Ninh Bình cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Ngày 19/8/2020, Ban Kinh tế Trung ương cùng đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Báo cáo của tỉnh Ninh Bình tại buổi làm việc cho biết, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Ninh Bình đã nỗ lực, phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức,đạt được nhiều kết quả quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực; đã thực hiện đạt và vượt 13/15 mục tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, trong đó 12 mục tiêu hoàn thành vượt mức. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 tăng bình quân 8,03%/năm, vượt mục tiêu Đại hội (8%/năm), cao hơn mức chung cả nước (bình quân 6,8%/năm).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng. Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển; nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện và ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững. Hiệu quả quản lý đầu tư được nâng lên; kết cấu hạ tầng từng bước phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ. Công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được quan tâm chỉ đạo toàn diện có trọng tâm, trọng điểm và đạt kết quả tốt; lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được nâng lên.

Tuy nhiên, theo Báo cáo chính trị của Đảng bộ Ninh Bình, nhiệm kỳ 2015-2020 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng; chưa hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô đủ lớn; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, chưa trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp; kết quả xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương chưa thực sự bền vững.

Ngoài ra, công tác quản lý và phát triển kinh tế vùng ven biển còn hạn chế; doanh thu từ du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, du lịch còn hạn chế. Việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh ở cơ sở có nơi chưa nghiêm. Công tác giảm nghèo ở một số địa phương chưa vững chắc.

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc

Với nền tảng phát triển, tiềm năng, lợi thế cũng như những tồn tại, hạn chế bộc lộ trong thời gian vừa qua, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình - đề nghị, để Ninh Bình phát triển trong giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo, phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều diễn biến phức tạp, tỉnh Ninh Bình mong muốn Ban Kinh tế Trung ương cũng như các ban, bộ, ngành Trung ương đóng góp ý kiến cho Ninh Bình hoàn thiện Văn kiện trước khi trình Bộ Chính trị và Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm và cầu thị của tỉnh Ninh Bình trong xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng Ban Kinh tế Trung ương đóng góp thêm ý kiến trên tinh thần trách nhiệm, xây dựng và cởi mở, nhất là về quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và các định hướng để Ninh Bình phát huy tối đa lợi thế cho phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung đề nghị phân tích, đánh giá sâu hơn về những các chỉ tiêu, mục tiêu, đặc biệt là những ưu thế, dư địa để Ninh Bình định hướng phát triển kinh tế - xã hội của mình giai đoạn 2020-2025, đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Các ý kiến phát biểu cũng thống nhất về phương hướng phát triển trong 5 năm tới và những năm tiếp theo, Ninh Bình phải nghiên cứu, đánh giá chính xác những ưu thế cũng như những bất lợi của mình so với các tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là những tỉnh, thành lân cận để định vị được các lĩnh vực, mục tiêu cũng như dư địa để phát triển kinh tế - xã hội.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ninh-binh-can-day-manh-chuyen-dich-co-cau-kinh-te-dap-ung-muc-tieu-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-142437.html