Niềm vui mới trên đất Lộc Sơn

Thị trấn Lộc Sơn mới thành lập được định hướng sẽ trở thành trung tâm tiểu vùng khu vực phía bắc của huyện Phú Lộc trên trục Quốc lộ 1A. Cùng với thị trấn Phú Lộc, thị trấn Lăng Cô, thị trấn Lộc Sơn sẽ là ba trung tâm thương mại, dịch vụ lớn của huyện.

 Quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Lộc Sơn

Quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Lộc Sơn

Niềm vui ở thị trấn mới

Về Lộc Sơn ngày đầu năm mới 2025, chúng tôi bắt gặp nhiều nụ cười trên môi những người dân địa phương. Họ khoe với chúng tôi là đã trở thành “công dân” thị trấn, kèm theo đó là những mong muốn cho địa phương phát triển. Ông Nguyễn Văn Phúc, Tổ trưởng Tổ dân phố (TDP) Vinh Sơn chia sẻ: “Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, một sự phát triển đáng mừng. Trên quê hương Lộc Sơn, sự phát triển cũng hiện rõ và đây là điều người dân mong ước bấy lâu nay”.

Thị trấn Lộc Sơn, huyện Phú Lộc được thành lập từ ngày 1/1/2025 trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Lộc Sơn trước đây, có diện tích tự nhiên gần 19km2; quy mô dân số gần 9.600 người. Sau khi thành lập, 4 thôn của xã đã được chuyển thành TDP trên cơ sở nguyên trạng và giữ nguyên tên của các thôn thành tên các TDP, gồm TDP La Sơn, An Sơn, Xuân Sơn và Vinh Sơn.

Ông Đỗ Ngọc Lành, Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Sơn cho biết, Lộc Sơn được thành phố Huế, huyện xác định là trung tâm tiểu vùng khu vực phía bắc, huyện Phú Lộc; trung tâm công nghiệp - dịch vụ có tầm quan trọng, thu hút nguồn nhân lực phía nam của tỉnh và vùng phụ cận; có đầu mối giao thông kết nối với cao tốc Cam Lộ - Túy Loan; là trung tâm giao thương hàng hóa vùng liên huyện Phú Lộc và các vùng phụ cận.

Nhận thức đúng vị trí, tiềm năng, thế mạnh đó, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đề ra nhiều giải pháp trong phát triển kinh tế, xã hội với trọng tâm là hướng đến xây dựng đô thị văn minh. Xã Lộc Sơn (nay là thị trấn) đã tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân đẩy mạnh phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là lĩnh vực chế biến gỗ, mộc mỹ nghệ, các ngành nghề có truyền thống tại địa phương, các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ và thương mại, chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp; qua đó nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống Nhân dân.

Niềm vui và sự phát triển của thị trấn Lộc Sơn hôm nay thể hiện sự quan tâm của các cấp, ngành, sự nỗ lực của địa phương trong việc tập trung khai thác các nguồn lực, các nguồn hỗ trợ ngân sách cấp trên để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng ngày càng hiện đại. Nâng cấp các tuyến đường, hệ thống chiếu sáng, đầu tư các công trình, thiết chế văn hóa cơ sở như nhà văn hóa thôn, các công trình bãi tập thể dục, thể thao để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của Nhân dân, tạo ra diện mạo mới cho bộ mặt đô thị trung tâm phía bắc của huyện, góp phần xây dựng Lộc Sơn phát triển năng động theo hướng đô thị văn minh.

Tập trung phát triển

Theo Quy hoạch chung đô thị mới La Sơn đã được UBND tỉnh (nay là UBND TP. Huế) phê duyệt tại Quyết định số 2705/QĐ-UBND ngày 12/12/2013, xã Lộc Sơn sau khi thành lập thị trấn được quy hoạch là trung tâm tiểu vùng phía bắc huyện Phú Lộc.

Định hướng của thị trấn sau thành lập là sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ưu tiên phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ; phấn đấu năm 2025, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt 85% đến 90% trở lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%. Đảm bảo hoàn thành thu ngân sách theo chỉ tiêu huyện giao, phấn đấu vượt từ 10 - 12% trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,66%. Duy trì tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng đạt 100% và tỷ lệ đường khu nhà ở, ngõ xóm được chiếu sáng đạt 90%.

Giai đoạn sau năm 2025, sẽ tập trung phát huy các tiêu chí đã đạt chuẩn của đô thị loại V dần tiếp cận tiêu chí đô thị loại IV, tạo sức hút các thành phần kinh tế đến đầu tư và phát triển đô thị; lan tỏa tốc độ đô thị hóa sang các địa phương lân cận, góp phần đưa huyện Phú Lộc đạt tiêu chuẩn đô thị và thành lập thị xã.

Lãnh đạo UBND thị trấn Lộc Sơn thông tin: Địa phương sẽ tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các chương trình dự án của cấp trên và khai thác các nguồn lực của địa phương, nguồn lực của Nhân dân đóng góp để tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị như điện, điện chiếu sáng, đường giao thông, các thiết chế văn hóa, vui chơi giải trí, hạ tầng thoát nước, môi trường… Khai thác và phát huy có hiệu quả hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thị trấn sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế, tiếp tục tập trung phát triển mạnh các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống của địa phương và các ngành nghề kinh doanh dịch vụ thương mại, từ đó đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao thu nhập, đời sống Nhân dân. Tiếp tục chỉ đạo tốt công tác giảm nghèo theo hướng bền vững, chăm lo thực hiện tốt các chính sách xã hội và an sinh xã hội; đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/niem-vui-moi-tren-dat-loc-son-149756.html