Nike khó rời Việt Nam
Đối mặt với chính sách thuế mới của Tổng thống Donald Trump, Nike muốn dừng hợp tác với các nhà máy châu Á, từng định thay nhân công giá rẻ bằng tự động hóa, song chưa thành công.

Nike phụ thuộc vào hoạt động sản xuất tại các nhà máy châu Á. Ảnh: Matt Martin.
Trong nỗ lực đưa sản xuất trở lại Mỹ, Nike và nhiều hãng giày lớn đã đầu tư mạnh vào tự động hóa. Tuy nhiên, hành trình thay thế lao động châu Á bằng máy móc cho thấy công nghệ vẫn chưa thể vượt qua sự khéo léo của bàn tay con người, theo WSJ.
Nỗ lực rời châu Á
Tổng thống Donald Trump xem thuế quan là công cụ để buộc các công ty Mỹ đưa hoạt động sản xuất trở lại trong nước. Tuy nhiên, chi phí nhân công cao ở Mỹ buộc doanh nghiệp phải tìm cách thay thế lao động thủ công bằng máy móc. Với nhiều ngành, đây không phải nhiệm vụ dễ dàng.
Nỗ lực nhiều năm của Nike nhằm chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam sang Bắc Mỹ phản ánh khó khăn khi các thương hiệu Mỹ muốn rời xa các đối tác gia công giá rẻ ở châu Á.
Đây là những nơi vốn dựa vào đội ngũ công nhân lớn để sản xuất hàng loạt sản phẩm cho người tiêu dùng Mỹ. Từ năm 2015, Nike đã chi hàng triệu USD vào dự án đầy tham vọng nhằm tự động hóa một phần ngành sản xuất giày - lĩnh vực vốn phụ thuộc nặng vào nhân công. Khi đó, chi phí lao động tăng tại Trung Quốc và tiến bộ công nghệ như in 3D mở ra khả năng sản xuất giày với ít công nhân hơn.

Nike nỗ lực chuyển hoạt động sản xuất sang tự động hóa, mong muốn thay thế con người. Ảnh: Nike.
Nike chọn Flex, công ty sản xuất của Mỹ từng hỗ trợ Apple xây dựng nhà máy Mac Pro tại Texas, làm đối tác. Mục tiêu là sản xuất hàng chục triệu đôi giày Nike tại cơ sở công nghệ cao ở Guadalajara (Mexico) vào năm 2023. Dù nhà máy vẫn cần hàng nghìn công nhân, con số này dự kiến thấp hơn nhiều so với các xưởng tại châu Á.
Nếu thành công, mô hình này có thể nhân rộng tại Mỹ. Không chỉ Nike, nhiều hãng khác cũng tìm cách phá bỏ mô hình nhà máy khổng lồ tại châu Á - nơi công nhân giá rẻ và lành nghề khâu vải, dán đế giày thủ công.
“Cảm giác như dây chuyền lắp ráp xe Ford kết hợp với bàn làm việc của thợ đóng giày thời Trung cổ”, Kevin Haley, Phó Chủ tịch phụ trách đổi mới của Under Armour, nhận xét hồi năm 2015.
Ông từng cam kết áp dụng tự động hóa để sản xuất giày tại Baltimore, dự án có tên “Project Glory”. Cùng thời điểm, adidas cũng triển khai các “nhà máy tốc độ” (speedfactory) tại Atlanta (Mỹ) và Ansbach (Đức) - nơi máy móc hiện đại có thể tạo ra giày nhanh chóng, mở ra “kỷ nguyên mới trong sản xuất giày”.
“Nếu muốn rời khỏi Trung Quốc và Việt Nam, họ phải có công nghệ để làm theo cách khác”, Mike Dennison, Chủ tịch Flex khi đó, nói hồi năm 2016. Nike là hãng đầu tư táo bạo nhất. Họ kỳ vọng triển khai dây chuyền tự động quy mô lớn trong chưa đầy 10 năm để tiết kiệm chi phí nhân công và đưa sản phẩm mới đến tay người tiêu dùng nhanh hơn.
Máy móc chưa thể thay thế con người
Tom Fletcher, người giám sát dự án tại Flex, bước vào với sự tự tin sau khi xây dựng nhà máy Mac Pro cho Apple tại Austin, Texas. Flex đã tái cấu trúc dây chuyền và tăng cường tự động hóa nhằm giảm thiểu tối đa sự can thiệp của con người.
Nike và Flex thiết lập các dây chuyền sử dụng máy móc thường thấy trong sản xuất điện tử - hiếm khi xuất hiện trong ngành giày - như máy “pick and place” vốn dùng để gắn linh kiện lên bảng mạch. Các máy này có nhiệm vụ lắp phần trên giày, đan vải, gắn logo và dán đế.
Tuy nhiên, dự án nhanh chóng gặp trục trặc. Robot không xử lý tốt các chất liệu mềm, co giãn - yếu tố đặc trưng của giày thể thao. Chất liệu giày thay đổi theo nhiệt độ và không có 2 phần đế nào giống hệt nhau.
Con người có thể thích ứng linh hoạt, nhưng máy móc thì không. “Bạn đang cố làm điều gì đó cực kỳ chính xác, nhưng chỉ cần nhiệt độ thay đổi chút, chất liệu cũng thay đổi theo”, Fletcher nói.
“Chúng tôi không lường trước được điều đó”. Sản xuất tại nhà máy không bao giờ đạt mức tự động như kỳ vọng. Khi sản lượng tăng, số lượng nhân công tại nhà máy lên tới 5.000 - gấp đôi kế hoạch ban đầu và còn tốn kém hơn cả ở Việt Nam. Nhiều công đoạn, như dán đế vào thân giày, quá tinh tế để robot có thể thay thế. “Nếu dán sai cách, đôi giày sẽ bị vặn, lệch, khiến nó không qua được kiểm định thẩm mỹ”, Fletcher cho biết.
Một vấn đề lớn khác là sự đa dạng trong thiết kế của Nike. Suốt nhiều thập kỷ, các thương hiệu Mỹ cho phép đội ngũ thiết kế sáng tạo tự do và tin tưởng các nhà máy châu Á sẽ biến ý tưởng thành hiện thực. Khác với ôtô hay iPhone, mẫu mã giày thay đổi liên tục. Trong khi đó, sản xuất bằng robot đòi hỏi thiết kế đơn giản, để máy móc có thể lặp lại quy trình hàng triệu lần. Sản xuất điện tử sử dụng chất liệu cứng, tiêu chuẩn hóa - điều mà ngành giày không có.
“Bạn phải hy sinh về thiết kế, chất liệu và mức độ phức tạp của sản phẩm. Nhưng điều đó lại đi ngược mong muốn của người tiêu dùng. Họ muốn sản phẩm đa dạng”, Michael Newton, cựu Giám đốc dự án tại Nike, chia sẻ.
Nhóm Flex từng mất 8 tháng chỉ để tìm cách gắn logo Nike lên giày bằng máy móc, nhưng đến khi xong thì Nike đã chuyển sang dòng sản phẩm mới, khiến phương pháp vừa phát triển trở nên vô dụng. Newton thừa nhận việc sản xuất hàng loạt các mẫu giày đơn giản sẽ dễ dàng hơn, chẳng hạn thân giày đan máy kết hợp đế đúc đơn giản. Nhưng Nike không chấp nhận hạn chế sáng tạo và yêu cầu nhà sản xuất hiện thực hóa mọi ý tưởng.

