Niềm vui nghệ sĩ trẻ
Tài năng, đam mê, khổ luyện và khát vọng tỏa sáng, những nghệ sĩ trẻ xứ Thanh đã mang đến cho khán giả nhiều xúc cảm thăng hoa cùng nghệ thuật. Từ đó, không chỉ mang về cho bản thân 'thành tích vàng' mà còn cả niềm hy vọng về một thế hệ nghệ sĩ trẻ nhiều triển vọng.
Dù mới 23 tuổi nhưng nghệ sĩ Trịnh Tuyết Anh (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa) nhiều năm qua đã là gương mặt quen thuộc với công chúng yêu nghệ thuật chèo, người ta còn gọi cô bằng “biệt danh” thương mến - “cô Mầu” của làng chèo xứ Thanh.
Thị Mầu vốn là nhân vật kinh điển trong nghệ thuật chèo, gắn liền với tên tuổi của nhiều thế hệ nữ nghệ sĩ lừng danh trong làng chèo cả nước. Xinh đẹp, có giọng hát hay thôi chưa đủ, phải làm thế nào để diễn cho ra cái “chất” Thị Mầu. Và cái “chất” ấy đã được diễn viên Tuyết Anh khẳng định trong Cuộc thi Tài năng diễn viên chèo toàn quốc - 2023. Vai diễn Thị Mầu đã mang về cho Tuyết Anh giải nhất.
Đó là thành công nhưng cũng là thử thách với diễn viên trẻ Tuyết Anh - phải làm thế nào để thoát được cái “bóng” Thị Mầu, bởi con đường nghệ thuật của một nghệ sĩ đâu chỉ dừng ở một vai diễn. Tuy nhiên, không để khán giả phải chờ đợi lâu, năm 2024 Tuyết Anh hóa thân thành công vào vai cô bé Hoa trong vở diễn “Nước mắt tuổi thơ” tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất. Với vai diễn này, Tuyết Anh một lần nữa xuất sắc giành Huy chương Vàng (HCV).
Chia sẻ về vai cô bé Hoa trong vở “Nước mắt tuổi thơ”, diễn viên Tuyết Anh cho biết: “Hoa là cô bé có số phận bất hạnh, tuổi thơ cơ cực. Đây là vai diễn nội tâm, cần chiều sâu để có thể lột tả hết nỗi bất hạnh của nhân vật. Tôi không nhớ đã bao nhiêu lần phải tự mình diễn trước gương, cứ mỗi lần nhập vai là một lần nước mắt nhân vật rơi xuống... Cũng nhờ sự khổ luyện đó mà đã có một nhân vật Hoa thành công, được khán giả nhớ đến”.
Trẻ trung, xinh đẹp và tài năng là cảm nhận chung của nhiều người về Tuyết Anh. Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, diễn viên trẻ Tuyết Anh thừa hưởng “gen” nghệ thuật của bố mẹ. 15 tuổi, Tuyết Anh bén duyên với nghệ thuật khi thi đỗ vào Khoa Kịch hát dân tộc - chuyên ngành diễn viên chèo (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội).
Ra trường, Tuyết Anh về công tác tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa. Bằng tài năng, nỗ lực và khổ luyện, cô diễn viên trẻ đã từng bước khẳng định mình. Nếu như, năm 2020 - 19 tuổi, Tuyết Anh tham gia Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc và là diễn viên trẻ nhất với nhiều bỡ ngỡ và cả non nớt. Nhưng rất nhanh sau đó, qua từng năm, “cô Mầu” của làng chèo xứ Thanh đã từng bước khẳng định tài năng của mình trên con đường nghệ thuật truyền thống.
Tuyết Anh tâm tình: “Đi trên con đường nghệ thuật tôi mới hiểu hết, với người nghệ sĩ thì tài năng thôi là chưa đủ, dù rằng nếu không có tài năng thì không thể làm nghệ thuật. Sau tài năng, là đam mê, khổ luyện và khát vọng cống hiến, khát vọng tỏa sáng. Tôi tin rằng, khi người nghệ sĩ dám sống, dám cống hiến hết mình cho nghệ thuật thì nghề sẽ không phụ người có tâm. Đến với chèo, tôi được sống, được cống hiến và thấy hạnh phúc với nghề”.
