Niềm vui lương mới

Sau mấy ngày người lao động trong khu vực Nhà nước vui mừng được tăng lương từ 1/7 lại có thêm tin vui là giá hàng hóa tiêu dùng không nhảy múa như những lần trước, bớt được nỗi lo lương chạy theo giá.

Như vậy là sau 4 năm kể từ ngày 1/7/2019 áp dụng mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng, đến nay mức lương cơ sở đã chính thức được tăng thêm 310.000 đồng (tăng 20,8%) cho các đối tượng hưởng lương từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Mỗi lần tăng lương bao giờ cũng là chuyện “nóng” trên báo chí và mạng xã hội. Nóng bởi chuyện lao động khu vực công bỏ việc vì lương không đủ sống; chuyện tăng lương có đi cùng với dưỡng liêm, tránh tình trạng gây nhiễu nhương trong khu vực Nhà nước. Nóng bởi lịch sử ghi nhận chuyện tăng lương luôn kèm tăng giá, do vậy tăng thu nhập mà đời sống không được cải thiện…

Trong quá trình đổi mới, phát triển, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm cải cách chính sách tiền lương nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và phù hợp với nền kinh tế đang phát triển nhanh. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được vẫn còn những hạn chế, bất cập. Với chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ do giá cả leo thang, lạm phát, nếu chỉ căn cứ vào mức lương hiện nay thì không đủ chi phí cho từng cá nhân chứ chưa nói đến chuyện lo lắng cho gia đình, con cái.

Khi tiền lương không đủ bù trượt giá dẫn đến hệ lụy lao động phải chật vật để trang trải cuộc sống, họ sẽ chuyển từ khu vực công sang khu vực tư. Trên thực tế nhiều cán bộ, công chức đều có thu nhập ngoài lương, mức thu nhập này khó kiểm soát được.

Việc tăng lương lần này là một nỗ lực lớn, so với 12 lần điều chỉnh trước đây thì đây là lần điều chỉnh tăng lương lớn nhất trong lịch sử. Tuy vậy, mức tăng này vẫn chỉ đáp ứng được mức sống tối thiểu của cán bộ, công chức, viên chức, nỗi lo vẫn hiện hữu, nhất là khi giá cả vẫn có xu hướng tăng liên tục.

Để tạo ra bước đột phá về chính sách tiền lương, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế để khắc phục tồn tại của một bộ máy hành chính cồng kềnh, hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Từ đó có chính sách đãi ngộ thực sự xứng đáng để tạo động lực làm việc và sự gắn bó lâu dài cho cán bộ, công chức, viên chức.

Bài học kinh nghiệm của các nước phát triển là trả lương cho lao động khu vực công ở mức cao, kèm theo cơ chế quản lý chặt chẽ, bảo đảm để đội ngũ công chức, viên chức không muốn, không cần và không thể tham nhũng, tiêu cực. Được biết hiện nay, một số thành phố lớn trong nước đang tiên phong xây dựng chính sách về tiền lương và các chính sách đãi ngộ khác để thu hút nhân tài vào bộ máy nhà nước, giữ chân người có năng lực, tỉnh Bắc Giang cần sớm nghiên cứu, học tập cách làm này và áp dụng hiệu quả.

Câu chuyện tăng lương, tăng giá là câu chuyện không mới, do vậy cùng với các giải pháp của Chính phủ về tiếp tục thực hiện kiểm soát giá, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh cần làm tốt trách nhiệm của mình để tránh tình trạng giá “đội nón” theo lương như trước đây, nhằm bảo đảm thực chất “niềm vui lương mới”, góp phần cải thiện đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Trần Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/407650/niem-vui-luong-moi.html