Nigeria ra dự luật bắt buộc cử nhân y khoa phải làm việc trong nước ít nhất 5 năm
Các nghị sĩ Nigeria vừa đưa ra dự luật, trong đó các sinh viên tốt nghiệp y khoa phải bắt buộc làm việc trong nước ít nhất 5 năm nhằm ngăn 'chảy máu chất xám' ra nước ngoài.
Dự luật có thể được đưa ra điều trần công khai tại Hạ viện Nigeria trong vài ngày tới. Tuy nhiên, kế hoạch này đang vấp phải sự phản đối quyết liệt của hiệp hội bác sĩ và các tổ chức xã hội dân sự. Tiến sĩ Innocent Orji, Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Nội trú Nigeria, gọi đây là quy định “kỳ quặc”: “Dự luật nên được thu hồi ngay lập tức. Đó là một sự lãng phí tiền của người nộp thuế”.

Nigeria gần đây được Liên hợp quốc đưa vào “danh sách đỏ” để ngăn cản các quốc gia khác săn lùng lực lượng lao động y tế vốn đã cạn kiệt của họ
Hơn một thập kỷ tiền lương vẫn không thay đổi
Mặc dù vậy, chính phủ đang hy vọng giải quyết vấn đề “chảy máu chất xám” trong ngành y tế và đặt ra một mốc thời gian để thu hồi vốn đầu tư cho hệ thống giáo dục. Nghị sĩ Ganiyu Johnson, người ủng hộ hàng đầu cho dự luật, đã gửi thông điệp tới các sinh viên y khoa và bác sĩ: “Chính phủ đã đầu tư rất nhiều tiền vào việc đào tạo các bác sĩ y khoa. Nếu chính phủ trợ cấp học phí cho bạn, điều ít nhất chúng tôi mong đợi là bạn có thể đóng góp cho xã hội trong vòng 5 năm”.
Trào lưu nhân viên y tế bỏ ra nước ngoài làm việc bắt nguồn từ thực tế là tiền lương của các bác sĩ Nigeria vẫn không thay đổi trong hơn một thập kỷ, mặc dù chính phủ hứa sẽ xem xét lại tiền lương 5 năm một lần. Độ nguy hiểm trong công việc cũng tăng lên. “Đây là những yếu tố khiến các bác sĩ ra đi. Tôi không nghĩ chính phủ hiểu điều này”, Chidiebere Echieh, bác sĩ phẫu thuật tim mạch tại Đại học Calabar, cho biết.
Bác sĩ Echieh tốt nghiệp trường y năm 2007 và mức lương vẫn giậm chân tại chỗ dù đã được đào tạo nâng cao. Với tất cả kinh nghiệm và kỹ năng của một bác sĩ phẫu thuật cấp cao, Echieh được trả số tiền tương đương 1.000 USD/tháng, ít hơn nhiều nếu làm việc ở nước khác. Vào năm 2022, Echieh tới Mỹ để tham gia chương trình sau đại học tại Đại học
Arizona, từ đó thấy rõ sự chênh lệch về công nghệ và học thuật. Đó là một yếu tố khác thúc đẩy các bác sĩ Nigeria ra nước ngoài. “Ở Nigeria thiếu nhiều công nghệ chăm sóc sức khỏe. Đối với nhân viên y tế, để có kinh nghiệm trực tiếp trong sử dụng những công nghệ này, họ phải ra nước ngoài”, bác sĩ Echieh nói.
Đối với sức khỏe cộng đồng, lỗ hổng về công nghệ tương ứng với tỷ lệ tử vong. Tiến sĩ Orji nói: “Thật đau đớn cho một bác sĩ khi nhìn bệnh nhân chết vì không có công nghệ và thiết bị phù hợp để cứu sống họ. Điều này kéo dài sẽ gây ra sự chán nản”.
Được đưa vào “danh sách đỏ”
Chính phủ và các bác sĩ Nigeria đều nhận thấy rằng tình hình đã đến mức khủng hoảng. Mặc dù dân số của Nigeria là 218 triệu người, quốc gia này chỉ có 24.000 bác sĩ được cấp phép. Tổ chức Y tế thế giới gần đây đã đưa Nigeria vào “danh sách đỏ” để ngăn cản các quốc gia khác săn lùng lực lượng lao động y tế vốn đã cạn kiệt của họ. Vương quốc Anh là nhà tuyển dụng lớn nhất các bác sĩ Nigeria, cùng với Canada, Mỹ và Saudi Arabia. Trung tâm Dự án và Nghiên cứu Phát triển, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Nigeria ước tính rằng từ năm 2015 đến 2021, gần 5.000 bác sĩ đã chuyển đến Vương quốc Anh.
Không chỉ hệ thống bệnh viện công, khu vực tư nhân thậm chí còn bị ảnh hưởng hơn nhiều. Ví dụ, vào năm 2020, ông Hameed Adediran đã thành lập Crest, cung cấp dịch vụ chăm sóc tại nhà cho người già và những người có nhu cầu đặc biệt. Nhân viên ở đây được đào tạo chuyên môn nhưng hiếm khi ở lại lâu dài. Theo quan điểm của ông Adediran, công ty đã trở thành điểm dừng chân cho các bác sĩ đang chuẩn bị ra đi. “Thật khó để giữ chân nhân viên lâu dài vì họ đang cố làm việc để tiết kiệm tiền vé máy bay”.
Chima Christian, một nhà phân tích các vấn đề công ở Nigeria lại có cách nhìn khác về tình trạng “chảy máu chất xám”. Ông cho rằng, nước ngoài có nhu cầu thu hút lực lượng lao động lành nghề của Nigeria. “Nhiều đến mức chúng ta có thể xuất khẩu những người này theo đúng nghĩa đen và kiếm thêm ngoại tệ thông qua kiều hối. Ngày nay, con người chính là nguồn tài nguyên mới”, ông nói và nhấn mạnh cần đầu tư nhiều hơn vào các trường đại học để đào tạo lao động chất lượng, không nên hạn chế tham vọng của những người muốn đi làm việc ở nước ngoài.
Thật vậy, trong 3 năm qua, kiều hối đã nổi lên như là nguồn thu nhập từ nước ngoài hàng đầu của Nigeria, loại trừ ngành công nghiệp dầu mỏ. Vào năm 2021, người Nigeria ở nước ngoài đã gửi về nhà 20 tỷ USD, gấp 4 lần tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào quốc gia này.
Theo Guardian