TKV (LDA) đến nay đã bước sang tuổi 14 (1/10/2010 - 1/10/2024). Là doanh nghiệp dẫn đầu của cả nước trong ngành khai thác bauxite, sản xuất ra sản phẩm alumina để tiến tới điện phân nhôm kim loại, 14 năm qua đối với Nhôm Lâm Đồng đó là một chặng đường đầy chông gai với những điều phi thường. Buổi đầu tiếp quản tổ hợp công nghiệp phức tạp, chứa đựng nhiều rủi ro về an toàn môi trường. Trong khi đó, tiến độ hoàn thành đầu tư, đưa nhà máy vào vận hành chậm so với dự kiến ban đầu. Khi tiếp nhận bàn giao Tổ hợp sang giai đoạn sản xuất, Nhà thầu không thực hiện trách nhiệm hỗ trợ vận hành. Những áp lực làm chủ công nghệ, duy trì nhà máy hoạt động ổn định, kiểm soát gắt gao các chỉ số an toàn sản xuất lẫn an toàn môi trường; sức ép, thử thách về thị trường, giá bán và hiệu quả kinh tế khiến cả bộ máy của Công ty phải khó khăn vật lộn.

Theo thời gian, LDA đã từng bước khắc phục những khó khăn và không ngừng trưởng thành vươn lên. Công ty luôn đảm bảo an toàn sản xuất, an toàn lao động và an toàn môi trường ở mức độ tin cậy và bền vững. Đây chính là biểu hiện sinh động cho một nhà máy sản xuất kỷ cương, xanh - sạch - đẹp, thân thiện với môi trường với mô hình “Nhà máy - công viên”.

Công ty đã điều hành hoạt động Tổ hợp Bauxite có hiệu quả kinh tế ở mức sớm hơn, tốt hơn so với tính toán và giá thành sản xuất cạnh tranh trên thị trường thế giới. Nhờ đó, giải quyết tốt công ăn việc làm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân, lao động, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và sự phát triển lớn mạnh của Tập đoàn.

Cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng - TKV.

Cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng - TKV.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Thái, Phó Giám đốc LDA, trải qua 14 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động đầy bản lĩnh, đoàn kết, sáng tạo đã vượt qua nhiều khó khăn, bằng trí tuệ tập thể đã cùng chung sức xây dựng Công ty trở thành doanh nghiệp lớn trong nước về lĩnh vực khai thác bauxite, sản xuất sản phẩm alumina. Đến nay, Công ty đã vận hành ổn định sản lượng sản xuất tăng dần qua từng năm, đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh, chăm lo tốt đến đời sống cho cán bộ công nhân viên.

Đến nay, Công ty đã làm chủ sâu công nghệ đưa Nhà máy Alumina vận hành với công suất đạt và vượt mức thiết kế. Với nhiều giải pháp điều hành linh hoạt và áp dụng các mô hình vận hành tối ưu, sản lượng Alumin sản xuất tăng dần theo từng năm đến nay Công ty đã sản xuất vượt 15% công suất thiết kế. Sản phẩm alumina đạt chất lượng tốt đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu của thị trường quốc tế. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đứng trước những khó khăn về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm hơn so với kế hoạch, Công ty đã quyết tâm triển khai nhiều giải pháp đảm bảo duy trì vận hành toàn bộ dây chuyền hoạt động ổn định liên tục, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt kế hoạch. Năm 2023 đã sản xuất 748.370 tấn, đạt 115,1% kế hoạch và bằng 101,8% năm 2022; doanh thu năm 2023 là: 3.746 tỷ đồng, đạt 110,7% kế hoạch, bằng 106% năm 2022. Tổng giá trị phải nộp NSNN năm 2023 là 390 tỷ đồng, đạt 181,6% kế hoạch, bằng 134,4% năm 2022. Công ty tạo công ăn việc làm cho 1.300 người với mức tiền lương bình quân khoảng 16,6 triệu đồng/người/tháng.

