Ninh Bình quyết tâm cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, năm 2024, tỉnh Ninh Bình đã đặt ra và triển khai nhiều nhiệm vụ với tầm nhìn dài hạn, mục tiêu cao, khát vọng lớn và kiên định, không chùn bước trước khó khăn, thách thức... 15/15 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch; tạo nền tảng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra; củng cố thêm niềm tin, sức mạnh để Ninh Bình cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tiến độ thi công Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Ninh Bình (giai đoạn II), trên địa bàn huyện Kim Sơn (ngày 20/2/2024). Ảnh: Đức Lam

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tiến độ thi công Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Ninh Bình (giai đoạn II), trên địa bàn huyện Kim Sơn (ngày 20/2/2024). Ảnh: Đức Lam

Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; trong nước nền kinh tế phục hồi rõ nét, tuy nhiên thiên tai, bão lũ, dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt cơn bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua gây hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương.

Bám sát và thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, tiếp tục đổi mới, tập trung quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, nhận diện những khó khăn, thách thức, chủ động trong mọi tình huống, kịp thời thích ứng với tình hình, xu thế mới; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải cách, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Do vậy, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục có bước phát triển toàn diện, vững chắc, đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực; hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu và nhóm các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội chủ yếu, trong đó có 14 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 8,56%, xếp thứ 5/11 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Sông Hồng, đứng thứ 17/63 cả nước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước thực hiện năm 2024 đạt trên 20.500 tỷ đồng, vượt 11% dự toán. Cơ cấu thu ngân sách nhà nước (NSNN) chuyển biến tích cực, theo hướng bền vững. Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN đạt 81,7%; trong tổng thu nội địa, nguồn thu từ thuế, phí, lệ phí và thu khác chiếm tỷ trọng 78% và đóng vai trò chủ đạo trong tổng thu NSNN trên địa bàn.

Điểm nổi bật trong năm 2024 là Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố với mục tiêu, định hướng chiến lược, tầm nhìn dài hạn, biến nguồn lực di sản thành tài sản, nguồn lực và động lực quan trọng để phát triển tỉnh Ninh Bình trong điều kiện bối cảnh mới, đưa tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; tầm nhìn đến năm 2050 là thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới.

Trên cơ sở đó, mục tiêu trở thành cực tăng trưởng đã nhanh chóng được Ninh Bình định hình và xác lập, một số lĩnh vực đã vươn lên rõ nét trở thành trung tâm của vùng, tiểu vùng phía Nam đồng bằng Sông Hồng và quốc gia như sản xuất lắp ráp ô tô, du lịch, chế biến rau quả xuất khẩu và tổ chức sự kiện...

Ninh Bình hiện là một trong các trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô lớn của cả nước với đầu tàu là Công ty cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam; tổng công suất thiết kế của các Nhà máy đạt 208.000 xe/ năm. Không chỉ chiếm lĩnh 20% thị phần nội địa, đến nay Hyundai Thành Công đã có 5 chuyến xuất khẩu xe sang Thái Lan, nằm trong kế hoạch xuất khẩu hơn 2.400 xe Hyundai của HTMV sang các nước trong khu vực, giai đoạn 2024-2025.

Sự phát triển của Hyundai Thành Công đã khẳng định và quảng bá thương hiệu “Made in Vietnam”, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới, mở ra nhiều tương lai hứa hẹn mà ở đó Hyundai Thành Công đang gánh vác sứ mệnh tiên phong, cùng với ngành công nghiệp tỉnh nhà sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Ninh Bình trở thành “một trung tâm hàng đầu đất nước về công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại với trụ cột là ngành công nghiệp cơ khí ô tô”.

Phát triển của ngành công nghiệp cơ khí ô tô đã và đang tạo ra sức hấp dẫn để Ninh Bình thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ ngành công nghiệp ô tô; đóng góp tỷ trọng lớn, đưa giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2024 đạt 15.522 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 10,29%, cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Dây chuyền lắp ráp ô tô tại Nhà máy Hyundai Thành Công, Khu công nghiệp Gián Khẩu (Gia Viễn). Ảnh: Anh Tuấn

Dây chuyền lắp ráp ô tô tại Nhà máy Hyundai Thành Công, Khu công nghiệp Gián Khẩu (Gia Viễn). Ảnh: Anh Tuấn

Ninh Bình cũng đang khẳng định vị thế là một trung tâm du lịch của vùng, của quốc gia khi nhiều năm liền được đánh giá là điểm đến hàng đầu của du khách trong nước và nước ngoài, được bình chọn nằm trong “Top 10 trải nghiệm cuốn hút nhất thế giới năm 2024”. Năm 2024, toàn tỉnh ước đón trên 8,7 triệu lượt khách, tăng 26,5% so với cùng kỳ, vượt 16% kế hoạch năm; doanh thu du lịch đạt gần 8.900 tỷ đồng, tăng 35,9% so với năm 2023, vượt 7,8% kế hoạch năm, xác lập mốc mới đón 1,5 triệu lượt khách quốc tế. Du lịch Ninh Bình đang và sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho kinh tế của tỉnh.

