Đổi mới giáo dục và đào tạo: Nâng cao tính tự chủ, sáng tạo của các địa phương

Chương trình hành động về đổi mới giáo dục và đào tạo phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, các cơ sở giáo dục, đào tạo; nâng cao tính tự chủ, sáng tạo của các địa phương.

Một lớp học tại Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Một lớp học tại Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 522/TB-VPCP ngày 14/11/2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo về định hướng giải pháp thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị.

Tại Thông báo trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia kết luận đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nhanh, bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và được xác định rõ trong Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương và Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị.

Đột phá chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phải gắn với các yếu tố về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập với tinh thần phát huy tự lực, tự cường, tự tin, tự chủ, tự hào dân tộc; lấy con người là trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực và là nguồn lực chủ yếu cho sự phát triển; tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, trong đó lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, các cơ sở giáo dục, đào tạo

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, rà soát kỹ, tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Ủy ban Quốc gia và các đại biểu dự họp, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị, trình Chính phủ ban hành trong tháng 11/2024, trong đó lưu ý bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là tại Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương và Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị; bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan, địa phương và tình hình, yêu cầu thực tiễn.

Chương trình hành động phải có nội dung ngắn gọn, rõ ràng để thực hiện, thể hiện rõ tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, dễ đôn đốc, dễ kiểm tra, đánh giá, làm việc nào dứt điểm việc đó; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, các cơ sở giáo dục, đào tạo; tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao tính tự chủ, sáng tạo của các địa phương với tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm."

Nâng cao chất lượng dạy và học, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, việc dạy và học phù hợp lứa tuổi học sinh, truyền cảm hứng cho học sinh, lấy học sinh làm trung tâm, thầy cô giáo là động lực; xây dựng, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy mạnh hình thành, phát triển thiết chế xã hội học tập và học tập suốt đời.

Chú trọng rà soát quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học cơ bản, truyền thống và các ngành, lĩnh vực mới nổi; tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, bảo đảm chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước; từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, đồng thời đào tạo ngoại ngữ khác theo nhu cầu.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, chủ trì phiên họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, chủ trì phiên họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại Thông báo trên, Thủ tướng cũng cho ý kiến đối với các kiến nghị của Ủy ban Quốc gia. Cụ thể, về Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo bám sát chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị tại Kết luận số 91-KL/TW, khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Chiến lược, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chậm nhất trong quý 1/2025 bảo đảm trình tự, thủ tục và chất lượng.

Về thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội theo chức năng, nhiệm vụ rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng, những bất cập, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của những khó khăn vướng mắc, bài học kinh nghiệm, lựa chọn phương án tốt nhất, đề xuất, kiến nghị giải pháp cụ thể, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nâng cao chất lượng nhân lực ngành giáo dục

Về nâng cao chất lượng nhân lực, quản lý viên chức ngành giáo dục, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, đề xuất đối với biên chế ngành giáo dục; nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý biên chế, tiêu chuẩn viên chức, trong đó lưu ý yếu tố tăng quy mô trường, lớp học ở thành phố lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư; xây dựng các trường phổ thông theo mô hình liên cấp, giảm điểm trường lẻ gắn với nâng cao chất lượng, phù hợp tình hình và yêu cầu thực tiễn, điều kiện vùng, miền, địa phương, đất nước.

Về hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, tổng kết đánh giá việc triển khai thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025; hoàn thành trong năm 2025.

 Giáo viên đồng hành cùng học sinh khối 9 ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Giáo viên đồng hành cùng học sinh khối 9 ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Về nguồn lực đầu tư cho giáo dục, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính nghiên cứu, tổng kết các mô hình tốt, cách làm hay, làm cơ sở xây dựng đề án, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó lưu ý lấy nguồn lực Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực xã hội và với tinh thần "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân và doanh nghiệp."

Xây dựng chính sách đột phá để thu hút nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy

Về thu hút chuyên gia nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án, cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu, làm việc ở các cơ sở giáo dục Việt Nam.

Về thiết chế xã hội học tập, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát hoàn thiện thiết chế xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, trong đó lưu ý có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả mọi người bình đẳng trong tiếp cận xã hội học tập và học tập suốt đời./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/doi-moi-giao-duc-va-dao-tao-nang-cao-tinh-tu-chu-sang-tao-cua-cac-dia-phuong-post993317.vnp