Niềm vui hòa giải khi góp phần giữ gìn tình đoàn kết trong Nhân dân

Ông Chu Văn Quý, thành viên tổ hòa giải thôn Vĩnh Lộc 1, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất cảm thấy phấn khởi khi đã đóng góp một phần nhỏ cho xã hội, đảm bảo giữ gìn tình đoàn kết trong Nhân dân và ổn định trật tự xã hội tại địa bàn.

Ông Chu Văn Quý cho biết: “Khi hòa giải thành tôi rất phấn khởi” ẢNH: Công Phương

Ông Chu Văn Quý cho biết: “Khi hòa giải thành tôi rất phấn khởi” ẢNH: Công Phương

Trao đổi với PV, ông Chu Văn Quý, thành viên tổ hòa giải, thanh tra Nhân dân thôn Vĩnh Lộc 1, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội cho biết, ông tham gia công tác bảo vệ đồng ruộng ở thôn từ năm 2010 đến nay. Trong quá trình đó, ông từng tham gia và chứng kiến nhiều cuộc hòa giải trên địa bàn thôn và cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm cũng như sau này tự tin khi hòa giải.

Ông Chu Văn Quý cho biết, các vụ việc hòa giải trên địa bàn thôn thường là tranh chấp về đất đai, ranh giới hay mốc giới đất. Một số mâu thuẫn khác như mâu thuẫn giữa hai vợ chồng, mâu thuẫn giữa hàng xóm láng giềng về bày đồ lấn chiếm lối đi, vứt rác bừa bãi,... hay mâu thuẫn của một số người dân đến thuê trọ, sinh sống và làm việc trên địa bàn xã Phùng Xá.

Tại địa bàn, thành viên tổ hòa giải ở mỗi khu vực khác nhau, mọi người sẽ nắm bắt về các vụ việc mâu thuẫn trên địa bàn mình. Khi có mâu thuẫn xảy ra, người gần nhất sẽ đến nắm bắt và gặp gỡ các bên để tìm hiểu sự việc cũng như khuyên giải ban đầu để các bên kìm chế, tránh mâu thuẫn dẫn tới cao trào, không kiểm soát được hành vi...

Sau khi gặp và hiểu sự việc thì người hòa giải viên sẽ liên lạc với tổ hòa giải để cùng chia sẻ và nắm bắt cũng như đánh giá vấn đề. Nếu cần thiết phải hòa giải thì tổ hòa giải sẽ thành lập tổ hòa giải và mời các bên liên quan đến nhà văn hóa để hòa giải. Nếu sự việc không cần thiết phải thành lập tổ hòa giải thì các thành viên tổ hòa giải sẽ đến nhà gặp trực tiếp các bên mâu thuẫn để chia sẻ cũng như phân tích cho các bên về tình, lý hóa giải mâu thuẫn.

Ông Chu Văn Quý cho biết thêm, trong quá trình hòa giải, ông nhớ nhất là các vụ mâu thuẫn nhỏ trên địa bàn của một số người dân ở địa phương khác đến xã Phùng Xá thuê trọ. Họ ban ngày đi làm và ban đêm về thường xuyên uống rượu, một số lần có xảy ra mâu thuẫn và người dân địa phương gọi điện cho tổ hòa giải đến hòa giải.

Khi đến nơi, thành viên tổ hòa giải đã gặp các bên để trò chuyện cũng như mời các bên ra nhà văn hóa thôn để làm việc. Tại nhà văn hóa, các thành viên tổ hòa giải đề nghị các bên chia sẻ lại câu chuyện mâu thuẫn cũng như kể lại quá trình xảy ra mâu thuẫn. Sau đó, các thành viên tổ hòa giải sẽ phân tích, chia sẻ cũng như đưa ra những lý lẽ để hai bên mâu thuẫn biết là bên nào đúng, bên nào sai, bên nào nói như thế là chưa được, bên kia nói như thế là không hợp lý.

Sau khi nghe thành viên tổ hòa giải phân tích, các bên mâu thuẫn đã nghe ra, thống nhất cùng nhau hòa giải, bỏ qua mâu thuẫn và bắt tay nhau vui vẻ. Mọi người hứa sẽ không để xảy ra mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự trên địa bàn và hứa sẽ tập trung làm ăn, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

"Khi hòa giải thành tôi rất vui, phấn khởi vì đã đóng góp một phần nhỏ cho xã hội, đảm bảo giữ gìn tình đoàn kết trong nhân dân và ổn định trật tự xã hội tại địa bàn"- ông Chu Văn Quý tâm sự.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/niem-vui-hoa-giai-khi-gop-phan-giu-gin-tinh-doan-ket-trong-nhan-dan-395494.html