Ninh Bình: Hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất
Các hoạt động ứng dụng khoa học - kỹ thuật đã góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng tốt hơn yêu cầu từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thúc đẩy xuất khẩu.
Trong những năm qua, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đã trở thành động lực then chốt để phát triển bền vững cho các doanh nghiệp sản xuất của ngành Công Thương. Xác định tầm quan trọng của đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, 5 năm qua, Sở Công Thương Ninh Bình đã hỗ trợ 91 đơn vị thực hiện đề án khuyến công áp dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất như: Xây mới, cải tạo nhà xưởng, mua sắm các loại máy móc chuyên dụng... với tổng số tiền 12,58 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương và trung ương giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, đã tập trung hỗ trợ ứng dụng các công nghệ hiện đại lĩnh vực công nghiệp nông thôn, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Tiêu biểu có thể kể đến: Hỗ trợ Công ty TNHH Xuất khẩu và đầu tư Thành Hóa đầu tư nâng cấp kho bảo ôn bảo quản sản phẩm; Công ty TNHH Vina Kim Long, DNTN chiếu cói An Bình, Công ty TNHH TM&DV Xuân Tình đầu tư hệ thống máy hút ẩm công nghiệp; hỗ trợ Công ty TNHH May xuất khẩu Đại An, DNTN xây dựng Hoàng Thành đầu tư máy may điện tử; hỗ trợ Công ty TNHH bảo tồn và phát triển gốm Bồ Bát đầu tư hệ thống máy in tạo hình, máy phun men, lò nung điện; doanh nghiệp tư nhân Đức Hiền đầu tư máy CNC 3D điêu khắc đá S-3025… Nhờ đó, đã giúp các doanh nghiệp chủ động hoàn toàn việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, rút ngắn tiến độ sản xuất, giảm bớt chi phí bảo quản, nhân lực giám sát chất lượng sản phẩm; hoàn thành sớm nhiều đơn hàng, tăng uy tín với đối tác, ký kết nhiều hợp đồng lớn hơn, mở rộng cung cấp ở thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Trên lĩnh vực chế biến hàng nông sản, một thế mạnh sản xuất hàng xuất khẩu của tỉnh, Sở Công Thương Ninh Bình đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến về yêu cầu về bảo quản, chế biến nông sản xuất khẩu của các nước. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nông sản đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào hoạt động chế biến, bảo quản và bảo vệ môi trường theo yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết. 5 năm qua, Sở đã tổ chức hàng chục hội nghị phổ biến tiêu chuẩn nhập khẩu của các nước cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp chế biến nông sản nói riêng. Đồng thời, hỗ trợ 7 đơn vị đổi mới công nghệ chế biến, bảo quả như hệ thống máy rót dịch thực phẩm đóng hộp rau, củ, quả tại Công ty TNHH Thanh An, hệ thống xử lý nước thải ra môi trường tại Công ty CP thực phẩm Á Châu; hỗ trợ lò xào chè bằng điện tại HTX chè Tam Điệp; hệ thống máy đóng bịch và hệ thống sấy nấm khô bằng hơi nước tại DNTN Hương Nam…
Trên lĩnh vực quản lý hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khoan nổ mìn phục vụ khai thác khoáng sản, giảm thiểu các tác động gây ô nhiễm môi trường và trật tự an ninh xã hội, hạn chế ảnh hưởng đến các ngành kinh tế khác, Sở tiếp tục ứng dụng và phát triển đề tài khoa học “Nghiên cứu phương pháp nổ mìn an toàn, hiệu quả đối với các đơn vị sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để khai thác đá trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”, đã được Hội đồng khoa học tỉnh thẩm định, nghiệp thu. Trong đó, tập trung phối hợp với các đơn vị hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh, điển hình như: Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ Bắc Trung bộ - MICCO; Danh nghiệp tư nhân Tuấn Thành; Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Quang Minh Ninh Bình… áp dụng các phương pháp nổ mìn tiên tiến và thực hiện công tác đo giám sát ảnh hưởng nổ mìn để đánh giá các ảnh hưởng và đưa ra phương án nổ mìn tối ưu, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các đơn vị trong ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động xuất khẩu mặt hàng xi măng - clinke, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới.
Có thể khẳng định rằng, việc ưu tiên hỗ trợ kinh phí ứng dụng công nghệ vào sản xuất cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đã mang lại những tác động rất đáng kể. Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong ngành Công Thương đã góp phần không nhỏ vào việc gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đồng thời, giải quyết việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại chỗ. Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trước nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế cùng với các xu hướng và yêu cầu phát triển công nghệ gắn với xây dựng nền sản xuất công nghiệp thông minh.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương Ninh Bình tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phổ biến, hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp và sản phẩm của tỉnh trên trường quốc tế, đóng góp tích cực vào phong trào thi đua yêu nước ngành Công Thương lần thứ III, năm 2020..