Niềm vui từ những khoản vay tín dụng chính sách
Sau hơn nửa năm triển khai mức vay mới đối với chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ mức 20 triệu lên 50 triệu đồng/gia đình và chương trình cho vay tín dụng chính sách đối với người hoàn thành án phạt tù, nguồn vốn chính sách do hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Đồng Nai triển khai đã góp phần hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững, kéo giảm tình trạng tái phạm tội.

Hệ thống nước sạch được gia đình anh Đinh Xuân Sơn (ngụ xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) vay vốn chính sách để lắp đặt. Ảnh:Sông Thao
Điều này góp phần thể hiện vai trò bao trùm và là kênh vay vốn thuận lợi đối với những trường hợp khó tiếp cận vốn vay thương mại.
Người dân phấn khởi
Tháng 1-2025, gia đình anh Đinh Xuân Sơn (ngụ xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) liên hệ với đơn vị cấp nước để lắp đặt đồng hồ nước máy cho gia đình. Anh Sơn còn thay thế thiết bị nhà vệ sinh đã hư cũ, mua bồn nước mới, lắp đặt đường ống dẫn nước, mua máy lọc nước mini tại nhà…
Theo anh Sơn, mức vay 20 triệu đồng như trước đây sẽ không đủ để làm những việc này, vì vật giá thị trường so với số tiền cho vay đã áp dụng nhiều năm không còn phù hợp. Sau khi có mức vay tín dụng chính sách mới của chương trình này, anh làm hồ sơ và được vay 50 triệu đồng. Với số tiền vay này, gia đình anh hoàn toàn đủ kinh phí để thực hiện công trình nước sạch và công trình vệ sinh theo tiêu chuẩn.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Tấn Nguyên (ngụ xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) cũng được xét cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với mức vay mới vào đầu năm 2025.
Hiện hệ thống Ngân hàng CSXH tỉnh đang quản lý 5,7 ngàn tỷ đồng và có đến 127,5 ngàn hộ gia đình đang hưởng lợi từ các chương trình cho vay tín dụng chính sách.
Ông Tấn Nguyên cho hay, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn, Hội Nông dân xã và UBND xã Xuân Phú, ông được Ngân hàng CSXH huyện Xuân Lộc cho vay 50 triệu đồng. Sau khi nhận được tiền, gia đình ông kéo đường nước máy, cải tạo hệ thống nước sinh hoạt và sửa chữa nhà vệ sinh đã xuống cấp lâu nay.
“Sau khi đầu tư sửa chữa, nâng cấp, hiện gia đình tôi có nước máy sử dụng, nhà tắm và nhà vệ sinh cũng gọn gàng, sạch sẽ. Mức vay mới được Nhà nước áp dụng lần này theo tôi là đủ để mỗi gia đình thực hiện 2 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn” - ông Tấn Nguyên chia sẻ.
Riêng với chương trình cho vay vốn chính sách đối với người hoàn thành án phạt tù được áp dụng cho người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù quy định tại Luật Thi hành án hình sự; người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 5 năm. Riêng với cơ sở sản xuất, kinh doanh (bao gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh) muốn vay vốn từ chương trình này phải sử dụng tối thiểu 10% lao động là người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù.
Hơn một năm được triển khai, chương trình đã giúp nhiều cá nhân hoàn lương có được việc làm ổn định. Trong số này có bà L.D.P. (ngụ huyện Định Quán) được hỗ trợ vay 100 triệu đồng để tự tạo việc làm tại nhà. Khi có công việc ổn định sau khi ra tù đã giúp bà cùng gia đình xây dựng lại cuộc sống sau nhiều năm gián đoạn.
Không bỏ sót người cần vay vốn
Năm 2024, toàn tỉnh có hơn 45,2 ngàn lượt gia đình được vay vốn chính sách. Trong số này, chương trình cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù đã giải quyết cho 116 trường hợp vay với số tiền 8,5 tỷ đồng. Riêng chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn có 19,1 ngàn gia đình được vay với tổng số tiền trên 456,8 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo hơn 38 ngàn công trình nước sạch và công trình vệ sinh.
Theo Phó giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sỹ Cường, việc tăng mức cho vay đối với chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là kết quả được người dân hoan nghênh và phù hợp mức chi phí đầu tư hiện nay. Điều này góp phần giúp người vay vốn có đủ kinh phí để thực hiện xây dựng, lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt cũng như công trình vệ sinh đạt chuẩn. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Còn chương trình tín dụng chính sách dành cho người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg thể hiện được tính nhân văn, tạo điều kiện để người từng lầm lỡ làm lại cuộc đời thông qua lao động chân chính.
Năm 2025, dự kiến số người cần tiếp cận nguồn vốn chính sách đối với chương trình cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù và chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn bằng với năm 2024. Để đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, hệ thống Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phát huy kết quả tích cực và khắc phục những điểm còn hạn chế. Trong đó có việc rà soát những trường hợp cần và đủ điều kiện vay vốn để không bỏ sót gia đình cần vay vốn chính sách. Thực hiện bố trí vốn ngay từ đầu năm đối với các chương trình cho vay, trong đó có chương trình cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù và chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Hệ thống Ngân hàng CSXH chủ động phối hợp với công an các cấp, chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm và mong muốn tiếp cận vốn chính sách của người chấp hành xong án phạt tù cũng như gia đình họ để có hướng dẫn trình tự, thủ tục nhằm tiếp cận vốn vay...
Ngoài ra, hệ thống Ngân hàng CSXH tỉnh cùng các đơn vị nhận vốn ủy thác, các địa phương sẽ chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân trong hoạt động tín dụng chính sách gắn với tăng nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, kiểm tra và giám sát quá trình cho vay - sử dụng vốn và thu hồi vốn của Nhà nước. Chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách, qua đó thể hiện được mục đích, ý nghĩa của tín dụng CSXH đối với cuộc sống người dân; quyền, nghĩa vụ của người vay vốn. Qua đó, nhằm lan tỏa thông tin về nguồn vốn chính sách trong cộng đồng để người dân biết và tham gia. Đồng thời, khơi dậy trách nhiệm, ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân trong quá trình tiếp cận vốn chính sách để xây dựng đời sống ngày càng tốt đẹp hơn.