Ninh Bình đang hội tụ các lợi thế để phát triển thành một trung tâm tổ chức sự kiện quốc gia mang tầm quốc tế. Đặc biệt, trong năm 2024, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội thảo khoa học, như: Hội thảo khoa học “Đinh Tiên Hoàng: Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc”; Hội thảo khoa học: “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia tại Di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước” và xây dựng hồ sơ đề cử di sản tư liệu của UNESCO; tập trung triển khai xây dựng Đề án “Nghiên cứu nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị không gian lịch sửvăn hóa Hoa Lư”, qua đó đề xuất phương hướng, giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị đặc trưng của không gian lịch sử-văn hóa Hoa Lư trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, góp phần thực hiện chủ trương xây dựng Ninh Bình hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Tập trung xây dựng Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2050”. Tổ chức thành công chuỗi các hoạt động tại Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024 với chủ đề “Dòng chảy di sản”, để lại ấn tượng tốt, sâu sắc trong Nhân dân và du khách, bước đầu tạo dựng thương hiệu Festival Ninh Bình.

Với vai trò là trung tâm sản xuất, chế biến xuất khẩu rau quả hàng đầu Việt Nam, đầu tàu trong lĩnh vực này là Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), với 3 trung tâm chế biến lớn tại Ninh Bình, Gia Lai và Sơn La, công suất chế biến 136.000 tấn sản phẩm/năm, DOVECO đang là đơn vị có năng lực sản xuất, chế biến và xuất khẩu rau quả hàng đầu Việt Nam. Giá trị xuất khẩu năm 2024 đạt 100 triệu USD, sản phẩm được xuất khẩu đi hơn 50 nước. Năm 2024, giá trị GRDP ngành nông-lâm-thủy sản của tỉnh đạt 4.822 tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm 2023, giá trị sản xuất/ha đất canh tác đạt 160 triệu đồng, vượt 1,3% kế hoạch. Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu tiếp tục thực hiện hiệu quả, đạt kết quả nổi bật, tạo nền tảng quan trọng cho xây dựng phát triển đô thị Ninh Bình. Đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 02 huyện (Yên Khánh, Yên Mô) đạt chuẩn NTM nâng cao; có 65 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 24 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; phấn đấu năm 2025, tỉnh Ninh Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Công tác phát triển đô thị có bước đột phá, đã tổ chức đồng thời việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025 đồng thời với thành lập thành phố Hoa Lư trên cơ sở hợp nhất nguyên trạng thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh với tính chất là đô thị di sản (là 01 trong 04 đô thị loại I của đồng bằng Sông Hồng). Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là bước đột phá trong cả tư duy và thực tiễn đối với phát triển đô thị, là tiền đề, hạt nhân lan tỏa để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đô thị hóa theo đặc trưng riêng; tạo động lực thúc đẩy quá trình xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng là Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo vào năm 2035.

Sau sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh Ninh Bình có 7 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 2 thành phố và 5 huyện), 125 đơn vị hành chính cấp xã. Để thực hiện những nhiệm vụ lớn có tính chất chiến lược, dài hạn cho nhiều giai đoạn và nhiệm kỳ 2020- 2025, trong năm 2024, kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông tiếp tục được tập trung đầu tư, hoàn thành và cơ bản hoàn thành nhiều công trình quan trọng, tạo thêm không gian, dư địa và động lực phát triển cho nhiều nhiệm kỳ sau.

Đồng thời, được sự quan tâm của Trung ương, tiếp tục đầu tư 02 dự án đường cao tốc chạy qua tỉnh Ninh Bình, đó là: Mở rộng đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cao Bồ-Mai Sơn và đặc biệt là dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng; hai dự án này sẽ được khởi công ngay trong đầu năm 2025. Sự phát triển đồng bộ của hạ tầng giao thông, đô thị đã góp phần giải quyết các mối quan hệ lớn đặt ra giữa xây dựng NTM kiểu mẫu với thúc đẩy đô thị hóa, phát triển đô thị sinh thái, đô thị di sản. Qua đó, không gian đô thị từng bước được mở rộng, kiến trúc, cảnh quan được cải thiện rõ rệt, sáng-xanh-sạch-đẹp, hài hòa với thiên nhiên; tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Ninh Bình đến hết năm 2024 đạt 40%.

Trong quá trình phát triển, tỉnh ta cũng luôn kiên định, kiên trì với quan điểm mục tiêu phát triển là “Xanh, bền vững và hài hòa”, phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội. Công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội luôn được tỉnh quan tâm, với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”. Các chính sách của tỉnh ban hành luôn nhận được sự đồng hành, ủng hộ của người dân.

Chính vì vậy, Ninh Bình là một trong những tỉnh đầu tiên ban hành và thực hiện Nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh về hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo và khó khăn về nhà ở. Trong năm 2024, toàn tỉnh có 916 hộ được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà, với tổng kinh phí đã hỗ trợ là 78,4 tỷ đồng.