Trong quá trình hình thành và phát triển, Công ty Nhôm Lâm Đồng đã cùng Tập đoàn đóng góp hàng trăm tỷ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng trên địa huyện Bảo Lâm như: đường sá, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng và các hoạt động an sinh xã hội; góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng hình ảnh, thương hiệu của Tập đoàn nơi vùng đất Tây Nguyên của đất nước.

Đối với công tác an sinh xã hội với địa phương, Tập đoàn và Công ty đã hỗ trợ chi phí xây dựng, sửa chữa nhiều công trình trường học, xây tặng nhà tái định cư, nhà sinh hoạt cộng đồng, sữa chữa, làm đường, thăm hỏi, tặng quà cho các hộ nghèo. “Trong giai đoạn tới công ty mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp lãnh đạo Trung ương, địa phương và Tập đoàn để duy trì có hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành mục tiêu nâng công suất Nhà máy hướng đến mục tiêu phát triển bền vững”, ông Thái nói.

Alumin Nhân Cơ trên đà phát triển

Toàn cảnh nhà máy Alumin Nhân Cơ.

Toàn cảnh nhà máy Alumin Nhân Cơ.

Phát huy những thành quả của người anh đi trước, sa đời sau Nhà máy Alumin Tân Rai (Lâm Đồng) 5 năm, Nhà máy alumin Nhân Cơ thuộc Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV (DNA) kể từ vận hành thương mại từ 2017 đến nay, với những nỗ lực, phấn đấu không ngừng của tập thể CBCNV DNA, dự án đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, từng bước góp phần tạo bước đột phá mới cho kinh tế Đắk Nông nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Giai đoạn đầu đi vào vận hành thương mại của công ty là một giai đoạn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Công ty phải tiếp nhận, quản lý và vận hành một dây chuyền sản xuất công nghệ tiên tiến với một đội ngũ cán bộ công nhân tay nghề còn non trẻ, chưa có kinh nghiệm thực tế trong ngành alumin; dây chuyền sản xuất alumin chưa được ổn định; giá alumin trên thị trường thế giới có sự tăng giảm bất thường…

Quặng tinh đã chế biến được tập kết tại kho chứa.

Quặng tinh đã chế biến được tập kết tại kho chứa.

Nhưng với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, bằng sự quản lý và chỉ đạo đúng hướng của lãnh đạo TKV, sự điều hành năng động, quyết đoán của ban lãnh đạo công ty và tinh thần "Kỷ luật - đồng tâm", nỗ lực vì mục tiêu chung của hơn 1.100 cán bộ công nhân lao động, công ty phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu của TKV giao: Các chỉ tiêu định mức kỹ thuật; cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, nhanh chóng ổn định nguồn nhân lực, thực hiện tái cơ cấu lao động nhằm sử dụng lao động hợp lý, tạo những bước hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Vũ Hoàng, Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông cho biết, giai đoạn đầu đi vào hoạt động từ 2017 Công ty gặp không ít những khó khăn như quản lý và vận hành một dây chuyền sản xuất công nghệ tiên tiến với một đội ngũ cán bộ công nhân tay nghề còn non trẻ, chưa có kinh nghiệm thực tế trong ngành alumin; Dây chuyền sản xuất alumin chưa được ổn định. Song, với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, bằng sự quản lý và chỉ đạo đúng hướng của ãnh đạo TKV, sự điều hành năng động và quyết đoán của Ban giám đốc Công ty, cùng sự thống nhất, đồng tâm, nỗ lực, vì mục tiêu chung của toàn thể cán bộ công nhân viên trong Công ty, đến nay nhà máy Alumina nhân cơ đang vận hành tương đối ổn định.

