Ninh Bình: Năng suất lúa vụ Đông xuân ước đạt 66,81 tạ/ha
Vụ Đông xuân 2023 - 2024, mặc dù thời tiết bất thuận, mật độ nhiều đối tượng dịch hại cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tỉnh Ninh Bình vẫn đạt một vụ mùa thắng lợi toàn diện, không chỉ giữ vững năng suất mà chất lượng, giá lúa cũng tăng cao.
Vụ Đông xuân năm 2023-2024, toàn tỉnh gieo cấy 39.549,4 ha lúa (đạt 101,4 % kế hoạch).
Đầu vụ sản xuất điều kiện thời tiết khí hậu có những diễn biến phức tạp, giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 xuất hiện 8 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển cũng như chăm sóc của trà lúa xuân muộn.
Sinh trưởng của các trà lúa trong vụ chậm hơn so với vụ Đông xuân 2022-2023 từ 5-7 ngày. Bước sang tháng 3, thời tiết âm u, mưa phùn, độ ẩm không khí cao tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh, phát triển đặc biệt là bệnh đạo ôn lá gây hại cục bộ trên các giống lúa nhiễm như: TBR 225, LT2, Bắc thơm số 7, Đài thơm 8, BC 15, Nếp...
Tháng 4 và tháng 5 thời tiết nắng mưa xen kẽ tiếp tục khiến sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại phát sinh, gây hại mạnh. Tổng diện tích nhiễm sâu cuốn lá nhỏ vụ này lên tới trên 33 nghìn ha (gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm trước), trong đó, diện tích nhiễm nặng là trên 26 nghìn ha (gấp 2 lần so với vụ Đông xuân 2022- 2023). Với rầy, mật độ rầy lứa 1, lứa 2 và lứa 3 đều cao hơn so với vụ Đông xuân 2022-2023.
Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác dự tính, dự báo; kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản về việc tập trung chăm sóc, phòng chống sinh vật gây hại bảo vệ sản xuất để huy động sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của các địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị liên quan hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ nên tình hình dịch sâu bệnh hại đã cơ bản được khống chế.
Hơn 39 nghìn ha lúa trên địa bàn tỉnh vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất trung bình tăng so với vụ Đông xuân năm ngoái, đạt 66,81 tạ/ha.
Tính đến ngày 5/6, các địa phương đã thu hoạch được hơn 21 nghìn ha (đạt 54% diện tích). Một số huyện đã cơ bản thu hoạch xong như Nho Quan, Yên Mô.
Theo đánh giá chung của các địa phương, mặc dù đây là vụ sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với chỉ đạo sâu sát, đồng bộ của chính quyền các cấp và ngành Nông nghiệp, sự nỗ lực của bà con nông dân, tỉnh Ninh Bình vẫn giành một vụ mùa thắng lợi toàn diện, không chỉ giữ vững năng suất, mà chất lượng, giá lúa cũng tăng cao.
Không chỉ được mùa, giá cao, vụ lúa này cũng ghi nhận nhiều nét đổi mới trong phương thức sản xuất. Nổi bật là nhiều nông dân, HTX đã mạnh dạn đầu tư mua sắm các máy móc tiên tiến, công nghệ cao ứng dụng vào sản xuất, như: Máy cấy, máy phun thuốc bảo vệ thực vật. Tổng diện tích áp dụng mạ khay, cấy máy đạt trên 2 nghìn ha, diện tích sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ, áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới là trên 1.350 ha.
Tại nhiều địa phương tiếp tục hình thành các chuỗi liên kết giữa HTX với các công ty, doanh nghiệp trong cung ứng vật tư đầu vào, thu mua sản phẩm đầu ra, tạo chuỗi giá trị lúa gạo.
Ngoài ra, ở vụ này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng triển khai tập huấn hướng dẫn nông dân mở rộng áp dụng các mô hình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM/IPHM), Hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), từ đó giúp giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, mang lại hiệu quả và năng suất cao, giảm phát thải, bảo vệ môi trường.
Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành Nông nghiệp đang tập trung hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, huy động tối đa máy móc, nhân lực thu hoạch nhanh gọn lúa Đông xuân với phương châm "xanh nhà hơn già đồng", thu hoạch đến đâu, làm đất gieo trồng vụ Mùa tới đó. Thắng lợi của vụ Đông xuân là tiền đề và động lực vững chắc cho vụ sản xuất mới.