Nike tăng sản xuất ở Indonesia và lời cảnh tỉnh xuất khẩu thoát gia công

Nike đang chuyển dần tỷ trọng sản xuất giày dép sang Indonesia. Đây là một ví dụ cho thấy ngành giày dép Việt Nam cần phải xây dựng thương hiệu riêng, thay vì chỉ gia công cho các thương hiệu lớn. Không chỉ giày dép, mà các ngành như dệt may, đồ gỗ cũng cần hướng tới con đường làm thương hiệu riêng, đảm bảo phát triển thị trường bền vững.

Theo Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm 2023, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, áp lực lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng còn ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm. Trong bối cảnh đó, xuất khẩu hàng hóa - một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam đang gặp khó khăn, nhiều ngành hàng chủ lực sụt giảm đơn hàng.

Bài toán về thương hiệu riêng

Trong 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau. Trong đó, những ngành hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ, có mức sụt giảm nhiều nhất. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt và may mặc giảm 15,3%; giày, dép các loại giảm 15,2%; sản phẩm gỗ giảm 33,1%.

Ngành giày dép Việt Nam cần xây dựng thương hiệu riêng, tránh phụ thuộc vào các đơn hàng gia công.

Ngành giày dép Việt Nam cần xây dựng thương hiệu riêng, tránh phụ thuộc vào các đơn hàng gia công.

Ngược với xu thế “lao dốc” ở nhiều thị trường, xuất khẩu giày dép vào thị trường Canada vẫn tăng trưởng 46,6%. Theo bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada, Canada hiện là top 5 nước tiêu dùng nhiều giày dép nhất trên thế giới, xu thế này sẽ còn tiếp diễn, đảm bảo cho thị trường Canada tăng trưởng ổn định và có khả năng dự báo.

Tuy nhiên, để tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu da giày Việt Nam vào Canada bền vững và để mở rộng thị phần, bà Quỳnh cho rằng, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần sớm chuyển đổi theo hướng xây dựng thương hiệu riêng. Trung Quốc là ví dụ chuyển đổi thành công từ gia công cho các thương hiệu đa quốc gia sang chuyên môn hóa sản xuất các sản phẩm da và da giày giá rẻ, thời trang cho thế giới.

“Phân tích đối thủ cạnh tranh trên thị trường Canada cùng phân khúc như Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh cho thấy Việt Nam khá yếu về chuỗi cung ứng hoàn chỉnh cho ngành”, bà Quỳnh nói.

Theo đó, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Canada khuyến nghị, sản xuất thương hiệu riêng của Việt Nam cần hướng vào phân khúc thu nhập trung bình thấp của giới trẻ, chịu khó thay đổi và sẵn sàng tiêu dùng, vì đây vẫn còn là các thị trường ngách nhiều tiềm năng, có biên độ lợi nhuận cao.

Ngoài ra, cũng có thể tính đến chuyên môn hóa vào các loại giày dép đặc chủng, giày dép bảo hộ, giày đồng phục công nghiệp (giày làm hầm lò, giày phòng cháy, giày làm nghề gỗ…) để có thị trường và thương hiệu riêng uy tín, tránh phụ thuộc vào các đơn hàng gia công và các điều kiện của đối tác vì Việt Nam sẽ sớm không còn ưu thế về giá nhân công (Nike đang chuyển dần tỷ trọng sản xuất sang Indonesia là một ví dụ).

Trong khi đó, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, từ nay đến cuối năm, tình hình có thể có một số thuận lợi như kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi về tăng trưởng và nhu cầu tiêu dùng. Chính phủ và các DN Mỹ tiếp tục tỏ quan tâm và cam kết mạnh mẽ hợp tác kinh doanh với Việt Nam, trong đó các chuỗi bán lẻ lớn đã bắt đầu nối lại đơn hàng với Việt Nam.

Song, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng Chi nhánh Thương vụ, Thương vụ Việt Nam tại Houston khuyến nghị, các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam cần biết sản phẩm trong tương lai phải đáp ứng các tiêu chí gì để đối mặt được khó khăn ở thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, cũng như các thị trường khác.

Nhiều thách thức mới về tiêu chuẩn môi trường

Theo ông Quyền, DN không bán được hàng do sức mua thị trường giảm là đúng nhưng chưa đủ, mà còn là thị trường đưa ra rào cản, quy định mới, trong khi DN Việt còn lúng túng. Đáng lo ngại, hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn bán gián tiếp qua các chuỗi cung ứng, mà chưa xuất trực tiếp được qua các nhà phân phối.

“Ngoài hệ thống phân phối lớn như Walmart, Costco; còn có kênh phân phối nhỏ, chính sách giá tốt. Đây sẽ là con đường rất tốt để hàng Việt tiếp cận với các thị trường ngách, giúp giảm thiểu hàng tồn kho và xây dựng được thương hiệu riêng”, ông Quyền nói.

