Ninh Bình đón cơ hội, vượt thách thức trong chuyển đổi số
Chuyển đổi số được xác định là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan; là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh và bền vững, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng và phát triển đất nước. Nhiều tỉnh, thành phố đang có những cách làm sáng tạo, thiết thực nhằm để đón cơ hội, vượt qua những rào cản để bước vào kỷ nguyên số, quyết tâm thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Thời gian qua, Ninh Bình đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực để thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 218/QÐ-TTg ngày 4/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là trụ cột cốt lõi cho việc thực hiện quy hoạch theo định hướng chiến lược phát triển tỉnh Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng “Ðô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo”. Ninh Bình quyết tâm bứt phá đi lên, trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Ðồng bằng sông Hồng, một trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực Ðông Nam Á, đồng thời nỗ lực đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, các dự án công nghiệp phụ trợ ô-tô, linh kiện điện tử, chế biến nông sản công nghệ cao; những dự án dịch vụ, thương mại gắn liền với du lịch và phục vụ phát triển du lịch, tạo sức hấp dẫn và giữ chân du khách.
Ðoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình
Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về “Xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đến tháng 10/2024, Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành việc triển khai, đưa vào khai thác, sử dụng ổn định, hiệu quả 15 nền tảng số, hệ thống thông tin dùng chung phục vụ xây dựng, phát triển chính quyền số, chuyển đổi số.
Cổng dữ liệu mở của tỉnh tại địa chỉ https://data.ninhbinh.gov.vn đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 10/2023 đã công khai dữ liệu mở cho 11 lĩnh vực; có 49.826 lượt truy cập với hơn 1.500 dữ liệu đã được chia sẻ. Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đưa vào khai thác, sử dụng từ tháng 6/2023 đã cấp được 95.247 tài khoản cho người dân, doanh nghiệp.
Các cơ sở dữ liệu dân cư, đất đai, công chức-viên chức đã được kích hoạt, xác thực với tỷ lệ hơn 90%. Các sở, ngành, địa phương trên địa bàn đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ thúc đẩy chuyển đổi số để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Bà Lê Thị Bích Thục, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích lịch sử-văn hóa Cố đô Hoa Lư cho biết, Trung tâm đã ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong trưng bày, giới thiệu Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư.
Với phong cách trưng bày hiện đại, sử dụng công nghệ trình chiếu 3D, Mapping qua những “câu chuyện kể” sinh động, hấp dẫn, công nghệ thuyết minh tự động bằng mã QR, tự động dịch sang các ngôn ngữ Anh, Hàn, Pháp, đọc âm thanh thuyết minh theo văn bản tại màn hình điện thoại, trưng bày tập trung giới thiệu những tư liệu, hiện vật về lịch sử kinh đô Hoa Lư thời Ðinh-Tiền Lê trong không gian Di sản văn hóa thế giới Tràng An và Dấu ấn kinh đô Hoa Lư qua những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất.
Toàn bộ thông tin dạng chữ viết, âm thanh, hình ảnh được đưa lên hệ sinh thái số một cách trực quan, sống động, dễ dàng kết nối với các trang mạng xã hội, chủ động tiếp cận nhu cầu của xã hội. Nhờ đó, hình ảnh di sản Ninh Bình được quảng bá rộng rãi hơn đến người dân trong nước và thế giới.
Ninh Bình tiếp tục khẳng định là điểm đến hàng đầu của khách du lịch, 10 tháng năm 2024 đạt hơn 7,68 triệu lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 7.773 tỷ đồng, tăng 40,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, Ninh Bình còn nhiều khó khăn, thách thức cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Ðoàn Thanh Hải, địa phương còn nhiều khó khăn về tổ chức bộ máy, nhân sự làm công tác chuyển đổi số từ tỉnh tới cấp xã. Việc khai thác, sử dụng các nền tảng số, tạo lập, phát triển, quản lý dữ liệu số ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng, hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số.
Hạ tầng kỹ thuật viễn thông chưa đồng bộ với hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị. Tỷ lệ dùng chung hạ tầng viễn thông còn thấp... Những thách thức này đòi hỏi Ninh Bình phải có chiến lược rõ ràng và kế hoạch triển khai hiệu quả, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Ðoàn Minh Huấn, để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số, Ninh Bình cần tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số có hiệu quả, chất lượng.
Tỉnh cần tiếp tục tập huấn, nâng cao kiến thức và trình độ về dữ liệu số; kỹ năng số; kỹ năng xử lý, ứng cứu, khắc phục sự cố mất an toàn an ninh thông tin gắn với vị trí việc làm cho công chức, cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công tác quản trị mạng, bảo đảm an toàn thông tin, chuyển đổi số của các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và cán bộ công nghệ các xã, phường.
Ði liền với đó là ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; tận dụng, kế thừa hạ tầng kỹ thuật, thiết bị sẵn có để phát triển, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bên cạnh việc xây dựng hành lang pháp lý hỗ trợ sự phát triển của kinh tế số và lĩnh vực công nghệ thông tin, Ninh Bình cần nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số để các doanh nghiệp có thể ứng dụng hiệu quả các công nghệ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và có nhiều sản phẩm được gắn mã QR giới thiệu ra thị trường.
Mặt khác, xây dựng mô hình ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển kinh tế-xã hội, hình thành diện mạo làng số, xã thông minh để nhân rộng trong toàn tỉnh. Mô hình Làng số ở xã Yên Hòa (huyện Yên Mô) đã được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc giới thiệu là mô hình điểm Làng số (Digital village) để các nước trên thế giới tham khảo.
PGS, TS Hoàng Hữu Hạnh, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số (VIDTI) trực thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khuyến nghị, Ninh Bình cần tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nông thôn gắn với năng lượng xanh/sạch và phát triển bền vững.
Theo Chủ tịch Quỹ Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (VNFund) Kiều Công Thược, Ninh Bình đang đứng trước cơ hội to lớn để phát triển thông qua việc áp dụng các giải pháp tổng thể và tối ưu trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Ðể thực hiện điều này, tỉnh cần tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đầu tư vào hạ tầng giao thông đồng bộ.
Ðồng thời, tỉnh cần cải cách môi trường đầu tư, tạo dựng mạng lưới hợp tác và đối tác, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, thiết lập các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt cho các chuyên gia và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển các chiến lược phát triển bền vững. Quá trình thực hiện phải liên tục đánh giá hiệu quả của các chính sách, chương trình để điều chỉnh và cải tiến, đồng thời tạo cơ chế để tiếp nhận, xử lý phản hồi từ cộng đồng, doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng quản lý và dịch vụ.