Thị trường hàng hóa: Thị trường nguyên liệu công nghiệp dẫn dắt đà suy yếu

Sở Giao dịch Hàng Hóa Việt Nam (MXV) cho biết thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Thị trường nguyên liệu công nghiệp dẫn dắt đà suy yếu của toàn thị trường khi có tới 6/9 mặt hàng chìm trong sắc đỏ. Trong khi giá năng lượng tiếp tục biến động.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thị trường cà phê diễn biến phân hóa

Khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, thị trường nguyên liệu công nghiệp gây chú ý khi phần lớn các mặt hàng đồng loạt giảm giá. Riêng giá hai mặt hàng cà phê ghi nhận xu hướng phân hóa. Trong khi giá cà phê Robusta ghi nhận mức tăng hơn 1,1% lên mức 3.660 USD/tấn thì giá cà phê Arabica tiếp tục mở động đà suy yếu khi đánh mất hơn 2,7% xuống mức 6.436 USD/tấn.

Theo báo cáo bán niên mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) về thị trường cà phê toàn cầu, sản lượng cà phê của Brazil trong niên vụ 2025 - 2026 dự kiến đạt 65 triệu bao, tăng 300.000 bao so với vụ trước. Mức tăng này chủ yếu đến từ cà phê Robusta, với sản lượng dự báo đạt 24,1 triệu bao, tăng 14,7% nhờ điều kiện mưa thuận lợi tại các bang Espírito Santo và Bahia. Ngược lại, sản lượng cà phê Arabica dự kiến giảm 6,4%, xuống còn 40,9 triệu bao do ảnh hưởng của hạn hán và nhiệt độ cao tại Minas Gerais và São Paulo, tác động tiêu cực đến quá trình ra hoa và đậu quả.

Giá dầu WTI quay đầu tăng

Theo ghi nhận từ MXV, thị trường năng lượng trong phiên hôm qua tiếp tục biến động. Trong đó, lực mua tích cực đối với hai mặt hàng dầu thô. Chốt phiên, giá dầu Brent nhích nhẹ lên mốc 67,11 USD/thùng, tương ứng với mức tăng 0,55%. Tương tự là giá dầu WTI cũng tăng 0,52%, lên 65,45 USD/thùng. Đà tăng này chủ yếu đến từ những kỳ vọng của nhà đầu tư vào nhu cầu năng lượng toàn cầu trong thời gian tới, đặc biệt là tại Trung Quốc.

Theo đó, chỉ số PMI Caixin ngành sản xuất của Trung Quốc do S&P Global công bố đã tăng mạnh lên 50,4 điểm trong tháng 6, vượt ngưỡng 50 điểm và cho thấy hoạt động sản xuất quay trở lại đà mở rộng. Trước đó, chỉ số PMI ngành sản xuất do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 30/6 dù chưa vượt mốc 50 điểm nhưng cả chỉ số PMI phi sản xuất và PMI tổng hợp đều ghi nhận mức tăng trong tháng 6.

Sự khởi sắc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời là quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai toàn cầu, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu năng lượng trong thời gian tới. Theo nhiều nguồn tin, Saudi Arabia sẽ nhiều khả năng nâng giá bán dầu thô cho các nhà máy lọc dầu tại châu Á trong tháng 8 do nhu cầu gia tăng từ các khách hàng này trong hai tháng 8 và 9.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế Mỹ cũng có những tín hiệu khởi sắc trong ngày hôm qua. Chỉ số cơ hội việc làm JOLTS đã tăng trong tháng 5, trong khi chỉ số PMI sản xuất do S&P Global công bố cũng ghi nhận mức tăng trong tháng 6. Tuy nhiên, chỉ số PMI sản xuất do Viện Quản lý cung ứng, dù đã có sự cải thiện so với tháng 5, vẫn ở dưới ngưỡng 50 điểm. Ở chiều ngược lại, giá dầu vẫn tiếp tục chịu áp lực từ khả năng tăng mạnh nguồn cung từ OPEC+ cũng như những lo ngại về bất ổn kinh tế sau ngày 9/7.

Trong một diễn biến khác, giá khí tự nhiên trên sàn NYMEX lại diễn biến trái chiều so với phần lớn các mặt hàng năng lượng khác. Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá hợp đồng khí tự nhiên giảm 1,19%, xuống còn 3,42 USD/MMBtu. Áp lực giảm giá chủ yếu xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ điện tại Mỹ tiếp tục suy yếu. Theo số liệu từ Viện Điện lực Edison, tổng sản lượng điện tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 21/6 đã giảm 3,1%, kéo theo nhu cầu sử dụng khí tự nhiên tại các nhà máy điện giảm theo.

Hà Anh (tổng hợp)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-hang-hoa-thi-truong-nguyen-lieu-cong-nghiep-dan-dat-da-suy-yeu-179285.html