Câu chuyện về sự đam mê với nghề của nghệ sĩ trẻ Tuyết Anh vẫn được nhiều nghệ sĩ trong nhà hát kể lại. Năm 2024, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất với vở diễn “Nước mắt tuổi thơ”. Trong buổi “chạy” sân khấu trước đêm thi, một tai nạn xảy ra khiến Tuyết Anh (vào vai cô bé Hoa) bị chấn thương tay phải vào bệnh viện cấp cứu. Tình thế ấy không chỉ khiến Tuyết Anh lo lắng mà ngay cả lãnh đạo nhà hát cũng bối rối. Sau đó, một quyết định được đưa ra, Tuyết Anh quyết định nhờ bác sĩ tiêm thuốc giảm đau để cô có thể tiếp tục hoàn thành vai diễn. Sự đau đớn thể xác không thể quật ngã đam mê của “cô Mầu” xứ Thanh.
Nếu như Tuyết Anh là “cô Mầu” của làng chèo thì nghệ sĩ Ngọc Khuê cũng là gương mặt sáng của làng múa xứ Thanh. Sinh năm 1992 ở xã miền núi Thành Mỹ (Thạch Thành), Ngọc Khuê sở hữu gương mặt sáng và vóc dáng cân đối. 15 tuổi, Ngọc Khuê tham gia thi tuyển diễn viên múa của Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn. Sau khi thi đỗ, Ngọc Khuê đi học tại Học viện Múa Việt Nam. Ra trường, cô trở về công tác tại Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn.
“Khi đến với múa rồi mới thấu hết sự cực nhọc của bộ môn nghệ thuật này. Với múa, nếu không khổ luyện và cả chịu đau đớn sẽ khó có thể theo được nghề” - nghệ sĩ múa Ngọc Khuê chia sẻ. Những năm qua, với nhiều nỗ lực, Ngọc Khuê là một trong những diễn viên múa được “chọn mặt” đảm nhận các tiết mục trong chương trình nghệ thuật của tỉnh và tham gia các cuộc thi, liên hoan trong toàn quốc.
Năm 2024 được xem là năm nhiều niềm vui với nghệ sĩ Ngọc Khuê. Tiết mục múa “Lời thề trinh nữ” cô biểu diễn tham gia Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc - 2024 đã giành HCV. Cũng trong năm 2024, nghệ sĩ Ngọc Khuê được Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tặng Bằng khen nghệ sĩ múa xuất sắc. Trước đó, năm 2018, Ngọc Khuê cũng đã giành HCB với tiết mục múa “Hồn đất nước” tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc - 2018.
Nghệ sĩ múa Ngọc Khuê cho biết: “Tôi thấy mình có duyên với múa tự sự, hóa thân vào các nhân vật phụ nữ trong lịch sử. Ấn tượng nhất là “hóa thân” vào vai Bà Triệu. Khác với các bộ môn nghệ thuật, “ngôn ngữ” của múa là động tác hình thể. Làm thế nào để qua các động tác múa phải truyền tải được đến người xem về một nữ tướng Triệu Trinh Nương như đang “bước ra” từ trong sử sách. Theo đó, cùng với việc đọc các tài liệu viết về Bà Triệu, tôi còn tìm đến các nghệ sĩ tuồng để có thể hiểu kỹ hơn về nhân vật của mình”.
Tiết mục múa “Lời thề trinh nữ” lấy cảm hứng từ câu nói nổi tiếng “Tôi muốn cưỡi con gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ...” của Bà Triệu năm xưa đã mang về cho nghệ sĩ múa Ngọc Khuê HCV. Sau hơn 15 năm đến với nghệ thuật múa, nghệ sĩ Ngọc Khuê đang ở trong “độ chín” của sự nghiệp, đó là một Ngọc Khuê chín chắn, điềm tĩnh và sâu lắng hơn trong từng động tác.
Nghệ sĩ Nhân dân Vương Hải, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, đánh giá: “Những năm qua, nghệ thuật truyền thống và các loại hình nghệ thuật kén khán giả nói chung gặp không ít khó khăn, thách thức trong câu chuyện tồn tại, phát triển. Tuy nhiên, những gương mặt nghệ sĩ trẻ như Tuyết Anh, Ngọc Khuê với tài năng và những giải thưởng giành được không chỉ mang về niềm vui, tự hào mà còn cả niềm hy vọng phát triển cho sân khấu nghệ thuật tỉnh nhà...”.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/niem-vui-nghe-si-tre-35218.htm