Niềm vui từ mái trường vùng sâu

Một ngôi trường vùng sâu với những cô, cậu bé học trò người dân tộc thiểu số, với những điểm trường còn nhiều vất vả nhưng thầy và trò đang mỗi ngày vươn lên, xây dựng một mái trường hạnh phúc.

Cô và trò Trường Tiểu học Tân Thanh 2

Cô và trò Trường Tiểu học Tân Thanh 2

KHÔNG CÒN LÀ NGÔI TRƯỜNG "3 KHỔ"

Cô giáo Nguyễn Thị Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thanh 2, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà kể lại những ngày non trẻ của ngôi trường tiểu học: “Hồi ấy, giáo viên cứ đùa nhau, trường này là ngôi trường "3 khổ", trường khổ, học sinh khổ, thầy cô giáo khổ. Toàn trường chỉ có 4, 5 gian nhà lụp xụp bằng gỗ, mùa mưa ướt cả cô, cả trò. Tân Thanh lúc ấy nghèo lắm, cho trẻ đến trường là cả một sự cố gắng của các gia đình. Cô tới lớp, không thấy học trò có mặt, sau giờ dạy mải miết tới nhà tìm học trò là chuyện tuần nào cũng xảy ra”. Hôm nay, Trường Tiểu học Tân Thanh 2 đã khang trang, rạng rỡ với những khối nhà cao tầng. Dấu ấn còn lại của những ngày "3 khổ" là những cây cổ thụ xanh mát vẫn sừng sững giữa sân trường.

“Năm học 2024 - 2025, Trường Tiểu học Tân Thanh có 738 học sinh, với 25 lớp học và bốn điểm trường. Trường có đầy đủ các phòng chức năng như phòng tin học, phòng tiếng Anh, thư viện... Đội ngũ giáo viên, người lao động nhà trường đều được đào tạo bài bản, được nâng cao chất lượng thường xuyên. Chúng tôi rất tự hào mà nói, chất lượng dạy và học của TrườngTiểu học Tân Thanh 2 càng ngày càng vươn lên”, thầy Nguyễn Văn Ba - Hiệu trưởng nhà trường tự hào. Thầy Nguyễn Văn Ba chia sẻ, xã Tân Thanh vẫn là xã khó khăn của huyện Lâm Hà, nhiều thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Hiện tại, Trường Tiểu học Tân Thanh 2 có 25 lớp học nhưng chia ra bốn điểm trường bao gồm trường chính, điểm trường Kon Pang, điểm trường Suối 1 và điểm trường Sình Môn. Thầy Ba tâm sự, việc chia ra các điểm trường khiến công tác giáo dục, rèn luyện của nhà trường gặp nhiều khó khăn. Các em học sinh cũng như phụ huynh đều mong mỏi trường được xây dựng to đẹp hơn, tập trung tại điểm trường chính để các em có môi trường học tập tốt nhất. Còn hiện tại, đội ngũ quản lý của nhà trường vẫn theo dõi hằng ngày việc giáo dục tại các điểm trường nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục được tuân thủ nghiêm túc theo đúng quy định của ngành.

Địa bàn chiêu sinh của Trường Tiểu học Tân Thanh 2 có 5 thôn gồm: Thanh Hà, Bằng Sơn, Tân Hợp, Thanh Bình và thôn Kon Pang thì trong đó, có tới 4 thôn vùng đồng bào dân tộc ít người đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số của trường lên tới trên 61%. Cũng vì vậy, hoạt động giáo dục của nhà trường có nhiều nét đặc thù. Vào mùa hè, theo đúng quy định của ngành Giáo dục, trường luôn tổ chức các lớp dạy tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp một. “Chúng tôi có đội ngũ nhà giáo dày dặn kinh nghiệm trong việc đưa học sinh làm quen với môi trường giáo dục mới”, thầy Ba thông tin.

LỚP BÁN TRÚ THEO MÙA

Thầy Nguyễn Văn Ba cho biết, lớp bán trú của Trường Tiểu học Tân Thanh 2 cũng là lớp bán trú rất đặc biệt, được thầy cô gọi vui rằng lớp bán trú theo mùa. Bởi vì, vào những ngày bình thường trong năm học, lớp bán trú chỉ có vài chục em ăn trưa, ngủ tại trường, các bạn còn lại sẽ về sinh hoạt cùng gia đình. Buổi chiều, học sinh sẽ tới lớp học tập, sinh hoạt theo đúng quy định học hai buổi ngày của ngành Giáo dục. Nhưng vào các mùa cao điểm, mùa thu hoạch cà phê, lớp bán trú tổ chức ăn trưa cho gần 300 học trò. Lớp bán trú của Trường Tiểu học Tân Thanh 2 được mở lại do yêu cầu của rất nhiều phụ huynh. Vào mùa thu hoạch cà phê, cha mẹ, người lớn trong nhà các em thường tự thu hoạch vườn của gia đình cũng như đi làm thuê suốt ngày, không có thời gian để đưa đón cũng như chăm sóc các em. Vì vậy, phụ huynh đã đề nghị nhà trường tổ chức lại lớp bán trú, cho các em ăn uống và nghỉ ngơi tại trường học từ sáng tới chiều.

“Lo lắng nhất của nhà trường khi tổ chức bán trú là việc đảm bảo bữa ăn của các em đầy đủ dinh dưỡng cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhà bếp, nơi cung cấp thực phẩm đều đạt chuẩn, đảm bảo quy định chặt chẽ của ngành Y tế, việc lưu mẫu được thực hiện chặt chẽ. Thực đơn cho các em được nhà bếp lên hàng tuần, cung cấp cho phụ huynh để cùng giám sát với nhà trường. Vì vậy, bếp ăn bán trú được tổ chức nhiều năm nhưng chưa bao giờ xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, mất vệ sinh an toàn. Sau khi ăn cơm, học sinh được nghỉ trong phòng với hệ thống giường tầng, quạt mát", cô Nguyễn Thị Hiền - nguyên Chủ tịch Công đoàn lâu năm của nhà trường chia sẻ.

Cũng theo cô Hiền, bên cạnh chăm lo cho học trò, nhà trường còn cố gắng chăm sóc đội ngũ giáo viên. Trong khuôn viên của nhà trường có khu nhà ở công vụ dành cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động 3 trường gồm: Trường Mầm non, Trường Tiểu học và Trường Trung học cơ sở xã Tân Thanh. Những giáo viên, người lao động ở xa, có hoàn cảnh khó khăn được công đoàn xét mỗi năm để ở tại nhà công vụ, đảm bảo việc sinh hoạt, đi lại của thầy cô được thuận lợi. Đội ngũ giáo viên của nhà trường cũng thường xuyên được động viên, thúc đẩy các thầy cô tham gia học tập, nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng giáo dục, tâm lý sư phạm. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, dù ở vùng sâu, vùng xa, nhưng chất lượng giáo dục của Trường Tiểu học Tân Thanh 2 ngày càng tiến bộ, đảm bảo học trò đủ năng lực để tiếp tục theo học những cấp cao hơn.

Phát triển từ vài gian nhà gỗ cho tới ngôi trường khang trang, đầy đủ như hôm nay, đội ngũ giáo viên, người lao động của Trường Tiểu học Tân Thanh 2 cũng như nhiều lứa học trò đã trải qua một chặng đường rất dài. Và, trong tương lai, từ môi trường này, những cô bé, cậu bé sẽ tiếp tục vươn lên, theo đuổi mơ ước trên con đường học vấn.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202411/niem-vui-tu-mai-truong-vung-sau-31531a2/