Trong thời gian tới, Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ (gồm Thương vụ tại DC, Chi nhánh Thương vụ tại San Fracisco, Houston, Văn phòng XTTM tại New York) cho biết, sẽ tiếp tục thâm nhập và mở rộng thị trường, hỗ trợ DN Việt Nam khai thác nhóm thị trường theo khu vực, nơi có đông dân cư người Mỹ gốc Á hoặc người Việt sinh sống, với mức độ tiêu thụ hàng hóa lớn, tạo hệ thống đầu mối phân phối đi các khu vực lân cận.

Theo ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại – Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, các DN da giày hiện đang quan tâm rất nhiều đến CBAM – cân bằng carbon. Đại diện các DN da giày EU cho biết, khâu tạo ra nhiều carbon nhất trong sản xuất da giày là từ điện (sẽ bị áp dụng thuế carbon gián tiếp từ sau năm 2023). Do vậy, các DN da giày EU đang vận động DN sản xuất da giày Việt Nam có cơ chế chuyển đổi năng lượng.

Với dệt may, EU đã đề ra chiến lược cho ngành bằng cách sẽ đưa ra các biện pháp pháp lý mới để tăng tính tuần hoàn trong hàng dệt may, bao gồm các chỉ thị mới liên quan đến độ bền của sản phẩm dệt may và quyền sửa chữa. EU cũng đang xem xét việc giới thiệu EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) trên toàn EU đối với hàng may mặc. Điều này sẽ buộc các công ty phải chịu trách nhiệm về cách sản phẩm của họ được xử lý, tái chế hoặc sửa chữa.

“Khi quy định EPR được thực thi, ngành dệt may Việt Nam sẽ khó xuất khẩu sản phẩm dưới thương hiệu của DN vào EU, vì yêu cầu phải xây dựng chuỗi cửa hàng, thu mua, xử lý sản phẩm. Hiện nay, các DN Việt vẫn làm gia công, còn khâu thiết kế vẫn nằm ở các nước sở hữu thương hiệu”, ông Quân cho biết.

Còn theo Thương vụ Việt Nam tại Đức, do tác động trực tiếp của Quy chế Gỗ của EU (EUTR), các nhà kinh doanh các sản phẩm gỗ nhiệt đới ở Đức ngày càng có xu hướng mua hàng từ các nhà nhập khẩu lớn ở châu Âu hơn là nhập khẩu trực tiếp từ các nước cung cấp. Hay với dệt may, người tiêu dùng Đức ngày càng nhận thức rõ hơn về tính bền vững và các cân nhắc về đạo đức. Nhiều người sẵn sàng trả giá cao hơn cho quần áo làm từ chất liệu thân thiện với môi trường và được sản xuất trong điều kiện lao động công bằng… Điều này cho thấy, các DN xuất khẩu Việt Nam cần nhanh chóng chuyển đổi và thích ứng nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi.

Ông Đỗ Thắng Hải

Thứ trưởng Bộ Công Thương

Công nghiệp chế biến chế tạo đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, dẫn dắt mở rộng sản xuất kinh doanh. Song, hiện nay, ngành dệt may, da giày, đồ gỗ có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm sút nghiêm trọng. Mỹ, EU, Nhật Bản… giảm mua làm ảnh hưởng tới tình hình sản xuất trong nước. Với tình hình này, Bộ Công Thương đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, như: đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN ứng phó với rào cản thương mại ngày càng tăng lên…

Ông Trần Đình Thăng

Giám đốc Công ty TNHH Nhật - Việt (thương hiệu Vento - Hải Phòng)

Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về kim ngạch xuất khẩu giày dép. Cùng với đó, Việt Nam có lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA… Mặc dù vậy, các DN giày dép Việt Nam nên hướng tới xuất khẩu có thương hiệu, thay vì chỉ làm gia công cho Adidas hay Nike dẫn tới phụ thuộc rất lớn vào họ. Tại sao các DN không nghiên cứu thiết kế mẫu mã, kiểu dáng để sản xuất ra những đôi giày mang tên của chính mình. Chúng ta cũng đừng nghĩ rằng hàng mang thương hiệu là phải bán giá đắt đỏ, tại sao không thử bán rẻ đi để thu hút khách hàng. Chúng tôi đề xuất xây dựng website quốc gia về ngành giày dép để hỗ trợ cho ngành về chính sách, quy định hiện hành, quảng bá sản phẩm giày dép “Made in Vietnam” nhằm tìm kiếm khách hàng để tiêu thụ sản phẩm.

Ông Trương Văn Cẩm

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS)

Ngành dệt may đang có những hạn chế nhất định, đó là vẫn sản xuất theo hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian cao, hiệu quả thấp; rất ít DN xuất khẩu bằng thương hiệu riêng… Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi DN vì trong giai đoạn khó khăn chung của thế giới, nếu DN không nắm bắt được cơ hội sẽ là người về sau.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nike-tang-san-xuat-o-indonesia-va-loi-canh-tinh-xuat-khau-thoat-gia-cong-1094285.html