Ninh Bình báo cáo Bộ Tài chính về quản lý tiền công đức

Theo UBND tỉnh Ninh Bình, trong năm 2023, toàn tỉnh có 1.138 di tích thu về hơn 110 tỷ đồng tiền công đức và chi hơn 105 tỷ đồng cho nhiều hoạt động khác nhau.

Ngày 23/5, tin từ UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, tỉnh vừa có báo cáo gửi Bộ Tài chính về kết quả kiểm tra quản lý tiền công đức tại các di tích trên địa bàn.

Chùa Bái Đính là một trong các di tích thực hiện việc kiểm kê tiền công đức tại Ninh Bình trong năm 2023. Nguồn ảnh: Chùa Bái Đính.

Chùa Bái Đính là một trong các di tích thực hiện việc kiểm kê tiền công đức tại Ninh Bình trong năm 2023. Nguồn ảnh: Chùa Bái Đính.

Theo kết quả kiểm tra, Ninh Bình hiện có 1.821 di tích, trong đó, có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 99 di tích quốc gia, 335 di tích cấp tỉnh, còn lại là di tích thuộc danh mục kiểm kê của địa phương.

Năm 2023, toàn tỉnh có 1.138/1.821 di tích phát sinh số thu, chi tiền công đức. Trong đó, số tiền thu về là hơn 110 tỷ đồng, số chi là hơn 105 tỷ đồng.

Đối với 105 tỷ đồng khoản chi, có hơn 13,8 tỉ đồng chi cho việc quản lý; 12,3 tỷ đồng cho chi lễ hội; 62,2 tỷ đồng chi cho tu bổ, tôn tạo di tích; 3,8 tỷ đồng chi cho từ thiện, nhân đạo; 13,6 tỷ đồng chi cho tuyên truyền, quảng bá lễ hội, vệ sinh môi trường, ANTT...

Qua kiểm tra, UBND tỉnh Ninh Bình cho rằng, với các di tích phát sinh tiền công đức, cơ bản đã bố trí bàn ghi tiền công đức và hòm công đức ở nơi phù hợp.

Đối với các di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập hoặc BQL di tích kiêm nhiệm quản lý thì đến định kỳ, đã tổ chức kiểm đếm tiền trong hòm công đức với sự giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, việc kiểm đếm lại chưa có đầy đủ biên bản kiểm kê việc mở hòm và kiểm đếm tiền.

Đối với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo , việc theo dõi, quản lý, giám sát còn nhiều hạn chế. Việc mở sổ theo dõi các khoản thu, chi tiền công đức còn nhỏ lẻ, không thường xuyên. Ngoài ra, hầu hết các cơ sở này còn chưa mở tài khoản ngân hàng, kho bạc để tiếp nhận hoặc theo dõi những khoản thu, chi từ nguồn công đức.

UBND tỉnh Ninh Bình đánh giá, một số di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và di tích thuộc nhà thờ của các dòng họ, số liệu báo cáo tiền công đức chưa đầy đủ, chưa được giám sát chặt chẽ. Cùng với đó, còn nhiều di tích chưa hoặc không báo cáo đầy đủ số thu, chi hằng năm.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Ninh Bình giao UBND cấp huyện định kỳ kiểm tra việc quản lý, sử dụng tiền công đức tại các cơ sở di tích theo quy định. Tỉnh đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về vấn đề quản lý tiền công đức, tiền tài trợ đối với di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo; xem xét có chế tài xử lý các trường hợp không thực hiện đúng quy định trong quản lý tiền công đức.

Đình Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ninh-binh-bao-cao-bo-tai-chinh-ve-quan-ly-tien-cong-duc-10280649.html