Niên vụ điều 2021-2022 và những vấn đề đặt ra - Bài 2

GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU ẢNH HƯỞNG BỞI THỜI TIẾT

BPO - Bình Phước là thủ phủ điều của cả nước với khoảng 180 ngàn ha. Hằng năm, ở một số địa bàn, giai đoạn điều ra bông, đậu trái non thường bị tác động của sương muối và mưa trái mùa. Mùa vụ 2022, hàng loạt cơn mưa lớn diễn ra rộng khắp trên địa bàn tỉnh đã dẫn đến các vựa điều giảm mạnh năng suất. Thực tế đó đặt ra bài toán làm thế nào để giảm thiểu cây điều bị ảnh hưởng bởi thời tiết?

Kinh nghiệm của nhiều nhà nông cho thấy, cây điều phụ thuộc và chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết. Tuy nhiên, vẫn có cách để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất nếu được đầu tư chăm sóc tốt, nhất là đối với cây điều đang trong giai đoạn phát triển mạnh.

Quan tâm đầu tư, chăm sóc vườn điều

Năng suất cây trồng nào cũng liên quan đến các yếu tố như tuổi cây, giống, khả năng đầu tư chăm sóc… Đối với cây điều cũng vậy. Trong thời kỳ điều trổ bông, trái non hình thành và phát triển, nếu gặp mưa hoặc sương muối vườn điều sẽ bị thất thu nặng. Thực tế có nhiều vườn điều không được quan tâm chăm sóc để phó mặc cho tự nhiên, nhất là đối với các hộ khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng nếu được đầu tư chăm sóc tốt thì mức độ thiệt hại sẽ giảm nhiều.

Điển hình như 4 ha điều trên 20 năm tuổi của gia đình ông Đinh Văn Lợi ở thôn 2, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng. Niên vụ điều 2020-2021, hộ ông thu hoạch được hơn 5 tấn. Đầu vụ năm nay, gia đình ông đầu tư hơn 10 triệu đồng/ha chăm sóc và tỉa cành, tạo tán. Dù thời tiết không thuận lợi nhưng mùa vụ này vườn điều của gia đình ông cũng thu được bằng khoảng 2/3 sản lượng so với năm ngoái. Đây là tỷ lệ tương đối cao so với nhiều hộ xung quanh khu vực vườn điều của ông.

Được đầu tư chăm sóc kỹ nên vườn điều của gia đình ông Đinh Văn Lợi ở thôn 2, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng vụ này đỡ thiệt hại hơn so với nhiều vườn khác trong khu vực

Được đầu tư chăm sóc kỹ nên vườn điều của gia đình ông Đinh Văn Lợi ở thôn 2, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng vụ này đỡ thiệt hại hơn so với nhiều vườn khác trong khu vực

“Muốn điều đạt năng suất cao thì phải đầu tư phân bón, thuốc, công chăm sóc… Điều càng già thì mức đầu tư sẽ tốn hơn, chăm sóc kỹ hơn. Tuy vườn điều của gia đình tôi đã già cỗi nhưng nhờ đầu tư chăm sóc tốt nên năng suất năm nay tuy có giảm, nhưng đỡ thiệt hại hơn so với các vườn khác” - ông Lợi cho hay.

Vụ 2021, 12 ha điều của gia đình ông Nguyễn Xuân Vần ở thôn 6, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập cho năng suất bình quân 2,2 tấn/ha. Sau thu hoạch, ông Vần đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, phun thuốc dưỡng bông… với chi phí gần 10 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, vườn điều lại không được tỉa cành, tạo tán, cùng với tác động của thời tiết nên năng suất vụ này ông chỉ thu được 1/2 so với mùa vụ trước. Ông Vần khẳng định: “Nếu tôi dành thời gian cắt tỉa cành, tạo tán thì vườn điều chắc chắn sẽ cho năng suất cao hơn. Ngoài ảnh hưởng của thời tiết không thể tránh né được thì cần phải quan tâm, chăm sóc sao cho cây điều khỏe mạnh, sinh trưởng, kháng bệnh tốt thì sẽ đỡ thiệt hại hơn”.

