Ninh Bình phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7% năm 2024
Ninh Bình là một trong số ít địa phương trên cả nước đạt kết quả tăng trưởng sản xuất công nghiệp dương năm 2023. Để làm được điểu đó, ngành Công Thương Ninh Bình đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, duy trì đà tăng trưởng. Phấn đấu trong năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của Ninh Bình tăng 8,7%.
Sản xuất công nghiệp giữ đà tăng trưởng 6,18 % trong quý I
Ngay từ những ngày đầu năm, UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5 tháng 1 năm 2024 của Chính phủ nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đáp ứng ngoại tệ cho sản xuất, kinh doanh, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô.
Do vậy, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. Qua đó, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh,đặc biệt là những doanh nghiệp chủ lực, có đóng góp lớn vào giá trị sản xuất của ngành công nghiệp và tăng thu ngân sách địa phương.
Kết quả, tình hình sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong quý I năm 2024 đang dần phục hồi, từng bước ổn định và đạt mức tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ.
Điểm đáng ghi nhận là Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 3 ước đạt 7.573,4 tỷ đồng, tăng 1,3%; lũy kế 3 tháng đầu năm đạt 22.173,6 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng cao so với cùng kỳ là: quần áo các loại tăng 11,6%; phân Ure tăng gấp 2,3 lần; phân lân nung chảy tăng 59,8%; kính nổi tăng 6,5%; thép cán các loại tăng 18,9%; linh kiện điện tử tăng 16,3%; kính máy ảnh 0,4 triệu cái, tăng 45,2%…
Tuy nhiên, một số sản phẩm chủ lực vẫn có mức sản xuất giảm như: modul camera 50,8 triệu cái, giảm 12%; xe ô tô 5 chỗ ngồi trở lên 9,2 nghìn chiếc, giảm 26,4%; xe ô tô chở hàng hóa 1,4 nghìn chiếc, giảm 39,2%; ghế ngồi dùng cho xe có động cơ 47 nghìn chiếc, giảm 22,6%; cần gạt nước ô tô 1,5 triệu cái, giảm 9,6%...
Có được kết quả khả quan thời gian qua là nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền địa phương cũng như sự nỗ lực của toàn ngành Công Thương Ninh Bình. Năm qua Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; xây dựng kế hoạch và tổ chức thành công Hội nghị thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp; thường xuyên, kịp thời phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ khu vực khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), tiểu thủ công nghiệp (TTCN) phát triển.
Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp then chốt
Năm 2024, trước dự báo kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục phục hồi nhưng còn nhiều thách thức, Ninh Bình tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gắn với cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Phấn đấu năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) trên địa bàn tỉnh ước đạt 113.062 tỷ đồng, tăng 8% so với ước thực hiện năm 2023.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Sở Công Thương Ninh Bình tham mưu UBND tỉnh ban hành đề án “Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường dựa trên năng lực kết nối doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, đồng bộ hóa giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị”.
Tỉnh cũng đang tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, tập trung vào các ngành, lĩnh vực công nghiệp then chốt theo định hướng thu hút đầu tư của tỉnh như dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử và sản phẩm phụ trợ ngành sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm, ... Bên cạnh đó, thu hút đầu tư có chọn lọc, các dự án sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu trong thu hút đầu tư của tỉnh Ninh Bình.
Giai đoạn tới, Ninh Bình định hướng xúc tiến đầu tư của tỉnh sẽ theo ngành, lĩnh vực và thu hút theo đối tác đầu tư. Tỉnh tập trung thu hút dự án công nghiệp chế biến, chế tạo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi xanh, năng lượng xanh có giá trị gia tăng lớn, công nghệ sạch và sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu; ưu tiên phát triển dự án công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực và thế mạnh của tỉnh Ninh Bình.
Tỉnh chủ động tiếp cận, vận động cá nhân có ảnh hưởng lớn, nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, công ty tư vấn hàng đầu, quỹ đầu tư và cá nhân có tầm ảnh hưởng để thu hút các tập đoàn lớn để có các dự án có chất lượng; mở rộng xúc tiến thu hút đầu tư các đối tác có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng; lựa chọn ưu tiên những ngành, lĩnh vực dự án mà Việt Nam có lợi thế về chính sách, biện pháp hàng rào thuế quan và phi thuế quan từ hiệp định thương mại tự do đã ký kết, nhất là các hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP.... Đồng thời, tiếp tục duy trì các thị trường và đối tác truyền thống (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan…)
Phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tạo động lực tăng trưởng
Ninh Bình hiện có 5 KCN và 19 CCN đã đi vào hoạt động. Những năm qua, Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường thu thập thông tin, nghiên cứu, đánh giá, phân tích thị trường và đối tác đầu tư tiềm năng để xác định xu hướng, nhu cầu đầu tư, xây dựng kế hoạch tiếp cận, kêu gọi nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, đồng thời tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp, tạo động lực tăng trưởng.
Trên cơ sở định hướng phát triển các KCN,CCN tại Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về phát triển và quản lý KCN,CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và đang được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Bình đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN, CCN trên địa bàn như: KCN Tam Điệp II (thành phố Tam Điệp), diện tích 386ha; KCN Kim Sơn (huyện Kim Sơn), diện tích 200ha; KCN Gián Khẩu II (huyện Gia Viễn), diện tích quy hoạch 495 ha; KCN Phú Long (huyện Nho Quan), diện tích 485 ha; CCN Khánh Hải II (diện tích mở rộng 30ha), CCN Khánh Hải I (diện tích mở rộng 13,6896ha);…
Trọng tâm trong thời gian tới, Ninh Bình tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn, nhất là trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các KCN Tam Điệp II, KCN Phú Long, CCN Khánh Hải I, Khánh Hải II, CCN Trung Sơn,….Tỉnh tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, minh bạch, thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng các KCN, CCN trên địa bàn, tạo quỹ đất phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Ninh Bình phấn đấu đảm bảo 100% các KCN, CCN mới có hệ thống xử lý nước thải đồng bộ, tập trung và đảm bảo hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường theo quy định; 100% dự án đầu tư đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường./.
Ninh Bình: Ưu tiên phát triển khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch