Giải phóng mặt bằng đường Vành Đai 1 còn nhiều vướng mắc
Thời gian qua, quận Ba Đình cùng các phường có diện tích liên quan, đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường Vành Đai 1, song còn gặp nhiều vướng mắc trong thực tế, khó bàn giao đúng hạn.
Nhiều vị trí đất tiếp giáp mặt đường Đê La Thành đã được các tổ chức, hộ dân bàn giao để phục vụ Dự án Vành Đai 1, đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục. Tại quận Ba Đình, phường Thành Công đang có tiến độ tốt nhất trong công tác vận động giao đất. Đến thời điểm hiện tại, phía quận đã ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, chi trả 470/470 trường hợp.
Hộ gia đình ông Đinh Văn Năm có 121m2 đất thổ cư cùng nhà ở đang khai thác kinh doanh. Dù gắn bó gần 50 năm trên mảnh đất này, nhưng gia đình ông nhất trí nhận đền bù từ năm 2023. Từ năm 2024, gia đình đã di rời dần để bàn giao đất cho dự án. Ông Năm chia sẻ có băn khoăn thời gian đầu, tuy nhiên sau khi đọc và nghiên cứu chính sách, chủ trương, ông đã đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng. Gia đình ông sẵn sàng bàn giao mặt bằng.
Dự án đường Vành Đai 1, đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục, đoạn qua quận Ba Đình, liên quan tới 1.342 trường hợp đất của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp. Dù chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc quý I/2025, mốc thời gian cam kết bàn giao 100% mặt bằng sạch, nhưng quận Ba Đình và các phường Thành Công, Ngọc Khánh và Kim Mã mới chi trả tiền được cho 739 trường hợp, thu hồi mặt bằng mới đạt 197 phương án. Nhiều người dân vẫn trăn trở với chính sách về thu hồi đất.
Tại khu dân cư khu vực Đầm Bầu, phường Ngọc Khánh được hình thành hơn 30 năm qua. Toàn bộ diện tích được hội đồng giải phóng mặt bằng xác định là đất nông nghiệp. Dù đã áp cơ chế đặc thù được bố trí nhà tái định cư, trong đó, phần 30m2 diện tích không chi phí. Thế nhưng, người dân vẫn chưa đồng thuận giao đất.
Bà Nguyễn Thanh Hà (Ngọc Khánh, Ba Đình) cho biết: "Trước đây, chúng tôi được bảo là giao 40m2 và chờ đợi. Nhưng khi có quyết định, chỉ cho 30m2 thôi. Còn về giãn nợ, trước kia đồng ý cho giãn nợ 10 năm không mất lãi, nhưng giờ lại yêu cầu đóng tiền ngay mới giao nhà".
Theo ông Viên Hải Tuệ, Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh, hiện trên địa bàn phường có khoảng 211 trường hợp như trên. Có trường hợp do quy hoạch treo nên điều kiện ở không tốt, người dân cho thuê. Có người đi thăm con từ 3 đến 6 tháng, nên lúc kiểm đếm vắng mặt. Từ đó, kê khai không được chế độ. UBND phường Ngọc Khánh vẫn đang trong quá trình tháo gỡ các vấn đề này.
Ngoài các vướng mắc nêu trên, nhiều cuộc họp của chính quyền địa phương, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng, đại diện chủ đầu tư đã được tiến hành để tháo gỡ nút thắt về giải phóng mặt bằng. Trong đó có khoảng 100 trường hợp có đơn thư khiếu nại về giá đền bù, diện tích thu hồi chưa đúng chỉ giới đường đỏ dự án đã được cấp quận và thành phố hồi đáp. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là quận Ba Đình còn cần thêm 150 căn hộ bố trí cho tái định cư.
"Khi người dân chưa có nhà tái định cư, họ cũng chưa thể trở về nơi ở mới mà giao mặt bằng. Ủy ban quận cũng đã yêu cầu chủ đầu tư bám sát các cơ quan chuyên môn để các hộ có đủ điều kiện nhận nhà và bàn giao mặt bằng", ông Lê Trí Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình, cho biết.
Quận Ba Đình đã tính toán phương án cưỡng chế với các hộ dân không đồng thuận bàn giao mặt bằng nếu đã áp đủ các điều kiện cơ chế chính sách đền bù, thu hồi đất. Tính cả việc chờ quỹ nhà đủ điều kiện để bàn giao tái định cư và các vấn đề còn vướng mắc, thời gian từ nay tới hết quý I/2025 là không đủ để địa phương bàn giao 100% mặt bằng sạch phục vụ dự án Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục.