Ninh Bình bứt phá từ hợp nhất, vươn tới tương lai: (Kỳ II): Nhận diện thách thức-Kiến tạo hướng đi mới

Việc hợp nhất 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình để hình thành tỉnh Ninh Bình mới không chỉ là một bước đi về tổ chức bộ máy, mà còn là lựa chọn chiến lược nhằm vượt lên những giới hạn cũ. Tỉnh mới mang theo khát vọng lớn, nhưng để khát vọng phát triển nhanh và bền vững trở thành hiện thực, điều tiên quyết là phải nhìn thẳng, đánh giá đúng những rào cản đang tồn tại, cả cũ lẫn mới, để làm rõ xuất phát điểm thực chất cho hành trình bứt phá; từ đó kiến tạo một tầm nhìn phát triển mới, chủ động và bền vững.

Dây chuyền lắp ráp xe máy của Nhà máy Honda Việt Nam - Khu Công nghiệp Đồng Văn 2. Ảnh: Văn Biển

Dây chuyền lắp ráp xe máy của Nhà máy Honda Việt Nam - Khu Công nghiệp Đồng Văn 2. Ảnh: Văn Biển

Nhìn thẳng vào xuất phát điểm

Tỉnh mới, yêu cầu mới trước thời điểm hợp nhất, các địa phương đã tạo được nền tảng đáng kể trong phát triển kinh tế-xã hội. Tăng trưởng GRDP, xây dựng nông thôn mới, thu hút đầu tư và công nghiệp hóa đều đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy không ít thách thức và điểm nghẽn cần thẳng thắn nhận diện.

Theo báo cáo tổng hợp của các địa phương: Trên bình diện kinh tế-xã hội, quy mô GRDP sau sáp nhập vẫn ở mức khiêm tốn nếu so sánh với các trung tâm kinh tế vùng (với GRDP ước đạt 352.165 tỷ đồng năm 2025). Cấu trúc kinh tế của tỉnh mới vẫn dựa nhiều vào các động lực truyền thống, giá trị gia tăng chưa cao, liên kết ngành còn rời rạc, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chất lượng nguồn nhân lực chưa theo kịp yêu cầu phát triển hiện đại. Không gian phát triển vẫn còn chịu ảnh hưởng của quá trình phân mảnh địa giới lâu dài: quy hoạch thiếu tính liên kết, hạ tầng đầu tư dàn trải, khó hình thành cực tăng trưởng quy mô lớn. Dịch vụ logistics, du lịch, tài chính, công nghiệp văn hóa - những lĩnh vực then chốt của một nền kinh tế hiện đại vẫn thiếu sức cạnh tranh. Chuỗi giá trị sản xuất-chế biến-tiêu thụ chưa đủ chiều sâu, thiếu sự kết nối giữa khoa học-công nghệ-thị trường-đào tạo-nhu cầu lao động. Trong khi đó, tổ chức bộ máy và quản trị địa phương chuyển sang mô hình hai cấp trên một địa bàn rộng mở, đòi hỏi phải thiết kế lại toàn diện quy trình điều hành, hành chính và năng lực thực thi công vụ chất lượng cao từ đội ngũ cán bộ, công chức địa phương các cấp.

Ngay tại phiên họp đầu tiên của UBND tỉnh sau hợp nhất, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc đã nhấn mạnh: “Chính quyền địa phương hai cấp bước đầu chứng minh tính hợp lý trong tổ chức và hiệu quả trong thực tiễn. Nhưng đây không phải giai đoạn chuyển tiếp mà là thời điểm bắt đầu một chặng đường mới, với yêu cầu cao hơn, tốc độ nhanh hơn, kết quả rõ hơn”. Theo đó, toàn hệ thống chính quyền các cấp phải khẩn trương ổn định tổ chức, đồng thời chuyển trọng tâm sang điều hành phát triển kinh tế-xã hội một cách quyết liệt, hiệu quả, gắn với mô hình tổ chức mới.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương: Rà soát lại các nhiệm vụ ưu tiên, giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn, tồn đọng; xây dựng kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm dựa trên phân tích dữ liệu thực tế và khai thác tối đa không gian phát triển mới. Cùng với đó là việc đánh giá năng lực vận hành của mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đặc biệt tại cấp xã/phường; chấn chỉnh kỷ luật hành chính, tăng cường cải cách thủ tục, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo điều hành.

Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động mùa lúa chín. Ảnh: Trường Huy

Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động mùa lúa chín. Ảnh: Trường Huy

Chiến lược phát triển và các đột phá then chốt

Sau khi thẳng thắn nhìn nhận những giới hạn và điểm nghẽn, tỉnh xác định bước đi quan trọng nhất là xây dựng một chiến lược phát triển tổng thể, đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn, đủ sức dẫn dắt tương lai. Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy 3 tỉnh ngay trước thời điểm công bố đơn vị hành chính mới, đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Nhiệm vụ chiến lược, quyết định đến khả năng phát huy giá trị cộng hưởng giữa ba vùng và định hình vị thế mới của tỉnh Ninh Bình mới trên bản đồ phát triển quốc gia, là xây dựng lại chiến lược phát triển kinh tế-xã hội tổng thể một cách bài bản, khoa học, mang tầm nhìn dài hạn”.

Cũng tại buổi làm việc này, đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình khẳng định, công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh mới đã được tổ chức nghiêm túc, bài bản, với ba hội nghị góp ý vào dự thảo văn kiện, các hội thảo chuyên đề với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, quy hoạch, văn hóa, lịch sử. Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2025-2030 đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm thể hiện đầy đủ tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới và khát vọng phát triển mạnh mẽ của một chỉnh thể hành chính-kinh tế-xã hội có quy mô lớn, năng lực cao và cấu trúc đa trung tâm.

Dựa trên định hướng từ Trung ương và kết quả tổng kết thực tiễn, tỉnh Ninh Bình mới xác lập mục tiêu chiến lược theo lộ trình cụ thể: Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, động lực tăng tốc bứt phá theo mô hình tăng trưởng mới. Đến năm 2030 trở thành tỉnh có công nghiệp hiện đại, dịch vụ phát triển, nằm trong nhóm 8 tỉnh, thành có trình độ phát triển hàng đầu cả nước. Đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Xác lập vị thế, vai trò một thành phố du lịch quốc tế; một trung tâm công nghiệp công nghệ cao quan trọng của liên vùng và đất nước, trụ cột là cơ khí ô tô, công nghệ thông tin, dệt may, vật liệu xanh, chế biến rau quả; một trung tâm dịch vụ mới nổi của vùng về công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, tổ chức sự kiện, hậu cần sinh thái, y tế chuyên sâu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Hình mẫu kết hợp hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ môi trường và tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Củng cố khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, kinh tế phát triển, xã hội phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, bản sắc văn hóa địa phương được gìn giữ và phát huy.

Theo đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình: “Việc xây dựng tỉnh Ninh Bình mới không chỉ đòi hỏi tầm nhìn xa mà còn cần sự quyết đoán và hành động nhanh chóng. Tỉnh ủy sẽ khẩn trương xây dựng chương trình hành động cụ thể, xác lập rõ và triển khai đồng bộ các đột phá chiến lược”. Theo đó, để hiện thực hóa tầm nhìn, tỉnh triển khai các đột phá chiến lược gồm: Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị phù hợp mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gắn với xây dựng chính quyền điện tử thế hệ mới, đổi mới căn bản công tác đánh giá, lựa chọn, sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Ninh Bình sớm trở thành tỉnh có công nghiệp hiện đại, dịch vụ phát triển gắn với xác lập mô hình tăng trưởng mới, tái cơ cấu nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, ưu tiên phát triển cảng hàng không quốc tế, cảng biển nước sâu khu vực, đường bộ cao tốc, hạ tầng đô thị, hạ tầng xanh.

Trên nền tảng các đột phá chiến lược, tỉnh cũng đang hướng tới triển khai các chương trình trọng tâm gồm: Cải cách hành chính, nâng cao năng lực điều hành và sức cạnh tranh địa phương gắn với xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và chính quyền điện tử thế hệ mới. Phát triển các sản phẩm công nghiệp, du lịch, dịch vụ đặc sắc, chất lượng cao, thương hiệu mạnh. Đầu tư hạ tầng chiến lược như cảng hàng không quốc tế, cảng biển nước sâu, đường cao tốc, hạ tầng số, hạ tầng xanh và đô thị thông minh. Xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, gắn với phát triển nông nghiệp sinh thái đa giá trị, thúc đẩy kinh tế biển. Thúc đẩy đô thị hóa văn minh, hiện đại, định vị các trung tâm chuyên ngành vùng, quốc gia. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế sáng tạo, kinh tế xanh. Nâng cao chất lượng sống, phúc lợi xã hội và phát triển hài hòa giữa đô thị, nông thôn.

Tỉnh sẽ tập trung điều chỉnh và thực hiện quy hoạch, đặc biệt là ưu tiên triển khai các công trình hạ tầng chiến lược: tuyến giao thông kết nối giữa 3 đô thị Hoa Lư-Nam Định-Phủ Lý; tuyến giao thông kết nối Hoa Lư với Cao Bồ; đầu tư mở rộng tuyến đường Cao Bồ-Ninh Cơ; tuyến đường Nho Quan-Kim Sơn kết nối với CT08; đẩy nhanh dự án cảng hàng không quốc tế Ninh Bình; đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, trung tâm logistics, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng bản đồ phát triển thông minh, xác lập rõ chức năng từng vùng, đô thị, cụm ngành. Trong đó, Hoa Lư được xác định là trung tâm chính trị-hành chính, đô thị du lịch, công nghiệp văn hóa và kinh tế di sản. Nam Định giữ vai trò trung tâm công nghiệp, giáo dục và nghiên cứu; Phủ Lý định vị là trung tâm logistics, trung chuyển vùng; Tam Điệp phát triển đô thị sinh thái-công nghiệp sạch.

Tập trung phát triển hệ thống đô thị theo hành lang sông Đáy, dọc các trục động lực kinh tế, kỹ thuật, logistics, kết nối cảng biển nước sâu, cảng hàng không quốc tế với mạng lưới khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Việc tích hợp quy hoạch vùng-tỉnh-ngành được triển khai theo hướng tích hợp, linh hoạt, thúc đẩy liên kết liên tỉnh, liên vùng hiệu quả. Phát triển đô thị theo hướng di sản-xanh-thông minh, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng hệ thống đô thị hiện đại, bản sắc, có khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Từng đô thị sẽ có vai trò, chức năng riêng biệt, được đầu tư có trọng tâm để tạo nên mạng lưới đô thị liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, hình thành cực tăng trưởng mới của vùng và quốc gia.

Tỉnh đặc biệt chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái đa giá trị, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thúc đẩy liên kết nông thôn-đô thị, phát triển kinh tế biển. Nhận thức sâu sắc về kho tàng di sản đặc sắc, khác biệt, từ thời tiền sử đến Kinh đô Hoa Lư, cụm di tích nhà Trần, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc…; chú trọng đầu tư nghiên cứu, hệ thống hóa, ghi danh và phục hồi các giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu, đặc biệt là Kinh thành Hoa Lư, cụm di tích nhà Trần và các di sản tôn giáo, tín ngưỡng dân gian.

Phát triển mạnh dịch vụ chất lượng cao, với trọng tâm là du lịch, công nghiệp văn hóa sáng tạo và công nghiệp giải trí như biểu diễn, điện ảnh, thiết kế, thời trang, công nghiệp văn hóa số, thu hút đầu tư công viên di sản, phim trường, khu giải trí gắn với tái cấu trúc sản phẩm du lịch, từng bước hình thành cụm ngành kinh tế mũi nhọn, tạo giá trị gia tăng cao và bản sắc riêng biệt. Du lịch được tái cơ cấu theo hướng phát triển các sản phẩm chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, kết hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, trải nghiệm di sản, tâm linh, sinh thái, nhằm giảm lệ thuộc vào tính mùa vụ, mở rộng thị trường du khách quốc tế. Trên nền tảng các di sản-danh thắng nổi tiếng như Tràng An, Bái Đính, Tam Cốc-Bích Động, Tam Chúc, Phủ Dầy, Đền Trần, Cúc Phương…, chú trọng tạo đột phá phát triển du lịch biển phù hợp điều kiện đặc thù vùng ven biển.

Cùng với đó, thúc đẩy phát triển nhanh các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, logistics, thương mại điện tử, viễn thông, chuỗi bán lẻ hiện đại. Mục tiêu là thu hút các ngân hàng đặt trụ sở, phát triển trung tâm thương mại, hội chợ, triển lãm, xây dựng khách sạn cao cấp 5-6 sao mang thương hiệu quốc tế, hệ thống logistics đồng bộ, hiện đại, kết nối hiệu quả với cảng hàng không quốc tế và cảng biển nước sâu chuyên dùng tại Khu kinh tế Ninh Cơ.

Tỉnh cũng đặt mục tiêu tái cấu trúc các đơn vị sự nghiệp công theo hướng chuyên nghiệp, tránh chồng chéo chức năng, phân mảnh thị trường, tạo điều kiện tập trung nguồn lực phát triển các dịch vụ đáp ứng yêu cầu vùng, liên vùng. Trọng tâm gồm mở phân hiệu trường đại học, đại học quốc tế; đầu tư bệnh viện chuyên sâu, học viện bóng đá, trung tâm tổ chức sự kiện, thiết chế văn hóa hiện đại. Qua đó, hình thành Ninh Bình mới trở thành trung tâm giáo dục đại học, y tế chuyên sâu, công nghiệp văn hóa, giải trí tầm vùng và liên vùng. Cùng với đó, tập trung phát triển các ngành kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn, dịch vụ chất lượng cao, công nghiệp sạch và công nghiệp hỗ trợ, hướng đến các chuỗi giá trị toàn cầu.

Chính sách thu hút đầu tư được cải cách mạnh, lấy nhà đầu tư làm trung tâm, mở rộng hình thức đầu tư đối tác công-tư (PPP), đặc biệt trong hạ tầng, môi trường, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ. Đồng thời, tỉnh chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, cập nhật chính sách giáo dục, y tế, việc làm, nhà ở; phát triển truyền thông-văn hóa-giáo dục để lan tỏa bản sắc chung, tôn trọng sự đa dạng vùng miền, vun đắp niềm tin và cảm giác “thuộc về” trong tỉnh hợp nhất. Những định hướng chiến lược đã và đang được hình thành với tầm nhìn dài hạn, tư duy đổi mới, lấy người dân làm trung tâm và phát triển bền vững làm trục xuyên suốt. Nhưng để hiện thực hóa chiến lược, thời điểm hiện tại là lúc tỉnh Ninh Bình mới cần một ý chí khát vọng xây dựng quê hương cao độ, một quyết tâm chính trị mạnh mẽ để chuyển toàn bộ hệ thống vào trạng thái hành động, chính xác, linh hoạt, hiệu quả.

(Còn nữa)

Kỳ III: Huy động tổng lực, hiện thực hóa tầm nhìn

Thanh Thúy

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ninh-binh-but-pha-tu-hop-nhat-vuon-toi-tuong-lai-ky-ii-nhan-750415.htm