Niger đóng cửa không phận, ECOWAS gặp khó trong kế hoạch can thiệp quân sự

Chính quyền quân sự tại Niger ngày 6/8 thông báo đóng cửa không phận, đồng thời cảnh báo bất kỳ nỗ lực nào nhằm xâm phạm không phận nước này sẽ gặp phải 'sự đáp trả mạnh mẽ và ngay lập tức'. Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh hôm qua cũng là thời hạn chót mà ECOWAS cảnh báo sẽ sử dụng vũ lực nếu trật tự hiến pháp tại Niger không được khôi phục.

Cùng với thông báo đóng cửa không phận, chính quyền quân sự Nigercho biết, đã có một cuộc triển khai lực lượng trước ở hai quốc gia Trung Phi để chuẩn bị cho cuộc can thiệp, song không nêu chi tiết. Trước đó các chỉ huy quốc phòng của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã nhất trí về một kế hoạch hành động quân sự, bao gồm thời điểm và địa điểm tấn công nếu Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum không được thả tự do và phục chức trước thời hạn chót 6/8.

Các nước châu Âu sơ tán công dân do lo ngại nguy cơ xung đột ở Niger. Ảnh: Reuters

Các nước châu Âu sơ tán công dân do lo ngại nguy cơ xung đột ở Niger. Ảnh: Reuters

Ủy viên phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh của ECOWAS Abdel Fatau Musah nhấn mạnh: “Chúng ta phải đảm bảo rằng các quyết định được đưa ra không chỉ là những lời hoa mỹ mà được chuyển thành những hành động hữu hình trên thực tế. Để đạt được mục tiêu này, tôi kêu gọi mỗi quốc gia thành viên làm việc chăm chỉ để thực hiện các biện pháp đã được thống nhất nhằm tìm ra giải pháp cho tình hình ở Cộng hòa Niger”.

Thượng viện Nigeria, quốc gia hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi đã bác bỏ kế hoạch can thiệp quân sự vào Niger, đồng thời hối thúc Tổng thống Muhammadu Buhari tìm kiếm các lựa chọn khác. Quyết định cuối cùng của ECOWAS sẽ được đưa dựa trên sự đồng thuận của các quốc gia thành viên.

Trên thực tế, bất kỳ sự can thiệp quân sự nào từ bên ngoài vào Nigercũng có thể trở nên phức tạp khi hai quốc gia láng giềng Mali và Burkina Faso đã tuyên bố bất kỳ sự can thiệp quân sự nào nhằm vào chính quyền quân sự mới tại Nigerđều bị coi là “lời tuyên chiến”. Algeria và Cộng hòa Sad - hai nước láng giềng có quân đội mạnh trong khu vực nhưng không thuộc ECOWAS, cũng cho biết phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc sẽ không can thiệp quân sự.

Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Sát Daoud Yaya Brahim nhấn mạnh: “CH Sad sẽ không bao giờ can thiệp quân sự vì nhiều lý do. Chúng tôi luôn khuyến khích đối thoại và sẽ không bao giờ can thiệp quân sự. Chúng tôi muốn sự ổn định trở lại với Niger”.

Những diễn biến căng thẳng tại Niger được dự báo sẽ có tác động lan tỏa ra toàn bộ Sahel - một khu vực rộng lớn phía nam sa mạc Sahara, nơi các nhóm vũ trang có liên hệ với Tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaida và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang tìm cách mở rộng hoạt động. Mỹ, Pháp và các nước châu Âu đã rót hàng trăm triệu đô la hỗ trợ quân sự cho Niger. Pháp hiện triển khai 1.500 binh sĩ ở Niger, trong khi Mỹ là khoảng 1.000 binh sĩ, cùng một căn cứ máy bay không người lái quan trọng ở thành phố Agadez. Niger tuần trước đã hủy bỏ các thỏa thuận hợp tác quân sự với Pháp.

Tình trạng bất bênh tại Niger đang khiến cuộc sống hàng ngày của khoảng 25 triệu người dân tại một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở nên tồi tệ hơn. Giá thực phẩm đang tăng sau khi ECOWAS áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và du lịch sau cuộc đảo chính. Nigeria, nơi cung cấp tới 90% điện năng cho Niger, đã cắt một phần nguồn cung. Các nhóm nhân đạo ở Niger đã cảnh báo về “tác động tàn phá” đối với cuộc sống của hơn 4,4 triệu người đang cần viện trợ.

Thu Hoài/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/niger-dong-cua-khong-phan-ecowas-gap-kho-trong-ke-hoach-can-thiep-quan-su-post1037665.vov