Nikolay Gorshkov – Bậc thầy tình báo Xô Viết

Cái tên Nikolay Gorshkov luôn được dành một vị trí trang trọng trong biên niên sử của cơ quan tình báo Xô Viết.

Ông được đánh giá không chỉ là một điệp viên nổi tiếng lão luyện, mà còn là bậc thầy thành công về công tác tuyển mộ, là người đào tạo ra không ít các thế hệ học trò chuyên hoạt động trên “mặt trận vô hình” đầy khó khăn và thách thức này…

Con đường vào nghề tình báo

Nikolay Gorshkov sinh ngày 3-5-1912 tại làng Voskresenyi, tỉnh Nizegorod, trong một gia đình nông dân nghèo. Ngay từ khi tốt nghiệp trường làng vào năm 1929, chàng thanh niên Gorshkov đã rất tích cực tham gia vào chiến dịch thanh toán nạn mù chữ cho người dân địa phương. Năm 1930, ông vào làm công nhân tại nhà máy sản xuất các thiết bị vô tuyến điện thoại, được bầu làm ủy viên ban chấp hành đoàn tại nhà máy nhờ năng nổ và gương mẫu.

Nhà tình báo Nikolay Gorshkov.

Nhà tình báo Nikolay Gorshkov.

Tháng 3-1932, Gorshkov được cử đi học tại Viện hàng không Kazan, trước khi tốt nghiệp xuất sắc về chuyên ngành kỹ sư cơ khí chế tạo máy bay năm 1938. Ông cũng được bầu làm bí thư ban chấp hành đoàn tại đây ngay từ những năm sinh viên.

Tiếp đó, Gorshkov nhận được quyết định đặc biệt vào học tại Trường đào tạo tình báo của NKVD (tiền thân KGB), nơi chuyên huấn luyện các cán bộ cho hoạt động tình báo đối ngoại. Từ mùa xuân năm 1939, ông chính thức trở thành nhân viên Cục 5 của Cơ quan tình báo đối ngoại trực thuộc NKVD.

Trong năm này, điệp viên trẻ Gorshkov được điều tới hoạt động tại Italy dưới vỏ bọc ngoại giao. Trong thời gian này, ông đã thành công trong việc tuyển mộ một loạt các nguồn tin có giá trị tham gia hợp tác với tình báo Xôviết.

Tháng 9-1939, Italy chính thức trở thành đồng minh của phát xít Đức trong Đại chiến thế giới thứ hai. Chính vì vậy, những thông tin về chính trị và quân sự được Gorshkov khai thác tại đây càng có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết hơn. Nhưng sau khi Đức tấn công Liên Xô, Italy đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Liên Xô, khiến Gorshkov buộc phải quay trở lại Moscow.

Những năm chiến tranh

Trong những năm của Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Gorshkov làm việc tại trụ sở cơ quan tình báo đối ngoại, chuyên đào tạo các điệp viên mật, sau đó nhờ sự hợp tác giúp đỡ của tình báo Anh, tung vào Đức và những khu vực do quân phát xít chiếm đóng.

Liên quan đến sự kiện này, từ ngày 12-7-1941, các phái đoàn đại diện chính phủ của Liên Xô và Anh đã ký một thỏa thuận về hợp tác trong cuộc chiến chung chống lại Đức phát xít, trong đó có cả việc hỗ trợ lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực. Cũng từ thỏa thuận trên, chính phủ Anh ngay từ cuối tháng 7 đã đề nghị mở rộng hoạt động hợp tác giữa các cơ quan tình báo để chống lại lực lượng mật vụ của Hitler.

Nikolay Gorshkov - ảnh chụp năm 1940 trong thời gian hoạt động tại Roma.

Nikolay Gorshkov - ảnh chụp năm 1940 trong thời gian hoạt động tại Roma.

Sau một quá trình khẩn trương đàm phán hết sức bí mật trong tháng 8-1941 – nội dung ngoài những người trực tiếp tham gia chỉ có Stalin, Molotov và Beria được biết đến – hai bên đã ký được thỏa thuận hợp tác giữa cơ quan tình báo đối ngoại vào ngày 29-9-1941.

Hai bên cam kết hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong việc trao đổi thông tin tình báo về phát xít Đức, các nước chư hầu; tiến hành các hoạt động phá hoại trong hậu phương địch; cũng như tung điệp viên vào những quốc gia đang bị Hitler chiếm đóng.

Đầu năm 1942, các điệp viên-biệt kích đầu tiên của Liên Xô đã được cử tới Anh để chuẩn bị trước khi được tung vào hậu phương quân Đức.

