Niềm vui nhỏ cho mục tiêu lớn

Năm nay, xuất khẩu của Sóc Trăng lại thắng lớn với tổng giá trị kim ngạch ước khoảng 1,8 tỷ USD, tăng 19,45% so với năm 2023 và vượt đến 20% so với chỉ tiêu nghị quyết. Xuất khẩu gạo đã có sự bứt phá ngoạn mục khi cán đích ở mức 790 triệu USD, tức tăng đến 70,57%. Trong khi đó, xuất khẩu tôm dù vẫn tăng 0,58%, nhưng vẫn chưa đạt mốc tỷ đô la Mỹ như kỳ vọng khi chỉ đạt 910 triệu USD. Tuy nhiên, dẫu sao đây cũng là con số đáng ngợi khen của các doanh nghiệp ngành tôm trong bối cảnh 'tứ bề thọ... khó'.

Lâu lắm rồi xuất khẩu gạo mới lại bám đuổi xuất khẩu tôm một cách sít sao đến như vậy. Còn nếu nhìn rộng ra thì xuất gạo của Sóc Trăng cũng hiếm khi chiếm tỷ trọng cao so với các tỉnh sản xuất lúa gạo lớn trong khu vực, như: Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ... Tuy nhiên, nếu ngược dòng trong vài năm trở lại đây thì con số 790 triệu USD trên cũng không quá bất ngờ, khi tốc độ tăng trưởng hằng năm đều ở mức khá cao. Sự trở lại và tăng trưởng mạnh của xuất khẩu gạo trong năm 2024 thật sự có ý nghĩa, khi con tôm vẫn còn đó không ít khó khăn, thách thức cả nội tại lẫn khách quan. Và cũng chính từ sự trở lại này không những góp phần đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh năm 2024 vượt hơn 20% so với chỉ tiêu nghị quyết mà còn đưa Sóc Trăng vào nhóm các tỉnh có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao trong khu vực.

2 sản phẩm chủ lực gạo và tôm góp công lớn mang về giá trị kim ngạch xuất khẩu 1,8 tỷ USD cho tỉnh Sóc Trăng trong năm 2024. Ảnh: TÍCH CHU

2 sản phẩm chủ lực gạo và tôm góp công lớn mang về giá trị kim ngạch xuất khẩu 1,8 tỷ USD cho tỉnh Sóc Trăng trong năm 2024. Ảnh: TÍCH CHU

Đóng góp vào thành tích của xuất khẩu gạo không thể không kể đến lĩnh vực sản xuất. Trong niên vụ 2023 - 2024, toàn tỉnh xuống giống được 338.047ha lúa, tăng 2,32% so cùng kỳ năm 2023; sản lượng 2,18 triệu tấn, tăng 5,1% so cùng kỳ, trong đó sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm 93,47% và sản lượng lúa đặc sản, thơm các loại chiếm 51%. Không chỉ có sự gia tăng về sản lượng, việc xuất khẩu thuận lợi đã góp phần giữ vững giá lúa trong suốt cả năm luôn trong mức có lợi cho người sản xuất. Gần đây, do tác động từ cung - cầu và thời tiết không mấy thuận lợi, nên giá lúa có giảm so với các tháng đầu năm, nhưng nhìn chung vẫn còn ở mức giúp cho người sản xuất có lợi nhuận khá.

Không nói đâu xa, trong tháng 12/2024 vừa qua, giá lúa bình quân vẫn duy trì quanh mức 6.500 - 9.300 đồng/kg, chỉ có nhóm lúa thường giảm từ 600 - 1.400 đồng/kg và lúa thơm nhẹ giảm 300 đồng/kg, còn lại giống lúa thơm đặc sản như: ST24 và ST25 vẫn ở mức trên 10.000 đồng/kg. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cả người trồng lúa và doanh nghiệp lúa gạo năm nay đều sẽ có một cái Tết vui vẻ, đầm ấm và sung túc. Đây cũng là động lực giúp nhà nông tự tin bước vào niên vụ 2024 - 2025 theo đúng khung lịch thời vụ do ngành chức năng khuyến cáo. Theo đó, diện tích xuống giống niên vụ mới này đến cuối tháng 12/2024 đã được 131.374ha; trong đó: vụ Mùa 10.609ha, vụ Đông - Xuân 120.765ha và đã thu hoạch 15.170ha đầu tiên của niên vụ với sản lượng 94.546 tấn.