Nếu được tỉa cành, tạo tán thì vườn điều gia đình ông Vần sẽ cho năng suất cao hơn dù ảnh hưởng của thời tiết

Nếu được tỉa cành, tạo tán thì vườn điều gia đình ông Vần sẽ cho năng suất cao hơn dù ảnh hưởng của thời tiết

Tái cơ cấu vườn điều già, năng suất thấp

Bên cạnh ảnh hưởng của thời tiết và cây điều không được đầu tư chăm sóc tốt thì điều già cỗi cũng là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất. Hiện nay, rất nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh đã và đang chuyển đổi dần diện tích điều già sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn hoặc tái cơ cấu lại vườn bằng giống điều ghép. Gia đình ông Lý Văn Thắng ở thôn 2, xã Long Hà, huyện Phú Riềng có 2,3 ha điều trồng từ những ngày đầu tái lập tỉnh. Vườn điều được gia đình đầu tư chăm sóc tốt, hằng năm luôn đạt năng suất cao. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, cây điều trở nên già cỗi, cộng với thời tiết diễn biến phức tạp nên năng suất cũng ngày một giảm. Vì vậy, mùa mưa năm 2021, ông quyết định chuyển gần 1 ha điều già sang trồng điều ghép.

Điều trồng bằng hạt đạt năng suất cao nhưng nay điều già rồi cộng với thời tiết, sâu bệnh nên năng suất giảm nhiều. Tôi trung thành với cây điều, nhưng phải chuyển đổi dần sang trồng giống điều ghép. Khoảng 3 năm nữa, toàn bộ vườn điều của gia đình tôi sẽ được chuyển đổi hết thành điều non.

Ông Lý Văn Thắng, thôn 2, xã Long Hà, huyện Phú Riềng

Bình Phước được xem là thủ phủ điều của Việt Nam, đồng thời cũng là địa phương duy nhất trong cả nước được công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cây điều. Hiện toàn tỉnh có 280 doanh nghiệp và hơn 400 cơ sở kinh doanh, chế biến hạt điều, trong đó có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Bình Phước cũng đã thành lập hơn 40 tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất điều với hơn 500 hội viên. Các doanh nghiệp điều trong tỉnh đã và đang xây dựng thương hiệu riêng. Trong đó, tập trung nâng cao giá trị gia tăng các chuỗi sản phẩm thông qua chế biến sâu, sản xuất hàng hóa và xây dựng các cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp và người trồng điều thắt chặt quan hệ bền vững hơn. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành điều của tỉnh hướng đến mục tiêu đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD/năm theo Nghị quyết số 11 của Tỉnh ủy Bình Phước về phát triển ngành điều giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Tái canh vườn điều già sang điều ghép đang là bước đi hợp lý để giảm thiểu thiệt hại do thời tiết, cho năng suất cao hơn và tạo sự ổn định cho vùng nguyên liệu điều của tỉnh

Tái canh vườn điều già sang điều ghép đang là bước đi hợp lý để giảm thiểu thiệt hại do thời tiết, cho năng suất cao hơn và tạo sự ổn định cho vùng nguyên liệu điều của tỉnh

Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng vùng nguyên liệu điều ổn định và chất lượng vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, hiện vẫn còn 32% diện tích điều già cỗi có tuổi thọ trên 20 năm và khoảng 50% diện tích có tuổi thọ từ 10-20 năm. Phần lớn diện tích điều già cỗi thuộc các hộ khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số ít được đầu tư chăm sóc. Bên cạnh đó, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp đã dẫn đến năng suất, sản lượng điều của tỉnh giảm dần trong những năm gần đây. Trước những khó khăn đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã có kế hoạch trung và dài hạn xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Đồng thời ứng phó giảm thiểu tác động tiêu cực của thời tiết, từng bước nâng cao năng suất vườn điều cho người nông dân.

Trong những năm tới, việc tái canh vườn điều già đang là vấn đề đặt ra cho ngành nông nghiệp. Hiện nay đang có một số chương trình, dự án thực hiện theo Nghị quyết số 11 của Tỉnh ủy hỗ trợ bà con tái canh vườn điều cũng như áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó, sẽ từng bước tăng năng suất vườn điều và cải thiện đời sống cho người dân.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thị Ánh Tuyết

Từ thực tế cho thấy, để ngành điều Bình Phước phát triển bền vững, xứng tầm với tiềm năng và sản phẩm được vươn ra thị trường thế giới mạnh mẽ hơn, đòi hỏi cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà khoa học và các doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, trụ vững trước mọi tác động.

Văn Đoàn

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/132727/nien-vu-dieu-2021-2022-va-nhung-van-de-dat-ra-bai-2