Tại đây, họ được đào tạo bổ sung một số kỹ năng như nhảy dù, định hướng theo các bản đồ của quân Đức. London còn nhận trách nhiệm bảo đảm trang bị cho các điệp viên, cung cấp thực phẩm, các phiếu mua thực phẩm tại Đức… Tính ra trong suốt thời gian kể từ khi ký kết hợp tác cho đến tháng 3-1944, Liên Xô đã cử 36 điệp viên tới Anh, 29 người trong số này đã nhảy dù xuống Đức, Áo, Pháp, Hà Lan, Bỉ và Italy.

“Kim Philby của Pháp”

Năm 1943, Gorshkov được cử tới hoạt động tại Algeria. Chính trong thời gian này, ông đã lập được một chiến công đặc biệt xuất sắc khi lôi kéo được Georges Paques, một quan chức thân cận với tướng De Gaulle, hợp tác với cơ quan tình báo Xôviết. Chính Paques trong suốt 20 năm sau đó đã trở thành một nguồn tin đặc biệt quan trọng, cung cấp cho Moscow những thông tin tuyệt mật về Pháp và NATO.

Cũng cần phải nói thêm về công trạng đặc biệt nhất trong sự nghiệp hoạt động của Gorshkov. Nhân vật Paques đã nói ở trên là một quan chức có trình độ, được đào tạo tại nhiều trường học nổi tiếng. Sau khi liên quân Anh-Mỹ đổ bộ vào Bắc Phi, ông đã tới Algeria, tham gia vào phong trào kháng chiến “Nước Pháp tự do”, trở thành người lãnh đạo ban chính trị trong đài phát thanh của chính phủ lâm thời Pháp do tướng Charles De Gaulle dẫn đầu.

Cũng chính trong thời điểm này, Paques thông qua một số bạn bè đã quen biết với Gorshkov. Mối quan hệ này dần dần trở thành tình bạn bè thân thiết, sau đó thành sự hợp tác giữa những người có cùng tư tưởng. Để hiểu được nguyên nhân quyết định hợp tác của Paques, cần phải nói qua về tình hình chính trị vào thời điểm đó. Sau khi phong trào kháng chiến của tướng De Gaulle chính thức hình thành, chính phủ Anh và Mỹ vẫn giữ quan điểm hai mặt, không thừa nhận ông là người đứng đầu chính phủ lâm thời.

Cho đến tận tháng 11-1942, Mỹ vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với chính quyền bù nhìn tại Pháp. Phải đến tháng 8-1943, London và Washington mới chính thức thừa nhận chính phủ của De Gaulle, nhưng kèm theo đó là cả một loạt các điều kiện nghiêm ngặt. Paques là người hiểu rõ nhất về thái độ này, đồng thời chỉ tin Liên Xô là quốc gia ủng hộ thực sự cho phong trào kháng chiến. Quan điểm này cũng được ông thừa nhận trong cuốn hồi ký xuất bản sau này vào năm 1971.

Sau khi nước Pháp được giải phóng, Paques trở lại Paris vào tháng 10-1944, khôi phục lại liên lạc với chi nhánh tình báo Xôviết tại đây. Sự nghiệp của ông từ thời điểm đó đã thăng tiến rất nhanh. Cuối năm 1949 đã có mặt trong ban thư ký của Thủ tướng Georges Bidault. Sau một loạt các cương vị quan trọng khác trong chính quyền Pháp, đến tháng 10-1962, Paques đã trở thành phó chỉ huy cục báo chí và thông tin của NATO.

Trong suốt thời gian này, ông là người cung cấp cho Moscow một số lượng lớn những thông tin tuyệt mật giá trị nhất của Pháp và NATO – kế hoạch phòng thủ Tây Âu của NATO, quan điểm quốc phòng và các kế hoạch quân sự của các nước phương Tây nhằm chống lại Liên Xô, các bản tin tình báo của NATO…

Về sau George Paques được báo chí Pháp thừa nhận là “nguồn tin lớn nhất của Moscow tại Pháp”, thậm chí được mệnh danh là “Kim Philby của nước Pháp”. Ngày 16-8-1963, do sự khai báo của tên đào tẩu Anatoli Golisyn, Paques mới bị phát hiện, bắt giữ và xét xử vì tội hoạt động gián điệp, khiến cho tình báo Xôviết mất đi một trong những nguồn tin quý giá nhất trong lịch sử của mình.

Trở lại Italy

Sau khi Italy được giải phóng khỏi quân phát xít, Gorshkov vào năm 1944 lại được điều trở lại nước này hoạt động dưới vỏ bọc nhân viên ngoại giao. Ông nhanh chóng tổ chức lại hoạt động của chi nhánh tình báo tại đây, khôi phục lại mối liên lạc với lãnh đạo Đảng cộng sản Italy. Bộ phận tình báo tại đây dưới sự chỉ đạo của Gorshkov tiếp tục đạt được những thành công đáng kể trong tất cả mọi lĩnh vực hoạt động.

