Niềm vui từ những công trình mới
Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới đã có hàng nghìn công trình giao thông, kênh mương, nhà văn hóa, trường học, chợ được xây dựng, tạo nên vóc dáng mới cho mỗi làng quê. Nông thôn căng tràn nhựa sống, lòng dân hân hoan với những công trình mới, tạo động lực thi đua xây dựng quê hương…
Đồng chí Nguyễn Huy Hùng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết, những đóng góp của người dân trị giá hàng nghìn tỷ đồng xây dựng các công trình đã làm nên sự đổi thay mạnh mẽ ở mỗi làng quê. Đường về làng, về xã đã được bê tông, hệ thống kênh mương đưa nước đến các xứ đồng, góp phần quan trọng tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp; nhà văn hóa thôn bản gắn với sân thể thao và khuôn viên được xây dựng tạo không gian sinh hoạt cộng đồng, vun đắp tình đoàn kết thôn xóm...
Con đường về xã Trường Sinh (Sơn Dương) dài gần 6 km giờ được bê tông hóa chạy dọc dòng Lô xanh biếc. Hai bên đường rợp màu xanh của lạc, ngô đông và cỏ nuôi trâu bò. Công trình mới đưa vào sử dụng từ nguồn ngân sách Nhà nước đã mở ra tương lai tươi sáng cho người dân vùng quê này. Năm nay, Trường Sinh về đích nông thôn mới, cái khó nhất là tuyến đường đê nay đã hoàn thành rồi thì mọi việc coi như xong xuôi. Bí thư Đảng ủy xã Dương Thị Phương Nhung bày tỏ niềm phấn khởi khi xã được đầu tư nhiều công trình giá trị, lòng dân đồng thuận tham gia đóng góp ngày công làm nên những công trình mới. Chương trình thắp sáng đường quê đã lắp đặt hệ thống đèn điện trải dọc tuyến đường lớn nối với các đường nhánh về các thôn đã hoàn thành. Những người con đi làm ăn xa ở khắp mọi miền đất nước gửi kinh phí ủng hộ thôn, xã thắp sáng những tuyến đường.
Cụ Đặng Khanh ở thôn Phú Thọ 1, xã Trường Sinh năm nay gần 90 tuổi vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Cụ bảo, người làng, người xã vẫn gọi con đường đê là đường cái, bởi nó to, rộng, nối xã với các xã thượng huyện và cả vùng Vĩnh Phúc. Con đường rộng dài là thế nhưng nó cũng làm cho người dân quê ông khốn khổ khi trời mưa đường như ruộng thụt, nắng thì giăng “hỏa mù”. Người làng cụ cũng như bà con làng trên xóm dưới chả bao giờ nghĩ có con đường như hôm nay. Ngồi trên xe máy con cháu đưa đi thăm người thân cứ êm ru, trước đây thì “xóc nổ đom đóm mắt”, đi có một đoạn mà cụ thấy mỏi nhừ cơ thể. Đường thuận thì làm gì cũng êm, xã cụ đã sản xuất được tinh dầu lạc, rồi các sản phẩm thủ công như dao, kéo, cuốc xẻng được sản xuất ra sẽ bán chạy hơn... Tương lai không xa, Trường Sinh sẽ trở thành trung tâm giao thương hàng hóa của khu vực bởi giao thông đã được kết nối, hoàn thiện hơn - cụ Khanh tin như vậy.
Từ nguồn ngân sách Nhà nước và xã hội hóa, tỉnh ta đã đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp ngày càng khang trang tại các địa phương. Từ năm 2010 đến nay đã xây dựng trên 964 công trình trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, có 59/124 xã đạt tiêu chí về trường học. Bước vào năm học mới này, cô và trò trường Mầm non Kim Quan (Yên Sơn) đón nhận niềm vui khôn tả khi trường, lớp được quan tâm đầu tư xây mới và cải tạo. Agribank Việt Nam phối hợp với UBND huyện Yên Sơn triển khai xây dựng trường học có quy mô 2 tầng, 6 phòng học tổng diện tích xây dựng 567 m2; cải tạo 2 nhà lớp học, phòng chức năng và các công trình phụ trợ với tổng kinh phí hơn 5,3 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Agribank Tuyên Quang cho biết, công trình được xây dựng góp phần cùng Kim Quan hoàn thành tiêu chí về giáo dục trong xây dựng nông thôn mới. Đây là tình cảm, trách nhiệm, thể hiện văn hóa doanh nghiệp của Agribank vì cuộc sống cộng đồng, nhất là đối với người dân quê hương cách mạng. Cô giáo Vũ Thị Minh, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi nói, trường được xây dựng khang trang là động lực để đội ngũ giáo viên thi đua dạy tốt, nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho quê hương.
Tỉnh quan tâm xây dựng cơ sở vật chất văn hóa tại các thôn, bản, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đến nay, toàn tỉnh đã cải tạo, nâng cấp, xây mới 1.218 công trình văn hóa, nâng số xã đạt tiêu chí về Cơ sở vật chất văn hóa lên 45/124 xã. Các bản làng vào các buổi chiều rộn ràng tiếng gọi nhau chơi thể thao, tưng bừng lời ca tiếng hát tại nhà văn hóa vào dịp lễ Tết, giao lưu văn nghệ. Chị Lý Thị Dẩu, dân tộc Dao, thôn Khau Cau, xã Phúc Yên (Lâm Bình) bày tỏ niềm phấn khởi khi thôn được xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông rộng rãi. Chị bảo, Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc vừa rồi bà con vui lắm vì người Dao được biểu diễn làn điệu Páo dung, người Tày hát Then, Cọi tại nhà văn hóa, ai cũng phấn khởi vì lần đầu tiên bà con được xem những ca sỹ của thôn biểu diễn văn nghệ. Chiều đến, mọi người rủ nhau đến nhà văn hóa tập bóng chuyền, tập luyện những môn thể thao truyền thống như tung còn, đẩy gậy, kéo co để vui xuân, đón Tết sắp tới. Chị Dẩu tin rằng, Tết này sẽ rất vui vì có nhà văn hóa, đường xá đi lại thuận lợi.
Niềm vui của người dân trên những công trình mới tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 68% số xã (trên 84 xã) đạt chuẩn xã nông thôn mới, trong đó có ít nhất 30% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; không còn xã dưới 10 tiêu chí.