Ninh Bình: Phát triển sản phẩm chủ lực gắn với phục vụ du lịch

Tỉnh Ninh Bình định hướng phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương theo 5 tiểu vùng sinh thái gắn với phục vụ du lịch. Tỉnh này sẽ đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua nhiều hình thức, đặc biệt là sàn giao dịch thương mại điện tử.

Sáng 26/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị đối thoại với hơn 90 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), chủ thể sản phẩm OCOP trên địa bàn. Nội dung đối thoại về việc kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản năm 2024. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tỉnh này hiện có gần 400 hợp tác xã, trong đó có 181 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia cung ứng các dịch vụ phục vụ sản xuất. Toàn tỉnh hiện có 181 sản phẩm OCOP, trong đó có 70 sản phẩm xếp hạng 4 sao, 111 sản phẩm xếp hạng 3 sao.

Quang cảnh hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Báo Ninh Bình

Quang cảnh hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Báo Ninh Bình

Trong 6 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của Ninh Bình ước đạt hơn 5.742 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động của các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp đã có những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; vừa hỗ trợ thành viên tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, vừa thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Giai đoạn 2022-2025, tỉnh Ninh Bình định hướng phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh theo 5 tiểu vùng sinh thái gắn với phục vụ du lịch. Việc xây dựng, mở rộng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ được coi là bước đột phá để nâng cao sức cạnh tranh của nền sản xuất nông nghiệp trong quá trình hội nhập.

Trong thời gian tới, để phát triển bền vững ngành nông nghiệp trên cơ sở xác định rõ các sản phẩm thế mạnh, đặc thù của từng vùng sinh thái, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ xây dựng các thương hiệu nông sản, xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua nhiều hình thức, nhất là đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Ninh Bình định hướng phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản gắn với phục vụ du lịch. (Ảnh minh họa)

Ninh Bình định hướng phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản gắn với phục vụ du lịch. (Ảnh minh họa)

Đồng thời đẩy mạnh thực hiện liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) nhằm đưa nông sản của tỉnh tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Tập trung thu hút, phát triển doanh nghiệp, HTX, tổ liên kết trong sản xuất nông nghiệp; tham mưu cơ chế, chính sách ưu đãi để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, đặc biệt là chế biến sâu.

Tại hội nghị đối thoại, lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp và đại diện doanh nghiệp cung ứng giải pháp công nghệ đã chia sẻ kinh nghiệm, gợi mở hướng phát triển các kênh tiêu thụ nông sản, đặc biệt là qua thương mại điện tử. Các đơn vị tham dự cũng ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác, hỗ trợ, kết nối, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.

Sông Hồng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/ninh-binh-phat-trien-san-pham-chu-luc-gan-voi-phuc-vu-du-lich-89550.html