Ninh Bình: Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn

Theo thống kê của UBND tỉnh Ninh Bình, trong 9 tháng đầu năm 2023, việc sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, công ty, nhà máy trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã và đang gặp rất nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang gặp nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, đối với ngành sản xuất lắp ráp ôtô: Sức mua trên thị trường giảm sút, mặc dù thị phần của Hyundai Thành Công vẫn chiếm thứ 2 trên thị trường, nhưng số lượng sản phẩm bán ra giảm nhiều so với năm 2022. Hyundai Thành Công phải cắt giảm sản xuất từ tháng 6/2023, chỉ bố trí bộ phận công nhân sản xuất làm 2 ca, không tăng ca, tăng giờ làm dẫn đến khối lượng xe ôtô lắp ráp 9 tháng qua chỉ đạt 37.651 xe (giảm 8.022 xe so với cùng kỳ năm ngoái).

Đối với ngành sản xuất thép xây dựng: Sản lượng thép của Công ty TNHH Thép Kyoei đạt 181,2 nghìn tấn (giảm 7,5% so với cùng kỳ) do hoạt động của ngành Xây dựng phục hồi chậm nên nhu cầu vật liệu xây dựng không cao.

Đối với lĩnh vực điện tử: Công ty TNHH MCNEX Vina cũng có ít đơn hàng xuất khẩu mới nên phải cắt giảm số lao động liên tục qua các tháng, dự tính đến cuối tháng 9/2023 công ty chỉ duy trì 3.950 lao động (giảm 1.155 người so với năm 2022). Tổng sản phẩm module camera ước tính thực hiện trong 9 tháng qua đạt 167,5 triệu cái (giảm 68,2 triệu cái so với cùng kỳ năm ngoái).

Đối với ngành may mặc, giày dép: Nhu cầu thị trường quốc tế thấp, hoạt động xuất nhập khẩu giảm chủ yếu là khó khăn đối với các doanh nghiệp ngành dệt may, da giầy là những ngành, lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp thực hiện gia công sản phẩm cho đối tác nước ngoài. Trong đó phải kể đến như: Công ty TNHH Great Global International; Công ty TNHH Giày Adora Việt Nam; Công ty TNHH Giày Athena; Công ty TNHH Giày Regis; Công ty TNHH May NienHsing không ký được đơn hàng xuất khẩu mới, thậm chí còn bị hủy các đơn đặt hàng đã ký; nhiều đơn vị phải bố trí làm giãn ca, giãn việc. Ngoài ra, từ tháng 7/2023, Công ty May Đài Loan đã phải dừng hoạt động 6 dây chuyền sản xuất, dừng hợp đồng lao động với hơn 100 người; Công ty YG Vina hiện đang tạm dừng hoạt động trong Khu công nghiệp Gián Khẩu để chuyển địa điểm kinh doanh; Công ty Giày Vonorma KCN Tam Điệp phải dừng hoạt động từ tháng 9/2023 do khách hàng hủy đơn hàng, không thể duy trì sản xuất.

Nhiều nhà máy xi măng phải tạm dừng dây chuyền sản xuất từ đầu năm 2023.

Nhiều nhà máy xi măng phải tạm dừng dây chuyền sản xuất từ đầu năm 2023.

Đối với sản xuất xi măng, clinker và kính nổi: Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xi măng trong nước suy giảm do thị trường bất động sản chững lại; chi phí sản xuất tăng cao nên các đơn vị sản xuất cầm chừng. Chính sách về tăng thuế xuất khẩu clinker lên 10% áp dụng từ ngày 01/01/2023 đã ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, của các doanh nghiệp sản xuất xi măng và clinker, chi phí sản xuất tăng cao nên các đơn vị sản xuất cầm chừng.

Tập đoàn Vissai có 8 dây chuyền trên cả nước hiện đã phải dừng 4 dây chuyền sản xuất (ở các tỉnh khác) một phần vì giá than cám tăng quá cao, giá dầu diesel, giá thạch cao cũng tăng 50% khiến chi phí sản xuất clinke tăng trung bình 327.000 đồng/tấn… Nguyên, nhiên liệu và vật tư phục vụ sản xuất kính nổi liên tục tăng cao từ 15- 40%; thời gian nhập khẩu các loại nguyên liệu kéo dài hơn so với trước đây làm ảnh hưởng rất lớn đến vòng quay vốn của doanh nghiệp, do vậy đã đẩy toàn bộ chi phí sản xuất lên rất nhiều.

Anh Tú

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ninh-binh-doanh-nghiep-san-xuat-kinh-doanh-gap-nhieu-kho-khan-362262.html