Công tác giáo dục đào tạo luôn được coi trọng, là “quốc sách hàng đầu”. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Ninh Bình xếp thứ 2 toàn quốc, đây là năm thứ 8 liên tục tỉnh có điểm trung bình tất cả các bài thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT nằm trong tốp đầu, tiếp tục khẳng định vị trí của ngành Giáo dục tỉnh nhà trong cả nước. Công tác y tế, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm chú trọng. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác cải cách hành chính; tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, được quan tâm, tập trung chỉ đạo và có chuyển biến tích cực. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh; tập trung rà soát đồng bộ, toàn diện các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh; kịp thời đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho những dự án chậm tiến độ, đã có kết quả rất tích cực, phát huy hiệu quả tránh lãng phí nguồn lực.

Với những chính sách toàn diện chủ trương phát triển hài hòa, đồng đều, do vậy, không có sự chênh lệch nhiều giữa đời sống của người dân tại đô thị và nông thôn, giữa vùng núi, đồng bằng và ven biển.

Có thể khẳng định, những thành tựu sau hơn 32 năm tái lập tỉnh, đặc biệt là kết quả đã đạt được trong năm 2024 là hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn phát triển mới. Điều này cho thấy, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý đã có, tiềm năng, định hướng phát triển đã được xác định, giải pháp đã rõ, vấn đề còn lại mang tính quyết định đó là tổ chức thực hiện hiệu quả.

Bước sang năm 2025, là năm “bứt phá và về đích”, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời là năm tập trung tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Với tư duy và tầm nhìn dài hạn, chiến lược cùng sự năng động, sáng tạo, quyết tâm chính trị và trách nhiệm cao của Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Ninh Bình, tiếp tục phát huy trí tuệ, sức mạnh, bản sắc văn hóa của con người vùng đất Cố đô Hoa Lư, bước vào năm 2025, các cấp ủy, chính quyền, toàn hệ thống chính trị và Nhân dân tỉnh Ninh Bình quyết tâm, nỗ lực tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là: Tiếp tục bám sát các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, cụ thể hóa để triển khai thực hiện đối với từng mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, nhất là những quan điểm, mục tiêu mới. Phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII. Tiếp tục thúc đẩy, phát triển kinh tế xanh bền vững, gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng tăng trưởng; thực hiện tái cơ cấu các ngành kinh tế đồng bộ, toàn diện, khơi thông các nguồn lực, tạo không gian tăng trưởng mới. Phát triển dịch vụ du lịch và công nghiệp văn hóa trở thành cụm ngành kinh tế mũi nhọn. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt mức 12%.

Hai là: Tập trung thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị Trung ương khóa XII. Tập trung xây dựng chính quyền, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị; tiếp tục rà soát, sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả. Đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết công việc gắn với chính sách tinh giản biên chế. Quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí và Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Ba là: Tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là công trình hạ tầng giao thông; đẩy mạnh phát triển đô thị, văn hóa. Tập trung nguồn lực, chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện dứt điểm các dự án hạ tầng lớn, hạ tầng khung kết nối và các công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2025-2030; khẩn trương hoàn thiện hạ tầng đô thị và bộ công cụ (các quy định, quy chế) quản lý đô thị, nhất là đối với đô thị loại I thành phố Hoa Lư. Tăng cường công tác quản lý phát triển đô thị, đầu tư nâng cấp, nâng cao tiêu chuẩn của các tiêu chí phân loại đô thị xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa năm 2025 đạt 45,1%.

Bốn là: Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường “phụng dưỡng thiên nhiên”. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các dự án sử dụng đất kém hiệu quả, chậm đưa đất vào sử dụng, kiên quyết thu hồi đất các dự án kéo dài không có khả năng hoàn thành. Thực hiện kiểm soát, bảo vệ môi trường từ trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư, sàng lọc loại trừ các dự án công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều tài nguyên, tiêu hao năng lượng, hiệu quả kém. Phát triển nền kinh tế xanh, bảo vệ, phát triển rừng bền vững, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; bảo tồn, phục hồi v phát triển bền vng đa dạng sinh hc.

Năm là: Triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân trên địa bàn tỉnh; tập trung đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quốc tế, thúc đẩy ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, kết nối thị trường, thu hút đầu tư, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong công tác phục dựng, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa-lịch sử Cố đô Hoa Lư; thúc đẩy hợp tác với các tổ chức văn hóa quốc tế, Tổ chức UNESCO trong phát huy giá trị toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh văn hóa-con người-thiên nhiên Ninh Bình đến với bạn bè trong nước, quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài.

Sáu là: Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả; nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ cơ sở, phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các tổ chức chính trị xã hội, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2025, tạo đà đưa tỉnh Ninh Bình bước vào giai đoạn phát triển mới, để cùng với đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phạm Quang Ngọc
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ninh-binh-quyet-tam-cung-ca-nuoc-buoc-vao-ve-cong-tac-can-478008.htm