Ninh Bình: Nỗ lực gỡ khó trong thực hiện chính sách để giảm nghèo bền vững

Năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các lực lượng xã hội, công tác giảm nghèo ở Ninh Bình đã đạt nhiều kết quả ấn tượng.

Ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo

Trước đó, bước vào năm 2022 tỉnh Ninh Bình có 9.614 hộ nghèo, chiếm 3,07%; 10.881 hộ cận nghèo, chiếm 3,48%. Đến nay, địa phương này chỉ còn 4.806 hộ nghèo, chiếm 1,51%; 6.006 hộ cận nghèo, chiếm 1,89%. Để đạt được kết quả đó, những năm qua tỉnh Ninh Bình đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với người nghèo thông qua việc nghiên cứu, ban hành và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù có ý nghĩa rất quan trọng, có diện bao trùm, đa dạng, nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là người yếu thế.

Trong đó, điển hình là Nghị quyết số 43, ngày 10/3/2023 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025. Thực hiện Nghị quyết số 43, đến nay đã có 921 hộ được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí trên 78 tỷ đồng. Mới đây, HĐND tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 43 ban hành quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023- 2025 với điểm nhấn là mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách. Chính sách đậm tính nhân văn này sẽ là nguồn lực, động lực lớn giúp người nghèo, cận nghèo có khó khăn về nhà ở có cơ hội an cư.

Ngoài ra còn có Nghị quyết số 23/2020/NQHĐND ngày 27/5/2020 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Nghị quyết số 07/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Ninh Bình về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết số 130/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh Ninh Bình ban hành Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và hỗ trợ một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chưa được quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ...

Từ khi Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh Ninh Bình được ban hành, ông Nguyễn Hữu Tình ở xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn là người có công với cách mạng và thuộc diện hộ nghèo đã nhận được mức hỗ trợ của tỉnh đúng, đủ theo quy định. Ảnh: Nbtv.vn

Từ khi Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh Ninh Bình được ban hành, ông Nguyễn Hữu Tình ở xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn là người có công với cách mạng và thuộc diện hộ nghèo đã nhận được mức hỗ trợ của tỉnh đúng, đủ theo quy định. Ảnh: Nbtv.vn

Nỗ lực gỡ khó trong triển khai thực hiện

Hiện nay, số lượng hộ nghèo của Ninh Bình không còn nhiều nhưng cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác giảm nghèo trong năm cuối thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và cả những năm tiếp theo.

Xác định rõ việc hỗ trợ sinh kế là cơ sở quan trọng nhằm tạo sức bật để người nghèo vươn lên, trong những năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương đặc biệt chú trọng tới hoạt động tư vấn học nghề, tạo việc làm, tạo điều kiện vay vốn mở rộng sản xuất… giúp người nghèo có thêm điều kiện để vươn lên.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, bên cạnh việc chủ động bố trí ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình, tỉnh cũng chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương bám sát các quy định, hướng dẫn của Trung ương, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Một trong những dự án trọng tâm, được kỳ vọng tạo sinh kế giúp người nghèo vươn lên đó là Dự án 4 về Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững.

Để thực hiện có hiệu quả Dự án 4, các địa phương đã thực hiện tuyên truyền công tác đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Triển khai công tác điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo, ngành nghề đào tạo nhằm thu thập thông tin về nhu cầu đào tạo nghề của lao động; công tác đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp.

Thực hiện Dự án 4, tỉnh này đã phân bổ 32,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện Dự án 4 còn nhiều khó khăn, nhất là ở Tiểu dự án 1 về phát triển giáo dục nghề nghiệp. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương không thể mở được lớp đào tạo nghề nào dành cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Dự án 4 là một trong những chính sách rất ý nghĩa để mang lại sinh kế cho người nghèo. Tuy nhiên, đã gần hết giai đoạn 2021-2025, huyện Yên Mô vẫn chưa thể mở được lớp dạy nghề nào dành cho các đối tượng của Dự án 4. Nguyên nhân là do các đối tượng người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo phần lớn không còn khả năng lao động. Đối tượng còn lại thuộc diện hỗ trợ của Dự án là người lao động có thu nhập thấp thì cho đến nay, Trung ương vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để rà soát người lao động có thu nhập thấp.

Một hộ nghèo ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình

Một hộ nghèo ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình

Huyện Kim Sơn cũng là địa phương chưa giải ngân được khoản tiền nào cho hoạt động dạy nghề cho người nghèo theo Dự án 4. Năm 2024, huyện được cấp kinh phí 353 triệu đồng để thực hiện tiểu dự án dạy nghề trong Dự án 4, nhưng đến cuối năm, không mở được lớp dạy nghề nào, huyện Kim Sơn đã trả lại ngân sách kinh phí được cấp. Cùng nguyên nhân như huyện Yên Mô là do người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo đa số thuộc diện bảo trợ, không có khả năng học nghề. Đối tượng có khả năng học là những lao động có thu nhập thấp thì lại chưa có hướng dẫn cụ thể để xác định được đối tượng.

Năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, để đạt được mục tiêu đặt ra từ đầu giai đoạn, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh trên địa bàn. Phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả, đúng mục đích, khơi thông điểm nghẽn để chính sách phát huy hiệu quả.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án, các chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, cần tiếp tục huy động nguồn lực của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hảo tâm và đóng góp của Nhân dân cho công tác giảm nghèo. Bảo đảm nguồn vốn tín dụng ưu đãi để hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đặc biệt là khơi dậy ý chí, nỗ lực vươn lên và xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người nghèo, cận nghèo; coi đây là giải pháp then chốt để giảm nghèo nhanh, bền vững.

Sông Hồng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/ninh-binh-no-luc-go-kho-trong-thuc-hien-chinh-sach-de-giam-ngheo-ben-vung-95355.html