Niềm vui đường lớn
Liên tiếp những công trình, dự án giao thông trọng điểm được triển khai xây dựng trong thời gian qua đã nhận được sự đồng tình, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân. Giấc mơ bao lâu nay của người dân Tuyên Quang về kết nối giao thông thuận lợi giữa các vùng miền, thúc đẩy kinh tế phát triển đang dần thành hiện thực. Rất nhiều cơ hội mới đã và đang mở ra đối với 'Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô Kháng chiến'.
Tạo động lực phát triển kinh tế liên vùng
Trong thời gian qua, tin vui liên tiếp đến với người dân Tuyên Quang khi Quốc hội, Chính phủ đồng ý chủ trương xây dựng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Hà Nội - Lào Cai và tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Các tuyến đường được đầu tư xây dựng trong sự vui mừng khôn xiết của người dân. Đây là sự quyết tâm rất lớn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đối với tỉnh Tuyên Quang để giải “điểm nghẽn” về giao thông ở khu vực trung du, miền núi phía Bắc, tạo động lực cho cả vùng phát triển.
Tuyên Quang là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế khó khăn, hệ thống giao thông chủ yếu bằng đường bộ cấp thấp, không có đường sắt và đường hàng không, mặc dù có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, công nghiệp nhưng do chưa có đường cao tốc nên chưa kích thích được tăng trưởng kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại của nhân dân. Hiện tại, để kết nối Thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh trên cả nước, kết nối với nước bạn Trung Quốc chủ yếu đi theo đường Quốc lộ 2. Tuy nhiên, qua hơn 20 năm đưa vào khai thác, sử dụng tuyến đường này đã quá tải, nhiều đoạn xuống cấp, ảnh hưởng đến đi lại, hoạt động giao thương liên vùng bị cản trở...
Việc xây dựng tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, Tuyên Quang - Hà Giang giống như việc gỡ nút thắt hay “cởi trói”, tạo động lực quan trọng để tỉnh Tuyên Quang cũng như các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc bứt tốc, phát triển hơn. Việc đi lại thuận tiện sẽ tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền bạc cũng như mở ra cơ hội về thu hút đầu tư đến với Tuyên Quang cũng như các tỉnh trong khu vực. Ông Cho Won Jae, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Future of Sound Vina ở Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) cho biết, môi trường đầu tư ở Tuyên Quang rất tốt, chính quyền tỉnh và các ngành chức năng luôn có những giải pháp hỗ trợ Công ty về mọi mặt. Đến nay, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, tốc độ tăng trưởng của Công ty tăng đều đã tạo ra nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho lao động ở địa phương. Tuy nhiên vẫn còn khó khăn đó chính là hệ thống giao thông kết nối giữa Tuyên Quang với các vùng. Do vậy, nếu các tuyến đường cao tốc kết nối Tuyên Quang với thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh được hoàn thành sớm sẽ không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty mà sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp khác chọn Tuyên Quang để đầu tư.
Thấy được tầm quan trọng của việc sớm triển khai xây dựng các tuyến đường cao tốc, hiện nay tỉnh Tuyên Quang đang tích cực phối hợp với các tỉnh bạn là Phú Thọ, Hà Giang cùng các bộ, ngành liên quan triển khai các bước đầu tư xây dựng. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đã giải phóng xong phần lớn mặt bằng, tiến độ thi công đảm bảo kế hoạch đề ra; tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đang khẩn trương thực hiện phương án xây dựng và giải phóng mặt bằng...
Sớm hiện thực ước mơ
Theo kế hoạch, tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2023, tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang hoàn thành năm 2024. Cùng với việc đầu tư xây dựng các tuyến đường này thì nhiều tuyến đường khác trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng như đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn, đường từ thành phố Tuyên Quang đi suối khoáng Mỹ Lâm... Những tuyến đường huyết mạch liên tiếp được đầu tư xây dựng khi hoàn thành sẽ góp phần tạo thành một hệ thống đường giao thông kết nối, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển hơn.
Gia đình anh Trần Mạnh Cường quê ở xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) nhưng sinh sống ở Hà Giang và đang đầu tư xưởng sản xuất đồ gỗ tại huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Anh Cường cho biết, mỗi lần về quê là mất từ 3 đến 4 tiếng, các chuyến xe chở hàng của gia đình anh cũng thường xuyên bị chậm vì đường hẹp, nhiều cua nguy hiểm, nhất là khi trời mưa. Anh Cường cho biết, anh rất vui mừng khi biết tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang được đầu tư xây dựng. Đây thực sự là một dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, người dân 2 tỉnh đã mong muốn có con đường này từ rất lâu rồi…
Việc đầu tư xây dựng những tuyến đường cao tốc sẽ giúp rút ngắn khoảng cách và xóa đi những băn khoăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đến với Tuyên Quang. Chị Nguyễn Lan Phương, chủ hệ thống nhà hàng ẩm thực có tiếng ở Hà Nội cho biết, mấy lần trước chị tìm hiểu và có ý định mở chi nhánh nhà hàng ẩm thực và xây dựng tour du lịch ở Tuyên Quang nhưng thấy việc đi lại khó khăn quá nên chị phải cân nhắc vì khi đã đầu tư thì phải đi lại thường xuyên mà hiện nay mỗi lần di chuyển từ thủ đô Hà Nội đến trung tâm thành phố Tuyên Quang phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ. Khi tuyến đường cao tốc kết nối Tuyên Quang với thủ đô hoàn thành, thời gian đến Tuyên Quang chỉ mất 1,5 giờ, chị sẽ chọn nơi này để đầu tư kinh doanh.
Khi biết chủ trương, kế hoạch xây dựng cao tốc nhiều người dân đã bày tỏ niềm vui và sự đồng tình. Ông Trần Văn Minh ở thôn 17, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) nói, gia đình ông được thông báo tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang sẽ chạy qua đất của gia đình. Ông rất đồng tình, ủng hộ việc xây dựng các tuyến đường lớn và sẵn sàng phối hợp với các cấp, ngành liên quan trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để tuyến đường sớm được triển khai xây dựng. Ông Minh cho rằng, khi có đường cao tốc thì người dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều, việc đi lại, buôn bán thuận tiện, đời sống và kinh tế của người dân sẽ từng bước được nâng cao.
Những con đường cao tốc, đường giao thông lớn rộng rãi, đi lại thuận tiện... là mong ước từ lâu của người dân Tuyên Quang. Khi có đường lớn thì mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc càng sớm trở thành hiện thực.