Trung tâm đã giao cho chi nhánh tại Roma thu thập thông tin về các kế hoạch chiến lược của Mỹ, Anh và các liên minh do họ đứng đầu nhằm chống lại Liên Xô và các nước trong phe XHCN. Moscow đặc biệt quan tâm đến những tài liệu về các loại vũ khí mới, trước tiên là vũ khí hạt nhân và tên lửa, cũng như các trang thiết bị điện tử được ứng dụng cho quân sự.

Gorshkov đã đích thân tuyển mộ được một loạt nguồn tin, từ đó giúp thu nhận được nhiều thông tin quan trọng về chính trị, khoa học kỹ thuật: cụ thể là những tài liệu về chế tạo máy bay, các mẫu đạn có điều khiển bằng vô tuyến, nguyên liệu dùng cho lò phản ứng hạt nhân...

Điển hình như vào đầu năm 1947, Moscow giao cho chi nhánh tại Roma tập trung tìm hiểu về loại vũ khí kỹ thuật mới của Anh – một loại đạn cao xạ có khả năng rất cao bắn trúng các mục tiêu đang đi động. Nhiệm vụ được đặt ra không chỉ khai thác được thông tin mà nếu có thể cần kiếm được cả mẫu đạn này. Việc giao cho nhóm tình báo tại Italy khai thác thông tin về loại vũ khí mới được chế tạo và triển khai trên lãnh thổ Anh rõ ràng là một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn. Thế nhưng Gorshkov đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ - đến tháng 9-1947 đã gửi về trung tâm các bản vẽ, tài liệu kỹ thuật và cả các mẫu đạn thật.

Máy bay ném bom chiến lược B-29.

Máy bay ném bom chiến lược B-29.

Cũng theo chỉ đạo của cấp trên, mạng lưới tình báo của Gorshkov đã khai thác và gửi về Moscow toàn bộ các bản vẽ chi tiết của loại máy bay ném bom B-29 của Mỹ, giúp cho Liên Xô rút ngắn được thời gian đáng kể chế tạo được loại máy bay ném bom tương tự có thể mang vũ khí hạt nhân. Đánh giá của giới khoa học Xôviết vào thời kỳ đó cũng nhận định, những thông tin quan trọng của nhóm tình báo tại Roma đã đóng góp đáng kể vào việc củng cố tiềm năng kinh tế và quốc phòng của Liên Xô.

Năm 1950, Gorshkov quay trở về Moscow, đảm nhiệm một cương vị quan trọng tại trụ sở cơ quan tình báo đối ngoại, sau đó làm chỉ huy một phòng tại Ủy ban thông tin thuộc Bộ Ngoại giao Liên Xô. Năm 1952, ông trở thành cục phó Cục tình báo bí mật trực thuộc Tổng cục I – Bộ Nội vụ Liên Xô. Tiếp đó lại là những chuyến hoạt động công tác tại nước ngoài. Từ năm 1954, Gorshkov hoạt động tại Thụy Sĩ với vai trò điệp viên của KGB. Trong giai đoạn 1957-1959, ông đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tại Cơ quan đại diện của KGB ở Berlin.

Đào tạo thế hệ trẻ

Năm 1964, Gorshkov chuyển sang làm công tác giảng dạy tại Trường tình báo cao cấp (khi đó thường được biết với mật danh Trường 101), trước khi chính thức đổi tên thành Học viện Cờ đỏ của KGB. Trong giai đoạn 1970-1973, ông lại có thời gian sang công tác tại Cơ quan đại diện của KGB tại Tiệp Khắc. Khi hoàn thành nhiệm vụ, ông lại tiếp tục công tác giảng dạy, đào tạo các lứa điệp viên trẻ tại Học viện Cờ đỏ.

Gorshkov là tác giả của một trong hàng loạt các giáo trình nghiệp vụ, sách chuyên khảo, bài báo và các công trình nghiên cứu khoa học về đề tài tình báo. Dù chính thức về hưu vào năm 1980, nhưng ông vẫn tích cực nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm với các thế hệ trẻ, nhiều năm đảm trách vị trí Chủ tịch Hội cựu chiến binh của Học viện Cờ đỏ.

Nhờ những thành tích xuất sắc của mình, Đại tá tình báo Gorshkov được tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ, 2 Huân chương Sao đỏ cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Tên tuổi của ông còn được trang trọng khắc trên bảng tưởng niệm của Cơ quan tình báo đối ngoại Nga. Điệp viên lỗi lạc của tình báo đối ngoại Xôbiết qua đời vào ngày 1-2-1995.

Hồng Sơn (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/nikolay-gorshkov-bac-thay-tinh-bao-xoviet-572429/