Trong niên vụ 2023 - 2024, toàn tỉnh Sóc Trăng xuống giống được 338.047ha lúa, tăng 2,32% so cùng kỳ năm 2023. Ảnh: PHÚC THỊNH

Trong niên vụ 2023 - 2024, toàn tỉnh Sóc Trăng xuống giống được 338.047ha lúa, tăng 2,32% so cùng kỳ năm 2023. Ảnh: PHÚC THỊNH

Như trên đã nói, vụ tôm nước lợ năm 2024 khó nhiều hơn thuận, nên kim ngạch xuất khẩu dù chưa thể cán mốc tỷ đô la như kỳ vọng nhưng đây cũng là một thành tích đáng để biểu dương. Với giá trị 910 triệu USD, xuất khẩu tôm của Sóc Trăng đóng góp đến 22,75% vào kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước, giúp Sóc Trăng giữ vững vị thế là tỉnh xuất khẩu tôm trọng điểm của cả nước. Không chỉ mang về giá trị kim ngạch xuất khẩu cao, các doanh nghiệp tôm của tỉnh còn chứng tỏ được bản lĩnh, tinh thần vượt khó của mình khi có đến 4 doanh nghiệp được vinh danh Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản xuất sắc năm 2024, trở thành tỉnh có số doanh nghiệp được vinh danh nhiều nhất trong cả nước.

Năm 2024, diện tích thả nuôi tôm nước lợ giảm đến 6,7%, mà nguyên nhân theo ngành nông nghiệp là do tác động từ tình hình thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh phát sinh và nhất là giá tôm thương phẩm giảm thấp kéo dài. Tuy nhiên, nhờ có sự chủ động, linh hoạt trong khung lịch thời vụ, quan trắc môi trường, phòng chống dịch bệnh... nên sản lượng tôm thu hoạch vẫn đạt 204.371 tấn, tăng 1,95%. Tuy nhiên, có điều khác thường là lượng tôm thương phẩm giảm mạnh sớm hơn khoảng 2 tháng so bình thường, khiến giá tôm tăng mạnh. Cụ thể như: tôm thẻ loại 20 con/kg giá 266.000 đồng/kg, loại 60 con/kg giá 157.000 đồng/kg, loại 100 con/kg giá 107.000 đồng/kg... Với mức giá này, theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, mỗi doanh nghiệp chế biến tôm sẽ lỗ khá, thậm chí 2 USD/kg tôm thành phẩm. Tình hình này giá cao, kích thích người nuôi.

Theo ước tính, lúc này tôm thả mùa nghịch có thể đạt trong khoảng 15 - 30% tùy địa phương, so vụ chính. Vụ nghịch đi liền nhiều rủi ro nên người nuôi không dám thả nuôi nhiều, tập trung qua đầu năm mới hoặc an toàn hơn là thả nuôi lúc qua tết Nguyên đán. Bất chợt những cơn mưa trái mùa ập tới, từ ngày 7 - 14/12, ở miền Tây mưa lớn và dai dẳng, thậm chí đêm lẫn ngày, khiến sự cố không nhỏ cho các ao tôm thả dưới tháng tuổi. Chúng ta cũng biết hiện nay chất lượng tôm giống cũng không cao, dễ nhiễm bệnh khi thời tiết thất thường; khó khăn, rủi ro ngành nuôi tôm thêm chồng chất. Tuy đầy thách thức, nhưng với diện tích thả nuôi nêu trên, theo ông Lực, các doanh nghiệp chế biến cũng có cái để cầm cự hoạt động ở quý I/2025; chứ đa phần hàng tồn kho đã cơ bản xử lý trả đơn hàng cuối năm 2024, không còn bao nhiêu nguyên liệu dự trữ.

Cũng chính sự thất thường của giá tôm và vụ nuôi, nên theo dự báo, trong vụ tôm năm 2024 cũng sẽ có sự phân hóa lớn về tính hiệu quả cả trong nghề nuôi lẫn chế biến xuất khẩu. Do đó, theo ông Lực, năm 2024, doanh nghiệp nào có chiến lược bền vững, có sách lược cho từng bước đi phù hợp còn cầm cự, còn có lãi. Doanh nghiệp nào sơ suất sẽ rơi vào tình thế khó khăn ngay, dù là nhỏ hay lớn. Tương tự, đối với người nuôi tôm cũng vậy, cũng sẽ có một bộ phận không ít người nuôi ăn Tết kém vui, nhưng cũng có một bộ phận người nuôi đón Tết sung túc, vui tươi.

Tuy còn đó những điều chưa vui, nhưng nhìn chung, thành tích của con tôm, hạt gạo trong năm 2024 là điều rất đáng để ghi nhận, đáng để vui, nhằm tạo sinh khí, niềm tin làm hành trang cùng nhau bước vào một năm mới với mục tiêu: “Đi cùng nhau để đi nhanh và đi xa hơn”.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/202501/niem-vui-nho-cho-muc-tieu-lon-d9429ff/