Ninh Bình quản lý di sản hiệu quả bằng hợp tác công - tư
Tại Ninh Bình, sự đồng thuận giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp, cùng sự tham vấn của các nhà khoa học đã tạo ra nhiều 'trái ngọt' trong gìn giữ và trao truyền các giá trị của di sản, vừa góp phần bảo tồn, vừa tạo ra những thương hiệu mạnh để phát triển du lịch một cách bền vững.
Trong hội thảo gần đây về quản lý du lịch tại các khu di sản tại Việt Nam và Colombia, mô hình hợp tác công - tư tại Quần thể danh thắng Tràng An được coi là điển hình tốt về phát triển bền vững, hiệu quả trong bảo tồn và lan tỏa giá trị của di sản. Những năm qua, mô hình hợp tác công - tư đang được triển khai ở các khu, điểm du lịch tại quần thể này dựa trên 3 trụ cột chính.
Cơ quan quản lý là trụ cột
Với mô hình hợp tác công - tư, các cơ quan quản lý nhà nước thể hiện vai trò trong xây dựng cơ chế, chính sách; nâng cao vai trò, hiệu quả quản lý; tuyên truyền, đồng hành với doanh nghiệp và người dân.
Trên cơ sở các quy định, hướng dẫn của Công ước Di sản thế giới và pháp luật Việt Nam, các nghị quyết, quy định chỉ đạo về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Ninh Bình đã được ban hành trên nhiều phương diện: quản trị và quản lý di sản; bảo vệ di sản văn hóa và các tài nguyên khảo cổ học; bảo tồn đa dạng sinh học; bảo vệ môi trường, du lịch sinh thái và các hoạt động thương mại khác để phát triển bền vững.
Ông Bùi Văn Mạnh – Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết các nghị quyết, quy định đã tạo nền tảng công cụ quản lý, đảm bảo một cơ chế tư vấn hợp lý giữa các cơ quan quản lý để duy trì cách tiếp cận cân bằng giữa phát triển du lịch với quản lý di sản và bảo tồn thiên nhiên.
Đối với người dân, công tác phổ biến quy định về quản lý, bảo vệ di sản được tổ chức thường xuyên; vận động chính quyền các địa phương đưa các nội dung về quản lý, bảo vệ di sản vào quy ước, hương ước, xây dựng cộng đồng nhân dân, doanh nghiệp tự nguyện tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản.
Các cơ quan nhà nước cũng đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân tham gia quản lý, khai thác, phát huy các giá trị của di sản. Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về bảo tồn di sản và nghiệp vụ kinh doanh, khai thác du lịch cho doanh nghiệp và người dân; hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển thị trường; đầu tư, tôn tạo khu, điểm du lịch.
Vai trò động lực của doanh nghiệp
Hiện nay tỉnh Ninh Bình đang cho phép 4 doanh nghiệp vận hành công tác quản lý và kinh doanh du lịch tại 6 điểm tham quan chính của Quần thể danh thắng Tràng An. Các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong khu di sản được yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các quy định của pháp luật về quản lý di sản, du lịch, lâm nghiệp và các quy định khác của UBND tỉnh Ninh Bình.
Theo đó, các doanh nghiệp có nhiệm vụ bảo tồn các giá trị của di sản, kinh doanh các loại hình dịch vụ du lịch trong phạm vi cho phép tại khu du lịch sinh thái Tràng An - Bái Đính - Tam Cốc - Bích Động; khu vực Thung Nắng; khu du lịch Thung Nham và động Thiên Hà. Không chỉ vậy, có doanh nghiệp còn đứng ra tài trợ các dự án nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế để tư vấn chiến lược liên quan tới phát triển, bảo tồn, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.
Doanh nghiệp được phép điều hành các hoạt động du lịch và đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Đối với bất kỳ các dự án phát triển mới, phải có trách nhiệm phải đề xuất lên UBND tỉnh Ninh Bình và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định. Các công ty cũng phải chịu trách nhiệm quản lý, bảo tồn các khu vực của mình dưới sự giám sát của ban quản lý và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Cộng đồng địa phương hưởng lợi từ di sản
Cùng với doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong khu di sản cũng hưởng lợi rõ rệt từ hoạt động du lịch. Theo thống kê sơ bộ, trước đại dịch Covid-19 có trên 4.000 người dân trong khu vực quần thể tham gia thường xuyên vào các hoạt động du lịch như chèo đò, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, hướng dẫn du lịch, lái xe điện hay làm việc tại cửa hàng lưu niệm, nhà hàng, khách sạn… Chất lượng cuộc sống được nâng cao, người dân có cơ hội và điều kiện tốt hơn trong việc tiếp cận, sử dụng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, giáo dục; hiểu biết hơn về văn hóa, ứng xử, đặc biệt có thể ứng phó tốt hơn với những thay đổi sinh kế.
Hàng năm, Sở Du lịch Ninh Bình, Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đều tổ chức đối thoại trực tiếp với cộng đồng dân cư làm du lịch. Việc đối thoại đã bổ sung, hoàn thiện các quy định, tiếp tục phổ biến nhận thức, đồng thời nêu những khó khăn vướng mắc trong quá trình phục vụ khách để tìm hướng giải quyết, khắc phục.
Các cuộc đối thoại giúp người dân và nhà quản lý được gần gũi hơn, để hai bên cùng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tìm hướng giải quyết, vì mục tiêu chung là thu hút ngày càng nhiều du khách song song với gìn giữ, bảo tồn các giá trị của di sản. Cộng đồng dân cư được tham gia hoạch định cơ chế, chính sách, cũng như quản lý di sản, hưởng lợi từ di sản; từ đó hình thành được sự cân bằng giữa bảo tồn và đảm bảo sinh kế người dân, tiến tới xây dựng cộng đồng trở thành “trung tâm” trong công tác bảo vệ di sản.
Bà Hoàng Diệu Thúy (Văn phòng UNESCO tại Việt Nam) cho rằng tính hiệu quả của cách tiếp cận dựa trên quan hệ đối tác công - tư đã được chứng minh từ thực tế của di sản Tràng An. Việc ban hành các quyết định về bảo tồn và phát triển luôn được thực hiện dựa trên đối thoại giữa các nhóm công – tư – cộng đồng – chuyên gia bảo tồn. Nếu các quyết định đầu tư được thực hiện trong bối cảnh thiếu cân nhắc đồng bộ về tác động rộng lớn, lâu dài thì các vấn đề pháp lý cũng như sự phát triển không kiểm soát du khách sẽ trở nên khó giải quyết.
Theo ông Bùi Văn Mạnh, trong suốt thời gian qua các trụ cột nêu trên đã góp phần hình thành du lịch có trách nhiệm tại Tràng An – Ninh Bình, tác động tích cực đến phát triển du lịch và việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Ninh Bình trên trường quốc tế. Năm 2019, lượng khách đến Ninh Bình đạt 7,65 triệu lượt, doanh thu đạt trên 3.600 tỷ đồng. Tăng trưởng du lịch đã kích thích sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ như lữ hành, ăn uống, lưu trú… Điều này đã góp phần cải thiện đáng kể thu nhập của người dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.