Niger cho phép Mali và Burkina Faso đưa quân vào lãnh thổ, Algeria cử đặc phái viên trước 'giờ G'

Chính quyền quân sự Niger đã ủy quyền cho các lực lượng vũ trang của Mali và Burkina Faso đưa quân vào lãnh thổ của mình, trong bối cảnh nguy cơ một cuộc can thiệp quân sự từ khối các nước Tây Phi có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) vẫn đang cố gắng đàm phán với nhóm đảo chính, nhưng cảnh báo rằng họ có thể đưa quân vào Niger để khôi phục trật tự hiến pháp bất cứ lúc nào nếu nỗ lực ngoại giao thất bại.

 Lãnh đạo chính quyền quân sự Niger, Tướng Abdourahamane Tiani. Ảnh: AFP

Lãnh đạo chính quyền quân sự Niger, Tướng Abdourahamane Tiani. Ảnh: AFP

Liên minh các chính quyền quân sự

Để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất này, chính quyền quân sự Niger đã chấp thuận cho quân đội 2 nước đồng minh Mali và Burkina Faso đưa quân vào nước này nếu chiến sự xảy ra. Trước đó, hai quốc gia cũng đang do quân đội quản lý này đã tuyên bố họ sẽ ủng hộ nhóm đảo chính Niger về mặt quân sự.

Hôm thứ Năm, các Ngoại trưởng của 3 nước đồng minh này cho biết họ đã gặp nhau tại Thủ đô Niamey của Niger để thảo luận về việc thúc đẩy hợp tác về an ninh và các vấn đề chung khác.

Tuyên bố cho biết các Bộ trưởng hoan nghênh việc lãnh đạo chính quyền quân sự Niger, Tướng Abdourahamane Tiani, đã ký kết hai sắc lệnh "cho phép Lực lượng Quốc phòng và An ninh của Burkina Faso và Mali can thiệp vào lãnh thổ Niger trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công".

Niger là quốc gia thứ tư ở Tây Phi kể từ năm 2020 xảy ra đảo chính, sau Burkina Faso, Guinea và Mali. Chính quyền ở Burkina Faso và Mali vừa một lần nữa nhắc lại rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào nước láng giềng Niger cũng được coi là “tuyên chiến” chống lại đất nước của họ.

Tướng Tiani từng cảnh báo trong một bài phát biểu trên truyền hình vào cuối tuần trước rằng: “Nếu một cuộc tấn công được thực hiện nhằm vào chúng tôi, thì đó sẽ không phải là cuộc dạo chơi trong công viên như một số người vẫn nghĩ”.

Các nước lo lắng nếu chiến sự xảy ra

Nguy cơ xung đột vũ trang ở Niger cũng khiến các nước láng giềng khác lo lắng. Algeria, quốc gia không thuộc ECOWAS, đã cử đặc phái viên đến Niger trong bối cảnh nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang ở nước này đang cận kề. Cụ thể, Bộ Ngoại giao Algeria cho biết họ đã cử Tổng thư ký Bộ Ngoại giao, Lounes Magramane, "đến thăm" Niger vào thứ Năm.

 Bản đồ cho thấy tương quan về địa lý giữa liên minh Niger, Mali, Burkina Faso và Guinea với các thành viên còn lại trong khối ECOWAS, cũng như các hướng tiến quân nếu chiến sự xảy ra. Ảnh đồ họa: JDH

Bản đồ cho thấy tương quan về địa lý giữa liên minh Niger, Mali, Burkina Faso và Guinea với các thành viên còn lại trong khối ECOWAS, cũng như các hướng tiến quân nếu chiến sự xảy ra. Ảnh đồ họa: JDH

Đài phát thanh Sahel của Niger sau đó cho biết ông đã gặp các thành viên của chính quyền quân sự, bao gồm Thủ tướng Ali Mahaman Lamine Zeine, Bộ trưởng Quốc phòng Salifou Mody, Bộ trưởng Ngoại giao Bakary Yaou Sangare và Bộ trưởng Tư pháp Alio Daouda.

Chuyến thăm diễn ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Algeria Ahmed Attaf bắt đầu chuyến công du tới các nước Tây Phi nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng mà Algeria kiên quyết phản đối bất kỳ sự can thiệp quân sự nào.

Algeria, quốc gia có chung đường biên giới đất liền dài 1.000 km ở phía Nam với Niger. Tổng thống Algeria, Abdelmadjid Tebboune, từng nói rằng bất kỳ cuộc can thiệp quân sự nào cũng sẽ là "mối đe dọa trực tiếp" đối với đất nước ông.

ECOWAS đã đe dọa sử dụng vũ lực để phục hồi chức vụ cho Tổng thống dân cử Mohamed Bazoum, người đã bị các thành viên cận vệ của ông lật đổ vào ngày 26 tháng 7. Khối này cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Niger, nhấn mạnh rằng việc can thiệp nào chỉ là biện pháp cuối cùng.

Huy Hoàng (theo France24, AFP, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/niger-cho-phep-mali-va-burkina-faso-dua-quan-vao-lanh-tho-algeria-cu-dac-phai-vien-truoc-gio-g-post261884.html