Trong thời gian 5 năm (2017 - 2021) từ khi bắt đầu vận hành thương mại Nhà máy alumin Nhân Cơ đã đạt được những kết quả ngoài sự mong đợi, cụ thể: 6 tháng cuối năm 2017, dự án đã có lợi nhuận trên 13,6 tỉ đồng, sớm hơn so với thời gian dự kiến. Năm 2018, sản xuất 655.568 tấn alumin. Năm 2019, sản lượng alumin quy đổi đạt 686.568 tấn. Năm 2020 đạt 110% công suất thiết kế với sản lượng 715.268 tấn. Năm 2021 đạt 737.268 tấn Alumin, năm 2022 đạt 740.000 tấn và năm 2023 đạt 712.000 tấn alumin quy đổi.

Bên cạnh đó, sau 7 năm đi vào vận hành hiện công ty đã làm chủ được công nghệ sản xuất Alumina, trình độ quản lý và tay nghề công nhân ngày được nâng cao. Áp dụng nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào sản xuất (hàng năm công ty có trên 50 sáng kiến và có những sáng kiến đã giúp Công ty tiết kiệm trong sản xuất lên đến hơn 100 triệu đồng). Sản phẩm làm ra có chất lượng tốt, sản lượng ngày càng tăng cao, xuất đi thị trường thế giới như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Singapore, Thái Lan, Thụy Sĩ… Trong đó khách hàng Nhật Bản là một trong các khách hàng khó tính nhưng đến nay đã tin tưởng hoàn toàn vào chất lượng sản phẩm của nhà máy và qua các năm lượng hàng xuất cho khách hàng Nhật Bản ngày càng tăng lên.

Công nhân Công ty Nhôm Đắk Nông (DNA)

Công nhân Công ty Nhôm Đắk Nông (DNA)

Cùng với sản xuất kinh doanh, DNA luôn chú trọng đến quyền và lợi ích của người lao động, không ngừng cải thiện, điều kiện làm việc, đảm bảo tốt công ăn việc làm, tiền lương, thu nhập cho cán bộ, công nhân viên. Đến thời điểm này, công ty đang tạo việc làm cho trên 1.000 lao động với thu nhập ổn định. Công ty luôn chú trọng đến quyền và lợi ích của mạc dao động, không ngừng cải thiện môi trường và điều kiện làm việc, bảo đảm công ân việc làm ấn định cũng như đảm bảo tiên lương và thu nhập cho cán bộ, công nhân viên.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ công nhân viên luôn được chú trọng. Đặc biệt, công ty luôn coi trọng và phát huy phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Hàng trăm sáng kiến hữu ích đã được đưa vào áp dụng nhằm hợp lý hóa sản xuất, nâng cao năng suất lao động.

Bà Võ Thị Kiều Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk R’Lấp.

Bà Võ Thị Kiều Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk R’Lấp.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk R’Lấp Võ Thị Kiều Linh đã khẳng định việc đầu tư xây dựng Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng chung của huyện Đăk R’Lấp nói riêng và tỉnh Đắk Nông nói chung. Kể từ khi dự án đi vào hoạt động đến may đã mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội rõ nét. Tạo công ăn việc làm cho trên 500 lao động địa phương, trong đó một bộ phận không nhỏ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Công ty cũng thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, triển khai nhiều công trình phúc lợi có ý nghĩa.

Với những kết quả như trên, giờ có thể khẳng định tính hiệu quả, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước tại hai dự án bauxite tại Tây Nguyên. Cả 2 Dự án đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng tạo động lực phát triển cho ngành dịch vụ, phụ trợ; góp phần dịch chuyển cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp; tăng đóng góp ngân sách cho địa phương và riêng chi phí ủng hộ địa phương từ khi dự án vào hoạt động hàng trăm tỷ đồng. Tin tưởng trong thời gian tới, TKV không ngừng thúc đẩy phát triển đồng bộ, bền vững ngành công nghiệp bauxite - nhôm.

Minh Châu

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/niem-vui-cua-hai-du-an-bauxite-tay-nguyen-717928.html