Nike, H&M và hàng loạt thương hiệu bị tẩy chay ở Trung Quốc
Làn sóng tẩy chay các thương hiệu thời trang quốc tế như Nike, Adidas, H&M lan rộng ở Trung Quốc sau khi các hãng này tuyên bố không sử dụng bông sản xuất tại Tân Cương.
Theo South China Morning Post, các thương hiệu thời trang quốc tế như Nike và Adidas đã tuyên bố ngừng sử dụng nguyên liệu bông vải từ Tân Cương để phản đối tình trạng bóc lột lao động trong ngành công nghiệp trồng bông tại khu vực này. Tuy nhiên, động thái này lại vấp phải làn sóng phản đối dữ dội từ người tiêu dùng tại Trung Quốc.
Tờ People’s Daily đã liệt kê một loạt các thương hiệu thời trang nổi tiếng trong sự kiện này, trong đó có hãng thời trang cao cấp Burberry, thương hiệu đồ thể thao Nike, New Balance và Adidas. Trước đó, hãng thời trang bình dân H&M cũng bị người Trung Quốc chỉ trích, tẩy chay vì tuyên bố từ chối nhập sản phẩm bông sản xuất từ Tân Cương trên trang web của mình.
"Chúng tôi không làm việc với bất kỳ nhà máy sản xuất may mặc nào ở khu tự trị Tân Cương, đồng thời cũng không cung cấp các sản phẩm đến từ khu vực này", tuyên bố của hãng H&M cho biết.
Truyền thông tại Trung Quốc đưa tin các sản phẩm của H&M đã bị xóa khỏi tất cả nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như JD, Taobao và Pinduoduo. Tìm kiếm từ khóa H&M trên các nền tảng này cũng không có kết quả.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Trung Quốc sản xuất 22% lượng bông trên thế giới, trong đó khu vực Tân Cương chiếm đến 84%.
Phản ứng dữ dội của cộng đồng nhắm vào H&M và các thương hiệu thời trang quốc tế khác diễn ra ngay sau khi các quốc gia Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh và Canada đồng loạt lên tiếng và áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt để phản đối tình trạng bóc lột người dân tộc thiểu số ở Tân Cương.
Nghi vấn về vấn đề cưỡng bức và bóc lột lao động tại Tân Cương đã nhức nhối trong nhiều năm qua.
Đáp lại các cáo buộc, chính quyền Trung Quốc phủ nhận, khẳng định họ chỉ thành lập ra các trung tâm đào tạo nghề để giúp tộc người thiểu số hòa nhập với cộng đồng và xóa đói giảm nghèo.
Trung Quốc là thị trường thời trang màu mỡ với 1,4 tỷ dân và sức mua lớn. Trước làn sóng tẩy chay dữ dội, một vài ngôi sao nổi tiếng của Trung Quốc đã chấm dứt hợp đồng quảng bá với H&M và Nike. Một số chương trình giải trí nhận tài trợ từ những thương hiệu này cũng hoãn chiếu, tiến hành biên tập lại.