Niềm vui nhân đôi
Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết 'Nước Nga trong trái tim tôi' năm 2020 do Báo Quân đội nhân dân tổ chức ngày 29-12 không chỉ là lễ vinh danh các tác giả đoạt giải mà còn là sợi dây kết nối thầy trò sau gần 30 năm không gặp.
PGS, TS Phạm Quang Long (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) là một trong 3 tác giả đoạt giải ba cuộc thi viết với tác phẩm “Điều còn lại với nước Nga...”. PGS, TS Phạm Quang Long cho biết, ông từng có hơn 4 năm làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Quãng thời gian ấy để lại trong ông rất nhiều kỷ niệm, nhưng sâu sắc nhất vẫn là sự cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân Liên Xô đối với nhân dân Việt Nam. Những năm tháng học tập tại Liên Xô đã tạo nền tảng cho toàn bộ sự nghiệp công tác của ông về sau.
Nhớ lại kỷ niệm lần đi công tác tại Hàn Quốc năm 1995, PGS, TS Phạm Quang Long cho biết, khi đó ông có dịp gặp hai người Nga. Nói chuyện mới biết, hóa ra họ từng học cùng trường đại học ở Leningrad (nay là Saint Petersburg). Sau đó, ông mời họ đến chơi để có thời gian hàn huyên, tâm sự. Cảm xúc trào dâng sau cuộc gặp ấy, ông đã viết nên bài thơ “Nước Nga”, sau đó được đăng trên Báo Quân đội nhân dân: “Nước Nga, đêm nay tôi lại nhớ người/ Từ khoảng cách xa nửa vòng Trái Đất/ Những bà mẹ Nga già như mẹ tôi ở quê nhà/ Những cô gái Nga má hồng như táo chín... Những rừng bạch dương tuyệt vời/ Những đêm trắng Nga huyền diệu/ Những đền đài, cung điện, thiên nhiên Nga, văn hóa Nga/ Nước Nga của tôi ơi!/ Nơi đây tôi đã để lại một khoảng trời thương nhớ/ Nơi đây tôi đã bắt gặp tình yêu đôi lứa/ Nơi đây tôi đã xây bao ước mơ cho cuộc đời mình/ Nước Nga từ trong cay đắng và nước mắt/ Người sẽ trở về trọn vẹn, nước Nga”.
PGS, TS Phạm Quang Long cho biết, ngoài niềm vui nhận giải thưởng, ông còn có một niềm vui khác, đó là gặp lại cô học trò cũ Vũ Thị Hồng Linh, nay là Thượng tá, Phó trưởng phòng Thời sự Phát thanh của Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội. Ngay khi đến trụ sở tòa soạn Báo Quân đội nhân dân để nhận giải, Vũ Thị Hồng Linh bất ngờ gặp lại thầy giáo của mình. “Quả là niềm vui bất ngờ bởi đây là lần đầu tiên kể từ sau lễ tốt nghiệp đại học năm 1993, tôi mới gặp lại thầy. Vui hơn nữa, hai thầy trò cùng đứng lên bục nhận giải của cuộc thi”, Thượng tá Vũ Thị Hồng Linh phấn khởi nói.
Nói về ý tưởng bài viết “Những người bạn sắt son giữ yên giấc ngủ Bác Hồ”, tác phẩm đã mang lại giải ba cho cá nhân chị, Thượng tá Vũ Thị Hồng Linh cho biết: “Năm 2019 là tròn 50 năm ngày Bác Hồ đi xa, cũng đánh dấu 50 năm chúng ta thực hiện nhiệm vụ giữ gìn và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài của Người. Nhân dịp ấy, tôi có dịp tìm hiểu sự giúp đỡ chân tình và quý báu của Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô/Liên bang Nga, mà trực tiếp là đội ngũ chuyên gia đối với nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả này. Đó là một dấu ấn trong quan hệ hai nước”.
Chưa từng đặt chân đến nước Nga nhưng Thượng tá Vũ Thị Hồng Linh cảm nhận được sự gần gũi của người dân xứ sở bạch dương qua những câu chuyện kể của các nhân vật mà chị từng tiếp xúc. Với chị, quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga có gốc rễ bền chặt trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị truyền thống thủy chung, chí nghĩa, chí tình. Đó cũng là nền tảng để quan hệ hai nước tiếp tục phát triển vững mạnh. Cuộc thi viết “Nước Nga trong trái tim tôi” năm 2020 cũng như các hoạt động tuyên truyền báo chí khác chính là góp phần vun đắp mối quan hệ ấy.
“Điều đáng trân quý của cuộc thi chính là khơi gợi tình nghĩa gắn bó, tri ân đối với Liên Xô/ Liên bang Nga. Trong các tác giả, có người từng sinh sống, học tập tại Liên Xô/ Liên bang Nga, lại có người chưa từng đặt chân, chỉ biết tới xứ sở bạch dương qua sách vở, phim ảnh, truyện kể. Nhưng điểm chung giữa họ chính là tình cảm sâu đậm với Liên Xô/ Liên bang Nga”, PGS, TS Phạm Quang Long nhấn mạnh.