Nỗ lực phát triển tự động hóa của Nike chưa đạt thành công như mong đợi. Ảnh: Nike.
Tới năm 2017, các nhà đầu tư của Flex bắt đầu lo ngại về chi phí gia tăng. Một số người còn đặt câu hỏi vì sao công ty chuyên làm thiết bị điện tử lại sản xuất giày. Nike và Flex chính thức dừng dự án vào đầu năm 2019. Khi đó, Under Armour cũng không còn nhắc đến “Project Glory” với các nhà đầu tư.
Cùng năm, adidas gặp khó trong việc sản xuất giày phức tạp bằng robot, tuyên bố đóng cửa các nhà máy tại Atlanta và Đức, chuyển công nghệ “speedfactory” về các nhà cung cấp tại châu Á. Cả 3 hãng giày lớn, bao gồm adidas, Nike và Under Armour, đều quay lại các cơ sở sản xuất ban đầu tại Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia, dù đại dịch đã cho thấy rủi ro khi tập trung sản xuất ở một khu vực duy nhất. Đại diện của 3 công ty từ chối bình luận về nỗ lực đưa sản xuất trở lại Mỹ. Nike và Under Armour cho biết họ đang tìm cách ứng phó với thuế quan.
Năm 2025, Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia đang nằm trong tầm ngắm thuế quan của ông Trump. Đầu tháng 4, Mỹ áp mức thuế 46% với Việt Nam và 32% với Indonesia, sau đó giảm còn 10% và cho hoãn trong 90 ngày. Thuế với hàng nhập từ Trung Quốc tăng lên 145%.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick tuyên bố chính quyền muốn đưa các ngành sử dụng nhiều lao động quay lại xứ cờ hoa.
“Sẽ có một đội quân hàng triệu người vặn từng con ốc nhỏ để lắp iPhone”, ông nói trong cuộc phỏng vấn với CBS. Hiện Apple vẫn sản xuất gần như toàn bộ iPhone tại các quốc gia có chi phí thấp như Trung Quốc và Ấn Độ.
Viễn cảnh về thuế quan mới khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu Nike và các hãng khác có nên xem xét lại bài toán tự động hóa và đưa sản xuất về Mỹ. Newton và Fletcher tin rằng điều đó vẫn có thể thực hiện. “Bạn cần có nguồn lực tài chính lớn và rất nhiều kiên nhẫn, vì mọi thứ sẽ không đến nhanh chóng”, Fletcher nói.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nike-kho-roi-viet-nam-post1548149.html